Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - BIỂN ĐÔNG

Biển Đông: Trung Quốc dùng doanh nghiệp Nhà nước làm công cụ lấn chiếm

Một công trình nghiên cứu mới do Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Yusof Ishak tại Singapore công bố gần đây, và được hãng tin Anh Reuters phân tích hôm 09/08/2018 đã nêu bật một khía cạnh ít được nói đến trong tranh chấp Biển Đông. Đó là việc Bắc Kinh đã dùng các tập đoàn Nhà nước làm công cụ lấn chiếm và áp đặt chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông.

Ảnh minh họa : Logo tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNOOC. Ảnh tháng 3/2017. CNOOC đã vận động nguồn tài trợ và lôi kéo Trung Quốc dấn thân sâu rộng hơn vào Biển Đông cách đây một thập kỷ.
Ảnh minh họa : Logo tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNOOC. Ảnh tháng 3/2017. CNOOC đã vận động nguồn tài trợ và lôi kéo Trung Quốc dấn thân sâu rộng hơn vào Biển Đông cách đây một thập kỷ. Reuters
Quảng cáo

Báo cáo của nhà nghiên cứu Cung Tuyết (Xue Gong) đã ghi nhận là doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc đang đóng một vai trò ngày càng tăng ở Biển Đông và góp phần giúp Bắc Kinh củng cố thế thống trị trong những năm tới đây.

Công trình đã nêu bật các hoạt động của các tập đoàn Nhà nước Trung Quốc trong việc phát triển hạ tầng cơ sở, du lịch cũng như dầu khí, mà một số nằm trong vùng tranh chấp với các láng giềng. Bắc Kinh, theo bản nghiên cứu, đã khuyến khích hoạt động của các tập đoàn này. Đối với một số chuyên gia và nhà ngoại giao, hoạt động thương mại mạnh mẽ sẽ cản trở bất kỳ giải pháp tương lai nào cho khu vực nếu Bắc Kinh bảo vệ họ bằng quân sự và chính trị.

Tập đoàn Trung Quốc phục vụ lợi ích chiến lược

Điểm được ghi nhận đầu tiên là các tập đoàn Trung Quốc hoạt động trong một môi trường phức tạp và thường không rõ ràng, phục vụ cho lợi ích chiến lược của Bắc Kinh trong lúc tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.

Trả lời Reuters, chuyên gia Cung Tuyết nhấn mạnh là các tập đoàn này : « không thể hoạt động độc lập, nhưng năng nổ tranh thủ cơ hội, và khi môi trường về chính sách thuận lợi thì họ lao vào… Chúng ta đã thấy những dấu hiệu về cách hành xử này ở Biển Đông. »

Đối với tác giả bản nghiên cứu, nếu chính quyền Trung Quốc duy trì được thế thượng phong và quyền định đoạt trong khu vực, đồng thời ổn định được tình hình, thì sẽ có nhiều cơ hội lớn cho các công ty này.

Riêng trong lãnh vực tài chánh, bản nghiên cứu đã nêu lên các khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin, nhưng đánh giá là công việc cải tạo 7 bãi đá ở Trường Sa thành đảo nhân tạo đã tốn kém hàng tỷ đô la.

Theo truyền thông Nhà nước Trung Quốc, riêng việc xây dựng Đá Chữ Thập - giờ đây có một phi đạo dài 3 cây số, cơ sở quân sự, có cả hỏa tiễn, radar - đã tốn khoảng 11 tỷ đô la.

Chính việc tiếp tục xây dựng các công trình trên 7 bãi đá này đã gây lo ngại cho Hoa Kỳ và các láng giềng khu vực của Trung Quốc.

Hợp đồng béo bở ở Biển Đông

Nghiên cứu của chuyên gia Cung Tuyết cho thấy cách thức Tâp Đoàn Xây Dựng Viễn Thông Trung Quốc CCCC (China Communications Construction Corporation) và các công ty con, tận dụng chính sách mà ông Tập Cận Bình tung ra vào năm 2012 để phát triển năng lực hoạt động trên biển nhờ các hợp đồng ở Biển Đông, trong đó có việc đóng tàu nạo vét thuộc loại lớn nhất thế giới.

Tập đoàn CCCC đã lập ra những đơn vị kinh doanh mới tập trung khai thác vùng Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam, và nhắm vào lãnh vực du lịch, cơ sở hậu cần, đánh cá, xây dựng.

Tập đoàn đã cam kết đầu tư 15 tỷ đô la vào những lãnh vực khác nhau. Bản nghiên cứu của bà Cung Tuyết nhận định rằng kế hoạch đó « xuất phát từ việc tập đoàn này đã hưởng lợi từ việc bồi đắp đảo ở Biển Đông nằm trong kế hoạch của nhà nước. »

CCCC cũng hợp tác với những tập đoàn Nhà nước khác, trong đó có tập đoàn du lịch China Travel Service Group (CTSG), để phát triển tuyến du lich đến Hoàng Sa bằng tàu thủy, sau khi giới lãnh đạo không còn ngần ngại ủng hộ những hoạt động như trên.

Theo số liệu của Cơ Quan An Toàn Hàng Hải Hải Nam vào tháng Giêng năm nay, đã có hơn 70.000 khách đi du ngoạn ở Biển Đông từ khi tuyến du lịch Hoàng Sa được mở ra vào tháng 4/2013.

Bên cạnh đó, tính đến hết năm 2017, đã có khoảng 680 chuyến bay thương mại đáp xuống đảo Phú Lâm, nơi đặt Tam Sa, thủ phủ hành chính phụ trách các chiến dịch ở Biển Đông.

Trọng lượng của tập đoàn dầu khí CNOOC

Bản nghiên cứu cũng nêu chi tiết cách thức mà Tổng Công Ty Dầu Khí Hải Dương Trung Quốc CNOOC đã dùng để vận động nguồn tài trợ và lôi kéo Trung Quốc dấn thân sâu rộng hơn vào Biển Đông cách đây một thập kỷ, sau khi bị chỉ trích từ giới học giả lo ngại trước hoạt động của những nước tranh chấp khác.

CNOOC là tập đoàn đã dành 32 tỷ đô la cho việc thăm dò dầu khí và đã cho xây dựng giàn khoan nước sâu khổng lồ mà Trung Quốc đã kéo vào cắm đặt trong vùng biển ngoài khơi miền Trung Việt Nam năm 2014, làm dấy lên căng thẳng với Việt Nam.

Theo kết quả quý đầu năm nay thì, giá trị cổ phiếu các đơn vị phụ trách thăm dò và khai thác dầu khí Biển Đông của tập đoàn CNOOC đã tăng 45% so với 43% vào năm ngoái, và chỉ đứng sau những hoạt động ở Bột Hải. Báo cáo thường niên mới nhất của CNOOC đã ghi nhận 8 khám phá mới ở Biển Đông, trên tổng số 19 khu vực tìm kiếm ngoài khơi của Trung Quốc năm 2017.

Theo chuyên gia Cung Tuyết, những tập đoàn giống như CNOOC « đã cho thấy là họ có hiệu năng cao hơn trong việc huy động phương tiện gây ảnh hưởng đối với chính sách Nhà nước, trong lúc một số tác nhân khác, như các tập đoàn du lịch, chỉ đáp ứng khi được Nhà nước tài trợ ».

Trong một thông cáo gởi đến Reuters, CNOOC nói là đã có một chiến lược phát triển tại vùng biển nước sâu ở Biển Đông và dự kiến gia tăng đầu tư vào việc thăm dò và phát triển trong tương lai. Thông cáo cũng mời chào : « Tất cả các công ty dầu khí trên địa cầu đều được mời cùng tham gia đầu tư và khai thác vùng biển ngoài khơi Trung Quốc để cùng thành công với CNOOC ».

Một loạt tập đoàn khác được cho là đang chú ý đến những hoạt động khác ở Biển Đông, từ điện hạt nhân, viễn thông, cho đến đánh cá, ngân hàng.

Khó đạt giải pháp cho tranh chấp Biển Đông ?

Theo đánh giá của Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ISEAS tại Singapore, « Bắc Kinh đang khuyến khích các doanh nghiệp trở nên những tác nhân quan trọng ở Biển Đông ».

Đối với chuyên gia này « Đây là điều mà các quốc gia khác tranh chấp không thể làm được, ít ra là ở quy mô như Trung Quốc », và trong bối cảnh đó : « Tranh chấp Biển Đông hoàn toàn chưa tiến gần đến bất kỳ giải pháp nào, pháp lý hay chính trị, và vai trò của các tập đoàn Nhà nước Trung Quốc đã nêu bật thực tế đó ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.