Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - VATICAN

Thỏa thuận Trung Quốc-Vatican gây lo ngại dù chưa được xác nhận

Nhật báo Mỹ Wall Street Journal số ra ngày 14/09/2018 vừa trích dẫn hai nguồn thạo tin khẳng định rằng từ nay đến cuối tháng, Trung Quốc và Tòa Thánh Vatican sẽ ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, kết thúc một cuộc đấu tranh lâu dài giữa chế độ Cộng Sản Bắc Kinh và Giáo Hội Công Giáo về việc chọn các chức sắc Công Giáo tại Trung Quốc. Dù chưa được bên nào xác nhận, nhưng thỏa thuận này đã làm dấy lên một số dư luận quan ngại.

Đức Giáo hoàng Phanxicô. Ảnh tại Vatican, ngày 31/07/2018.
Đức Giáo hoàng Phanxicô. Ảnh tại Vatican, ngày 31/07/2018. Reuters
Quảng cáo

Theo nhật báo Mỹ, thỏa thuận gây tranh cãi sẽ bao gồm hai vế chính: Lần đầu tiên, Bắc Kinh công nhận chính thức rằng Giáo hoàng là người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc. Đổi lại, đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ chính thức công nhận bảy giám mục Trung Quốc đã bị rút phép thông công vì đã được chính quyền Bắc Kinh chỉ định nhưng lại không có sự chấp thuận của Vatican.

Cả hai phía Tòa Thánh và Trung Quốc đều không xác nhận thông tin của tờ báo Mỹ. Phát ngôn viên Vatican Greg Burke cho biết là đối thoại giữa Toà Thánh và Trung Quốc vẫn tiếp diễn và “không có gì khác để nói thêm vào lúc này.Còn trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 14/09, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng một mặt từ chối xác nhận thông tin, một mặt khác nói rằng Bắc Kinh chân thành trong nỗ lực tìm kiếm quan hệ tốt hơn với Vatican.

Cho dù vậy, các phản ứng đối với thỏa thuận này được cho là sẽ rất mâu thuẫn với nhau. Một số cho rằng Trung Quốc đã thành công trong thương thuyết với Vatican, giúp Bắc Kinh xích lại gần phương Tây hơn, trong lúc những người khác cảnh báo về một thất bại quan trọng cho nguyên tắc tự do tôn giáo.

Ông Francesco Sisci, một người Ý giảng dạy môn quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết: “Đó là một bước nhỏ của Trung Quốc hướng tới việc công nhận một số khuôn khổ của thế giới phương Tây”. Thế nhưng, theo chuyên gia này, động thái của Bắc Kinh “không đi đến mức công nhận những gì ở phương Tây gọi tự do tôn giáo, mà chỉ là một mức độ của quyền tự chủ tôn giáo.”

Theo Wall Street Journal, nhiều người khác, trong đó có một số nhà ngoại giao Mỹ thì rất quan ngại trước việc đức giáo hoàng nhường cho một chế độ độc tài vô thần quyền ảnh hưởng mạnh mẽ lên sự lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo.

Theo một nguồn tin được nhật báo Mỹ trích dẫn, thì thỏa thuận Vatican-Trung Quốc tuy nhiên vẫn có thể bị gác qua một bên hay bị trì hoãn do các sự kiện không lường trước được.

Hai bên tiến gần đến việc ký kết mặc dù Bắc Kinh gần đây đã tăng cường đàn áp các nhóm Thiên Chúa Giáo và các nhóm tôn giáo khác, thông qua nhiều biện pháp, trong đó có việc đóng cửa nhà thờ, phá hủy và xóa bỏ các biểu tượng tôn giáo như thánh giá hay mái vòm của đền thờ Hồi Giáo.

Thỏa thuận sắp ký cũng có nguy cơ làm dấy lên những lời chỉ trích nhắm vào đức Giáo hoàng, vốn đang bị công kích về cách xử lý các vụ lạm dụng tình dục trẻ em của những chức sắc Công Giáo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.