Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - BIỂU TÌNH

Hồng Kông: Cathay Pacific đe dọa nhân viên ủng hộ biểu tình

Nhân viên của Cathay Pacific « có thể bị sa thải nếu tiếp tục ủng hộ hoặc tham gia biểu tình bất hợp pháp ». Đó là thông cáo của tổng giám đốc công ty hàng không Hồng Kông hôm 12/08/2019, trong bối cảnh Cathay Pacific bị Bắc Kinh gây áp lực buộc hãng hàng không này phải trừng phạt những nhân viên ủng hộ phong trào dân chủ đang lên cao tại Hồng Kông.

Người biểu tình Hồng Kông tọa kháng ở sân bay quốc tế Hồng Kông, ngày 12/08/2019.
Người biểu tình Hồng Kông tọa kháng ở sân bay quốc tế Hồng Kông, ngày 12/08/2019. REUTERS/Thomas Peter
Quảng cáo

Thứ Sáu tuần trước, 09/08, cơ quan hành không dân dụng Trung Quốc ra lệnh cho Cathay Pacific phải cung cấp danh sách nhân viên phi hành đoàn trên các chuyến bay sang hay bay ngang Hoa lục. Bắc Kinh cho biết là những nhân viên ủng hộ phong trào dân chủ sẽ bị cấm phục vụ trên các chuyến bay đó. Cathay Pacific tuyên bố tuân lệnh của Bắc Kinh.

Thế nhưng, thông cáo của tổng giám đốc Rupert Hogg công bố ngày 12/08 còn đi xa hơn vơi lời lẽ đe dọa: tuyệt đối không dung thứ nhân viên ủng hộ biểu tình, những người này nguy cơ bị kỷ luật thậm chí bị hủy hợp đồng.

Lãnh đạo Cathay Pacific còn cảnh cáo những nhân viên tham gia  phát truyền đơn cho du khách quốc tế, nhất là hành khách Hoa lục, giải thích về mục tiêu, yêu sách của phong trào dân chủ chống lại thái độ nuốt lời hứa của Bắc Kinh.

Theo AFP, công đoàn của Cathay Pacific ủng hộ nhân viên tranh đấu bãi công. Thông cáo của nghiệp đoàn lên án chính quyền « làm ngơ trước các yêu sách của người dân và đã sử dụng lực lượng cảnh sát để tìm cách bóp nghẹt tiếng nói phản kháng đưa dân chúng vào tình trạng tuyệt vọng ».

Các biện pháp trả thù, đàn áp bằng lựu đạn cay và đạn cao su dường như không hiệu quả. Sáng 12/08, cảnh sát Hồng Kông, mà theo phe đối lập có an ninh Hoa lục trà trộn vào, đã phô trương vũ khí mới : ba chiếc xe vòi rồng trị giá gần 3,4 triệu đô la mỗi chiếc.

Những người biểu tình áp dụng chiến thuật mới « mèo vờn chuột », khá hiệu quả, suốt hai ngày cuối tuần qua để tránh bị bạo lực trấn áp trực diện. Vì sao ?

Từ Hồng Kông, đặc phái viên Christophe Paget phân tích :

"Căn nguyên nguồn cội là do quyết định của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, hồi tháng 02/2019, thay đổi đạo luật dẫn độ. Đối lập tố cáo bàn tay của Bắc Kinh tăng cường kiểm soát Hồng Kông. Biểu tình nổ ra vào cuối tháng 04.

Đến ngày 09/06, một triệu người đã xuống đường, một kỷ lục tính từ khi Hồng Kông được trao lại cho Trung Quốc năm 1997. Đàn áp diễn ra làm 79 người biểu tình bị thương và một thanh niên tử vong do rơi từ một mái lầu xuống đất.

Thái độ của chính quyền Trung Quốc là « lên án bạo loạn », ủng hộ chính quyền Hồng Kông và đe dọa đưa quân can thiệp.

Ngày 15/06, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đình hoãn dự luật gây tranh cãi nhưng ngày hôm sau, biểu tình phản kháng vẫn tiếp tục và lần này với hơn 2 triệu người tham gia.

Những hành động phong tỏa đường phố tiếp diễn, đến ngày 01/07, Nghị Viện bị người biểu tình xâm nhập, đập phá, đòi hủy bỏ dự luật dẫn độ, điều tra hành vi bạo lực của cảnh sát.

Tình hình xấu thêm khi nhiều người biểu tình bị một toán côn đồ xã hội đen đánh đập thô bạo, cảnh sát bị tố cáo làm ngơ. Phía chính quyền lại chọn thái độ cứng rắn, bắt giam và truy tố hàng chục người biểu tình. Ngày 05/08, một cuộc tổng đình công gây xáo trộn sinh hoạt trên toàn bán đảo .

Để đối phó, cảnh sát cấm biểu tình mỗi cuối tuần, nhưng người dân vẫn xuống đường, đa số là xuống đường khi chiều xuống. Từng nhóm nhỏ chia nhau phong tỏa đường phố và đối đầu với cảnh sát theo chiến thuật mèo vờn chuột".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.