Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - K-POP

Hàn Quốc không hẳn là thiên đường cho giới trẻ mê K-pop

Trong những năm gần đây, trào lưu K-pop xuất phát từ Hàn Quốc đã chinh phục thanh niên cả thế giới, trong đó có rất nhiều người Pháp. Quê hương của K-pop đã trở thành một nơi đầy sức quyển rũ, thu hút biết bao thanh thiếu niên từ khắp nơi trên thế giới.

Nhóm k-pop BTS phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, tháng 9/2018.
Nhóm k-pop BTS phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, tháng 9/2018. Mark GARTEN / AFP
Quảng cáo

Thế nhưng thực tế đôi khi không chỉ toàn màu hồng, điều đã được tạp chí Pháp Le Point đề ngày 24/01/2019 nêu bật trong bài phóng sự mang tựa đề : « Hàn Quốc, miền đất hứa của thế hệ Millennial », đặc biệt là ở Pháp.

Millennnial là thuật ngữ tiếng Anh dùng để chỉ thế hệ sinh trong những thập niên 1980, 1990 và đã trưởng thành khi nhân loại bước qua thế kỷ 21.

Đặc phái viên Le Point đã bắt đầu phóng sự bằng cách đưa độc giả đến tận Seoul, tìm hiểu về sinh hoạt của một thành phần du khách đặc thù của xứ sở kim chi : Những du khách là fan K-pop.

Ngay dưới tầng hầm một tòa nhà ở Hongdae, khu sinh viên ở Seoul, phóng viên Le Point đã tiếp xúc được với hai mẹ con người Pháp, vừa kết thúc 1 tiếng rưỡi đồng hồ học nhảy K-pop.

Người mẹ vui sướng tiết lộ : « Tôi rất mê nhảy múa. Tại đây thì tuyệt vời ». Bà theo một khóa học riêng ở trường Real K-pop Dance School, một cơ sở đã khéo biết tập trung vào lớp khách hàng vốn là những người hâm mộ K-pop đến từ 5 châu.

Chính cô con gái 15 tuổi của phụ nữ này là người đã biến mẹ mình thành fan K-pop. Cô bé giải thích : « Cách đây 3 năm, cháu khám phá ra một video của ban nhạc Hàn Quốc BTS và đã mê ngay. Cháu rất thích lối diễn xuất của họ… và họ lại rất đẹp trai ».

Thế là cô bé đã thuyết phục được gia đình đến tận Los Angeles để xem nhóm BTS trình diễn, rồi sau đó thuyết phục được gia đình đến viếng Hàn Quốc, xứ sở của nhóm thần tượng của mình. Ước mơ của cô là đến học ở Hàn Quốc một khi xong tú tài.

Tại thành phố Papeete, ở Tahiti, nơi gia đình này sinh sống, cô gái đã lập ra một nhóm girls band, mẹ của cô thì giúp thành lập một fan club Hàn Quốc trên toàn đảo. Và cả gia đình đều vui sướng với phim bộ và diễn viên Hàn Quốc.

BTS : Biểu tượng toàn cầu của K-pop

Biểu tượng của K-pop hiện nay gói trong ba chữ BTS, từ viết tắt của Bangtan Sonyeondan, nghĩa là « Hướng đạo sinh trong áo giáp chắn đạn », tên của nhóm nhạc gồm 7 chàng trai đã chinh phục trái tim của thanh niên thế giới.

Theo Le Point, có thể xem BTS là hiện thân của ban nhạc The Beatles thế hệ YouTube. BTS là nhóm K-pop đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng Billboard của Mỹ, đã thu hút khán giả chật cứng nhà hát Bercy, Paris, hai lần vào tháng 10 năm 2018. Tại Berlin, Đức, 17.000 vé đã bán hết trong vỏn vẹn 9 phút.

Với 16 triệu « người theo - followers » trên Twitter, nhóm boys band này đã vừa chiếm lĩnh trang bìa tạp chí Mỹ Time Magazine. Được công nhận là lá cờ đầu của quyền lực mềm Hàn Quốc, BTS đã tháp tùng tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nhân chuyến công du Pháp hay đến phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc

K-pop hướng tới thế giới sau khi chinh phục châu Á

Với BTS là mũi nhọn, « làn sóng Hàn Quốc Hallyu », vốn đã chinh phục Châu Á, giờ đây đang tràn qua các vùng ngoại ô Mỹ và tỉnh thành Pháp, và đã thu hút đông đảo thanh niên đi tìm miền đất hứa Eldorado đến xứ Triều Tiên.

Ở Seoul, các công ty Pháp nhận được vô số đơn xin việc của những thanh niên muốn thực hiên ‘giấc mơ Hàn Quốc’. Lượng người Pháp đến quê hương K-pop với visa « du lịch làm việc » đã tăng 50% từ năm 2013. Số sinh viên nước ngoài đã được nhân lên 12 lần từ năm 2003 và tăng thêm 18,8% vào năm 2017. Trong một thập niên, lượng sinh viên Pháp đến Hàn Quốc đã tăng gấp 6 lần, và đứng hàng thứ hai sau Mỹ.

Còn ở các khu đaị học Pháp, thì các sinh viên kháo nhau rằng Seoul là điểm hẹn vui chơi mới. Ở Itaewon, khu chơi đêm ở Seoul, người ta còn nghe âm hưởng tiếng Pháp nơi một số người phục vụ tại các quán.

Trên các mạng xã hội, những nhóm thảo luận về K-pop hay phim Hàn Quốc nhiều không kể xiết, và bằng nhiều thứ tiếng.

Sự lan tỏa của văn hóa Hàn Quốc đã bắt đầu từ một thập niên và gây bất ngờ cho giới phụ huynh ngày nay . Một bà mẹtham dự ngày Korea Day, tại Lyon gần đây, tập hợp 3000 fan K-pop đã không giấu được nỗi hoang mang : « Con gái tôi, 12 tuổi, đã tự học tiếng Hàn Quốc một mình trong phòng sau khi từ trường về. Tôi đang cố gắng tìm hiểu xem vì sao ». Bà đã mua một quyển sách về Hàn Quốc để tìm hiểu xem cái gì ở một đất nước xa xôi như thế đã thu hút con gái bà. Nhu cầu học tiếng Hàn đã bùng nổ ở các đại học Pháp, tăng gấp 3 lần ở La Rochelle hay tăng 149% ở Bordeaux-3 từ năm 2008 đến 2010.

Fabien Yoon ngôi sao người Pháp trên màn ảnh nhỏ ở Seoul nhờ các vai trong các phim bộ Hàn Quốc như « Mr Sunshine », vẫn chưa hết ngạc nhiên. Đến đây vào năm 2007, lúc 20 tuổi, vì yêu thích taekwondo, sau đó anh học thêm tiếng Hàn và tiếng Nhật, và lao vào làm việc cật lực trong giới show business Hàn Quốc.

Anh kể lại : « Trước đây, người ta nói là tôi điên rồ ! Ngày nay, giới trẻ thì nói là tôi đã thực hiện giấc mơ của chúng ». Hiện Fabien Yoon đã có 41 000 người theo trên Twitter.

Hàn Quốc hơn hẳn Nhật Bản đang già đi và Trung Quốc vẫn độc tài

Theo các quan sát viên được Le Point trích dẫn, Hàn Quốc quả là đã biết thay da đổi thịt để chuyển hóa từ một xứ sở ít được quan tâm lên thành tâm điểm của giới trẻ thế giới.

Benjamin Joineau, giáo sư tại Đại học Hongik và sáng lập viên L’Atelier des cahiers, một nhà xuất bản chuyên về Hàn Quốc, ghi nhận : « Giới thanh niên đến Hàn Quốc với đôi mắt sáng lên. Hàn Quốc là một ranh giới mới của sự hiện đại và đang thay chỗ của Nhật Bản đang mất đi sức thu hút đang hụt hơi. Sự xinh đẹp tại Hàn Quốc mang đến một hình ảnh về tương lai ít đáng lo ngại hơn ».

Theo Le Point, sau một thời gian dài là « góc chết của Châu Á, nằm trong tầm pháo của Kim Jong Un, Hàn Quốc đã trở thành nam châm thu hút thế hệ Millennial. Và đã qua rồi thời kỳ mà phi hành đoàn của Air France thở dài ngán ngẩm khi trên lịch trình bay phải ghé Seoul, một thủ đô xám xịt ; nơi mà phải vất vả lắm mới có được một cốc cà phê expresso. Ngày nay Seoul đã rộng mở, quán cà phê mọc khắp nơi, tuổi trẻ thế giới đến đây tìm cơ may hay để chụp vài tấm selfies.

Giữa Trung Quốc ô nhiễm và độc đoán và một Nhật Bản ngày càng già đi, vương quốc của Samsung nổi bật với sức sống của mình, với các minh tinh quyến rũ và công nghệ cao. Theo Oriane Lemaire, một phụ nữ đã rời Pháp, sang sống tại Seoul sau khi xem phim Hàn Quốc : « Rất tuyệt vời khi được sống ở thành phố to lớn và sinh đông này, với nhịp sống cuồn cuộn không ngơi nghỉ, nơi mà các « cửa hàng tiện lợi » mở suốt đêm và có ý thức phục vụ thật sự ».

Oriane Lemaire đã hết hạn hợp đồng làm ở đại sứ quán Pháp, và trong hai ngày đã có 80 đơn xin vào làm ở chỗ đó. Điểm quan trọng mà phụ nữ Pháp tại Seoul hay nhắc dến là « ở đây cảm thấy an toàn ».

Đối với Le Point, sự thu hút của đất nước Ban Mai Yên Ả (nhưng ban tối thì cuồng nhiệt) phản ảnh mong muốn của thanh niên phương Tây.

Nền kinh tế thứ tư Châu Á, luôn theo khẩu hiệu pali pali – nhanh nhanh- đã nắm bắt được mong muốn của một thời đại đang thèm khát sự năng động và công nghệ học. một nền văn hóa chuộng dáng vẻ bề ngoài. Những viện thẩm mỹ sửa sắc đẹp dọc đại lộ Gangnam hay những quán cà phê với bài trí tối thiểu hợp với thời đại đã chứng minh được xu hướng này.

Tóm lại người Hàn Quốc biết nắm bắt nhanh những xu hướng thời thượng, họ là những « early adopters », tức là những người khao khát sự mới lạ.

Nhưng Hàn Quốc cũng là một quốc gia bảo thủ về mặt xã hội, nhân danh trật tự, an ninh, tình cảm cao thượng... Phá thai vẫn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, người lao động nhập cư không mấy được ưa thích, hút một điếu cần sa có thể bị tù.

Giấc mơ và ảo ảnh

Theo nhận xét của Le Point, chính vì những lý do kể trên mà nhiều khi giấc mơ Hàn Quốc lại biến thành ảo ảnh.

Một khi sự hào hứng vì những nét mới lạ trong những tháng đầu biến mất, nhiều thanh niên đã thấy thất vọng. Họ vấp phải một xã hội bị khóa chặt trong những quy tắc xã hội nặng tính truyền thống trên bán đảo, nhìn người nước ngoài một cách đầy nghi kỵ, ca ngợi tính chất thuần túy Hàn Quốc.

Và nhất là hy vọng của họ tiêu tan trước một thị trường lao động khép kín, được bảo vệ bằng một chính sách visa chặt chẽ, và đòi hỏi phải biết nói tiếng Hàn. Việc làm có thể tìm được chỉ là tại các công ty nước ngoài, mà thường khi các hãng này lại ưu tiên tuyển mộ những người tại chỗ biết nói tiếng Anh hay tiếng Pháp, mà theo thông lệ, họ đều đầy đủ bằng cấp.

Rào cản này khiến nhiều thanh niên Pháp, khong thể ở lại sau khi hết hạn visa « lao động nhân kỳ nghỉ hè ». Giáo sư Benjamin Joinau rút ra kết luận : « Hàn Quốc cho lấp lánh một giấc mơ nhưng không cho phương tiện để thực hiện ».

Thất vọng cũng được thấy trong cuộc sống hàng ngày, trong một xã hội cạnh tranh dữ dội, với tỷ lệ tự tử cao nhất trong khối OCDE. Đối với phụ nữ, những câu chuyện tình cảm đẹp chỉ được thấy trong phim bô, còn trong thực tế thường rất chua xót trong một xã hội trọng nam khinh nữ : Hàn Quốc đứng hạng 118 thế giới về nam nữ bình quyền, theo Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới. Ly dị là một chủ đề cấm kỵ…

Sự thu hút của Hàn Quốc như giới phân tích ghi nhận, bắt nguồn từ ước muốn tìm đến những nơi xa xôi để thoát ra khỏi sự bế tắc, nhàm chán trong cuộc sống hiện tại. Bà Oriane Lemaire ghi nhận : « Nhiều thanh niên đến Hàn Quốc với ước ao thoát khỏi những ‘rào cản’ ở Pháp ». Điều trớ trêu là chính thanh niên Hàn Quốc cũng muốn thoát khỏi khung cảnh cứng ngắt ở nước họ, và mở tưởng đến những nơi khác.

Theo một cuộc thăm dò dư luận do trang web Saramin thực hiện năm 2016, 80% thanh niên Hàn Quốc từ 20 đến 30 tuổi có ước vọng này.  Họ muốn thoát khỏi cái mà họ gọi là ‘địa ngục Joseon’, ám chỉ thời đại 1392–1910, vốn đã đặt ra những gọng kềm mà ngày nay vẫn còn tồn tại.Thanh niên Hàn Quốc tố cáo một xã hội vẫn có những quy củ cứng ngắt, nghẹt thở.

Cho dù vậy, Le Point kết luận, BTS và xứ sở của họ vẫn thu hút thanh niên 5 châu. Một cô gái 18 tuổi ở vùng Bretagne, miền tây nước Pháp cho biết cô đang tiết kiệm để đi Hàn Quốc và vui kể lại : « Trước đây, khi tôi thấy ai mặc một cái áo mang ký hiệu BTS, tôi đều vẫy tay chào. Giờ đây, tôi chẳng còn để ý nữa. Áo BTS đã trở thành bình thường chẳng khác gì một cái áo Beatles ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.