Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - TỰ DO TÍN NGƯỠNG

Trung Quốc ngày càng hà khắc với tự do tín ngưỡng

Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình không buông tha và sẵn sàng trấn áp ngày càng mạnh mẽ tự do tôn giáo. Ví dụ mới nhất của sự cuồng ám của đảng Cộng sản Trung Quốc trong vấn đề này là sắp tới, chính phủ sẽ cấm các tín đồ phát tán trên mạng xã hội các hình ảnh hay những đoạn video lễ rửa tội, lễ cầu nguyện hay các lễ Phật giáo.

Thánh lễ chúa nhật tại nhà thờ ở Hải Điến, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 03/10/2010
Thánh lễ chúa nhật tại nhà thờ ở Hải Điến, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 03/10/2010 REUTERS/Petar Kujundzic/Files
Quảng cáo

Báo Pháp Le Figaro ngày 17/09/2018 có bài « Tại Trung Quốc, cấm đoán tự do tín ngưỡng sẽ còn đi đến đâu ? » RFI xin giới thiệu.

1. Phải chăng đảng Cộng Sản Trung Quốc từ trước đến giờ vẫn luôn đàn áp tôn giáo ?

Các tôn giáo từng nếm mùi khổ ải dưới thời Mao Trạch Đông. Nhất là trong suốt cuộc Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976). Cuộc cách mạng này đã tìm cách triệt tiêu tôn giáo. Các địa điểm thờ phụng đã bị đóng cửa hay phá hủy hàng loạt, và nhiều chức sắc tôn giáo đã bị cầm tù hay bị đưa đi các trại cải tạo lao động.

Kể từ những năm 1980, sau khi bắt đầu cải cách kinh tế và mở cửa đất nước, chế độ cộng sản đã tỏ ra khoan dung hơn. Các tín đồ thuộc năm tôn giáo lớn – bao gồm Phật giáo, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Hồi giáo và Lão giáo – đã được phép xây dựng các điểm tôn thờ và thực thi tín ngưỡng, với điều kiện trung thành với các cơ quan mặt trận tổ quốc, do đảng Cộng sản Trung Quốc giám sát.

Tuy nhiên, nhiều tín đồ công giáo từ chối sự bảo hộ này và vẫn muốn tiếp tục lui tới các giáo hội « bí mật », nơi mà họ từng đến lánh nạn dưới thời Mao Trạch Đông. Chính quyền lúc bấy giờ ít nhiều cũng nhắm mắt làm ngơ và các nhà thờ này đã phát triển cho dù cũng có lúc xẩy ra các đợt truy bức.

Sau Thế Vận Hội Mùa Hè 2008, chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu siết chặt kiểm soát tôn giáo trong khuôn khổ chương trình tái kiểm soát toàn diện xã hội. Chủ trương này đã thật sự tăng tốc kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền vào cuối năm 2012. « Hoàng đế đỏ » đã cảnh báo : Không nương tha tất cả những ai đe dọa uy quyền của Đảng.

Tháng 10/2017, ông còn nhấn mạnh rằng tôn giáo nhất thiết phải thuận theo « các thực tế của Trung Quốc » và « xã hội xã hội chủ nghĩa ». Mục tiêu của sự Hán hóa tín ngưỡng này rất đơn giản: Các tôn giáo phải đi theo đường lối của Đảng.

Các quy định ban hành gần đây áp đặt điều gì ?

Trong khi mà các tôn giáo đã bị giám sát nghiêm ngặt, những quy định mới nhằm quản lý chặt hơn việc thờ phụng đã có hiệu lực từ tháng 2/2018. Về mặt chính thức, các quy định này nhằm « ngăn chặn tư tưởng cực đoan », « chống sự thâm nhập » của nước ngoài và hạn chế các hoạt động hành đạo không được Nhà nước công nhận. Các chỉ thị đó nghiêm cấm các khoản tài trợ từ nước ngoài và siết chặt điều kiện mở các trường học tôn giáo.

Kể từ khi các quy định này được áp dụng, các đền thờ Hồi giáo chẳng hạn, buộc phải treo cao quốc kỳ để « phát huy tinh thần yêu nước ». Các vị chức sắc buộc phải dự các khóa đào tạo tìm hiểu Hiến Pháp, kể cả tư tưởng « Tập Cận Bình » vừa được đưa vào Hiến Pháp từ hồi tháng Ba, cũng như là các « giá trị cơ bản của chủ nghĩa xã hội ».

Một dự thảo luật vừa được tiết lộ dự kiến nghiêm cấm các hình thức trao đổi trên mạng – từ hình ảnh, video cho đến bài viết – về lễ nghi tôn giáo. Được cho là nhằm ngăn chặn việc truyền đạo, dự thảo luật còn cấm « phân phát các sản phẩm tín ngưỡng » hay « xúi giục trẻ vị thành niên tham gia vào các hoạt động tôn giáo ». Văn bản này được phổ biến công khai cho người dân tham khảo, góp ý, nhưng đảng cộng sản ít khi sửa đổi các loại dự luật này.

Việc đưa vào khuôn phép còn nhắm đến cả các đảng viên, theo yêu cầu của ông Tập Cận Bình, họ đều phải là những người vô thần « không gì lay chuyển được ». Theo một thông tư mới nhằm củng cố kỷ cương, những ai không từ bỏ được niềm tin tín ngưỡng bất chấp sự « giáo dục » của đảng, được yêu cầu ra khỏi đảng Cộng sản.

Phải chăng tín đồ công giáo đặc biệt bị nhắm đến nhiều nhất ?

Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn ngờ vực những tôn giáo nào có liên hệ với nước ngoài : Cơ Đốc giáo, Hồi giáo và Phật giáo Tây Tạng. Sự bùng phát nhanh chóng các giáo hội Tin Lành không chính thức tại nhiều thành phố trong 15 năm gần đây đã khiến đảng Cộng sản Trung Quốc lo lắng tột độ. Tháng 9/2018, chính quyền Bắc Kinh đã cho giải thể một trong những tổ chức quan trọng kiểu này : Hội Thánh Đức Chúa Trời – Giáo hội Sion. Ông Dương Phượng Cương (Yang Fenggang), giáo sư trường đại học Purdue tại Mỹ cho rằng « điều đó có nghĩa là đảng Cộng sản quyết tâm loại bỏ những cộng đồng độc lập này trên khắp cả nước ».

Năm 2016, hơn 1500 cây thánh giá trên nóc các nhà thờ, chủ yếu là Tin Lành, đã bị phá dỡ tại tỉnh Chiết Giang. Theo nhiều nhà quan sát, chiến dịch này sau đó đã được mở rộng sang cả nhiều vùng khác như tỉnh Hà Nam. Cùng lúc, Bắc Kinh gia tăng kiểm duyệt sách vở kinh thánh, theo như cáo buộc của những nhà quan sát trên.

Giáo sư Dương ước tính « hiện nay số lượng tín đồ Cơ Đốc giáo Trung Quốc có thể gần được 100 triệu người (cao hơn số lượng đảng viên hiện có của đảng Cộng sản Trung Quốc là 90 triệu người) và rất có thể số tín đồ này sẽ lên tới 224 triệu người vào năm 2030 ». Nhà nghiên cứu chính trị học Lâm Hòa Lập (Willy Lam), trường đại học Hồng Kông còn nhấn mạnh thêm, chế độ « đang tỏ ra căng thẳng trước việc một cộng đồng đông đảo và có tổ chức đến thế có thể phản bác quyền lực của đảng ».

Hơn nữa, các hội đoàn Tin Lành « không chính thức » ngày càng thu hút nhiều cán bộ doanh nghiệp và giới trẻ Trung Quốc có học vấn. Đó chính là những tầng lớp mà đảng Cộng Sản đang muốn dựa vào để xây dựng một siêu cường hiện đại.

Theo giới quan sát, năm 2018 này, chính quyền đã gia tăng áp lực và các hành động sách nhiễu nhằm làm nản lòng các tín đồ Cơ đốc giáo đến những nhà thờ không được Nhà nước thừa nhận. Hành động trấn áp này cũng liên quan đến cả những người công giáo được cho là « bất hợp pháp », vào lúc mà Bắc Kinh và Vatican đang trong quá trình thương thuyết để xích lại gần nhau.

Tại Hà Nam, nhiều nhà thờ đã bị phá hủy, lễ cầu nguyện bị cấm cho trẻ em tham dự và nhiều linh mục buộc phải cung cấp danh sách các tín đồ cho chính quyền, theo như lời một số nhân chứng với AFP. Trung Quốc có khoảng từ 10-12 triệu người công giáo, được phân bổ gần như ngang nhau giữa một bên là giáo hội Nhà nước và bên kia là giáo hội được Giáo hoàng công nhận.

Số phận nào dành cho người theo đạo Hồi ?

Trung Quốc đặc biệt quan ngại về tình hình tỉnh Tân Cương, nơi sinh sống của 14 triệu người theo đạo Hồi và nơi diễn ra nhiều cuộc bạo động trong những năm gần đây. Chính quyền Bắc Kinh, do ngờ vực những mối liên hệ có thể có giữa những người đấu tranh « đòi ly khai » với các nhóm thánh chiến quốc tế, nên đã đưa ra nhiều biện pháp để kiểm soát mọi sinh hoạt trong cuộc sống của người Hồi giáo. Từ năm 2017, chính phủ đã cấm trùm khăn toàn thân và để « râu bất bình thường », đồng thời truy xét trong điện thoại cầm tay từng dấu hiệu của hiện tượng « cực đoan hóa ».

Thế nhưng, mọi việc còn đi xa hơn. Nhiều báo cáo lên án việc thành lập một mạng lưới rộng lớn các trại « cải tạo » ở tỉnh này. Có khoảng hàng trăm nghìn cho đến một triệu người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakhstan đã bị đưa đến các trại này từ năm 2017, theo nhà nghiên cứu người Đức, ông Adrian Zenz.

Nhiều lời chứng do các tổ chức phi chính phủ và báo chí thu thập được cũng cho thấy những người bị giam giữ hứng chịu một sự tẩy não khủng khiếp. Mục đích là buộc họ phải từ bỏ bản sắc tôn giáo, cưỡng bức họ ca tụng đảng cộng sản và bôi nhọ chính nền văn hóa của họ.

Tổ chức Human Rights Watch của Mỹ đã tố cáo « các hành động vi phạm nhân quyền tại Tân Cương trên diện rộng chưa từng thấy ở Trung Quốc kể từ nhiều thập niên qua ». Liên Hiệp Quốc cũng bắt đầu lên tiếng, kêu gọi Bắc Kinh cho phép các nhà quan sát đến những nơi này. Trung Quốc đã đáp trả rằng họ không hề truy bức người Hồi giáo, mà chỉ thiết lập các « trung tâm giáo dục ».

Phải chăng một số tôn giáo được đối xử nhẹ tay hơn ?

Dù là mọi hình thức thờ phụng đều bị giám sát, nhưng Phật giáo Trung Hoa (tôn giáo hàng đầu có khoảng từ 185 và 250 triệu tín đồ) hay như Lão giáo được chiếu cố hơn. Những tôn giáo truyền thống này quả thật được đánh giá là thích hợp với « sự đổi mới lớn » của đất nước theo như ý của Tập Cận Bình.

Lãnh đạo Bắc Kinh, vốn đang tìm cách củng cố sự gắn kết của xã hội, cho rằng những hệ thống tư tưởng này bám rễ sâu trong văn hóa Trung Quốc có thể có ích để đáp ứng sự hẫng hụt về tinh thần mà đảng hoặc cuộc chạy đua theo tiền bạc không tài nào khỏa lấp được.

Theo giới chuyên gia, khi làm điều này, ông Tập Cận Bình còn củng cố hơn nữa quyền lực của mình, bởi vì các chức sắc Phật giáo chấp nhận phục tùng sự chi phối của đảng cộng sản và các quy định nhiều hơn giới lãnh đạo các tôn giáo khác.

Tuy nhiên, đảng cộng sản cũng đang tìm cách chống lại hiện tượng « buôn thần bán thánh » của đạo Phật. Ông Ian Johnson, tác giả cuốn « The Souls of China – tạm dịch Tâm linh Trung Hoa », giải thích : « Đảng cộng sản hiểu rằng rất nhiều đền thờ đã trở thành điểm kinh doanh, điều đó khiến cho các đền thờ ngày càng kém hấp dẫn trong con mắt tầng lớp trung lưu ở các thành phố lớn, mà tầng lớp này ngày càng phức tạp tinh vi hơn. ». Chế độ muốn tránh bằng mọi giá tầng lớp dân cư này tiếp tục gia nhập cộng đồng tín đồ Cơ Đốc giáo, cộng đồng được xem là ít tham nhũng hơn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.