Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HỒNG KÔNG

Hồng Kông : Vì sao Bắc Kinh tỏ vẻ tín nhiệm Lâm Trịnh Nguyệt Nga ?

Trong khi phong trào biểu tình vẫn tiếp diễn tại Hồng Kông, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố đặt «tín nhiệm cao độ» vào khả năng đối thoại và tái lập ổn định của trưởng đặc khu hành chính.

Trưởng đặc khu, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), trong một cuộc họp báo tại Hồng Kông.
Trưởng đặc khu, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), trong một cuộc họp báo tại Hồng Kông. Reuters
Quảng cáo

Cho dù bị 75% dân Hồng Kông chê trách, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga được lãnh đạo Hoa lục tiếp tại Thượng Hải và mời về thủ đô vào ngày 06/11/2019. Bắc Kinh đấu dịu hay chuẩn bị phương án trấn áp ?

Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc hội kiến với ông Tập Cận Bình nhân Hội chợ Thượng Hải, trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga được lãnh đạo Trung Quốc khen ngợi là đã nỗ lực rất nhiều để vãn hồi ổn định và cải thiện tình trạng xã hội. Chủ tịch Trung Quốc còn kêu gọi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga « cố gắng nhiều hơn, hiệu quả hơn » để cải thiện cuộc sống của người dân và đối thoại với mọi bộ phận trong xã hội.

Cũng theo hãng thông tấn Nhà nước, ông Tập nhấn mạnh đến điều được gọi là trọng trách số một hiện nay của chính quyền Hồng Kông là « chấm dứt bạo lực, tái lập trật tự ».

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga được mời về Bắc Kinh để gặp chính phủ Trung Quốc vào thứ Tư 06/11, thay vì về thẳng Hồng Kông.

Các sự việc này mang ý nghĩa gì trong bối cảnh có tin đồn lãnh đạo đặc khu sắp bị thay thế vì bất lực trước phong trào đòi dân chủ và chống Bắc Kinh can thiệp ?

Dùng người Hồng Kông trấn áp Hồng Kông

Trước hết, theo nhà phân tích Lâm Hòa Lập (Willy Lam), một chuyên gia độc lập về chính trị Trung Quốc, sự ủng hộ của Bắc Kinh chỉ mang tính « nhất thời ». Để làm gì ? Không phải vì yêu thương hay tín nhiệm bà trưởng đặc khu hành chính, mà Bắc Kinh chỉ muốn Hồng Kông thông qua một đạo luật về an ninh quốc gia, để cho phép cảnh sát dùng bạo lực đàn áp biểu tình. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga vẫn có thể bị ngưng chức vào tháng Ba năm tới nhân phiên họp toàn thể Quốc hội Trung Quốc, hoặc trong một năm nữa là cùng, theo suy đoán của giáo sư Lâm Hòa Lập với AFP.

Tuần trước, đảng Cộng Sản Trung Quốc loan báo là « sẽ sửa đổi » tiến trình đề cử lãnh đạo đặc khu, nhưng không nói là theo chiều hướng nào, dân chủ hơn hay độc đoán hơn. Tuy nhiên, một lần nữa, Bắc Kinh đe dọa không dung thứ mọi « hoạt động chia rẽ dân tộc, đe dọa an ninh quốc gia ».

Được AFP đặt câu hỏi, Đàm Diệu Tông (Tam Yiu Chung) một đại biểu Nghị Viện thuộc phe thân Trung Quốc nhìn nhận bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga chỉ được chủ tịch Tập Cận Bình « khen vừa phải » chứ không « bốc tận mây xanh » bởi vì cho đến nay, « trật tự chưa được vãn hồi ».

Cơ may cuối cùng

Phong trào phản kháng tại Hồng Kông, bắt đầu từ cuộc xuống đường chống dự luật dẫn độ hồi tháng Sáu, kéo dài đến nay đã gần 5 tháng với nhiều yêu sách mới như đòi Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức, tổ chức bầu cử tự do, truy tố cảnh sát sử dụng bạo lực… Phong trào công dân này từ nay lại được thêm thế mạnh của một phong trào xã hội toàn cầu chống chính quyền độc tài, chống tham nhũng, chống bất công xã hội, hoặc cả ba.

Trong bối cảnh này, có lẽ Bắc Kinh cảm thấy phải siết chặt gọng kềm tại Hồng Kông nhưng phải qua một nhân vật tại chỗ. Nghị viên thân Trung Quốc Đàm Diệu Tông cho rằng trưởng đặc khu Hồng Kông là một người có khả năng : nếu không, chủ tịch Trung Quốc, cho dù rất bận rộn, đã không dành thời giờ tiếp bà tại Thượng Hải.

Còn đối với nghị viên dân chủ Mao Mạnh Tĩnh (Claudia Mao), Lâm Trịnh Nguyệt Nga là con rối của Bắc Kinh.

Cả hai ý kiến này tuy đối nghịch nhau nhưng có cùng một dự báo : Bắc Kinh sẽ để cho lãnh đạo đặc khu Hồng Kông, người vẫn chịu búa rìu dư luận, một cơ may cuối cùng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.