Vào nội dung chính
MALAYSIA - MH370

Vụ MH370: Báo cáo điều tra chung cuộc của Malaysia không có gì mới

Hơn bốn năm sau khi chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines, trên đường đi từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh vào đêm mồng 07, rạng ngày 08 tháng Ba năm 2014, đột ngột mất tích với 239 người trên máy bay, ủy ban điều tra của chính quyền Malaysia, ngày 30/07/2018, đã công bố bản báo cáo chung cuộc trong một cuộc họp báo tại thủ đô Malaysia. Kết quả đã khiến gia đình các nạn nhân hết sức thất vọng vì không có thêm yếu tố mới nào.

Lãnh đạo Ủy Ban Điều Tra, Kok Soo Chon, công bố kết quả điều tra vụ chuyến bay MH370 mất tích ngày 30/07/2018, tại Kuala Lumpur, Malaysia..
Lãnh đạo Ủy Ban Điều Tra, Kok Soo Chon, công bố kết quả điều tra vụ chuyến bay MH370 mất tích ngày 30/07/2018, tại Kuala Lumpur, Malaysia.. REUTERS/Sadiq Asyraf
Quảng cáo

Theo nhận xét của thông tín viên RFI Florence de Changy, trong lịch sử hàng không dân dụng hiện đại, chưa bao giờ một chiếc phi cơ cỡ lớn - như chiếc Boeing 777 trong chuyến bay MH370 - lại có thể biến mất mà không để lại dấu vết. Thế nhưng trường hợp chuyến bay MH370 là một ngoại lệ, làm dấy lên nhiều câu hỏi nhất là khi loại Boeing 777 được coi là một trong những loại máy bay an toàn nhất hiện nay, và Biển Đông là một trong những vùng biển được giám sát chặt chẽ nhất trên toàn thế giới.

Mở đầu cuộc họp báo diễn ra ngày hôm nay tại Kuala Lumpur, ông Kok Soo Chon, lãnh đạo cơ quan điều tra tuyên bố rằng báo cáo trên nguyên tắc là chung cuộc này, rốt cuộc chưa phải là báo cáo cuối cùng. Bởi vì, kết luận của cuộc điều tra là không thể xác định nguyên nhân thực thụ của vụ chuyến bay MH370 bị mất tích.

Vài giờ trước khi Ủy Ban Điều Tra Malaysia họp báo, cô Grace Nathan, một nữ luật sư trẻ người Malaysia có mẹ trên chuyến bay MH370 đã nhận định : « Có sự thiếu chính xác trong các câu trả lời được đưa ra, và cũng không có câu trả lời thỏa đáng cho một số câu hỏi hoàn toàn chính đáng ». Các gia đình nạn nhân đã được Ủy Ban Điều Tra thông báo kết quả một cách riêng biệt.

Tuy nhiên, bản báo cáo đã loại trừ khả năng một sự cố kỹ thuật, đồng thời cũng bác bỏ giả thuyết cơ trưởng Shah Zaharie của chuyến bay đã có một hành động tự sát. Báo cáo nói rõ là không có gì đáng ngờ trên thiết bị mô phỏng chuyến bay của viên phi công mà giới điều tra đã tìm thấy, trái với những tin đồn được một số phương tiện truyền thông Mỹ và Úc loan truyền.

Báo cáo đã kết luận một cách đầy hoài nghi khi nhấn mạnh đến việc « thiếu bằng chứng » cả để xác nhận lẫn phủ nhận giả thuyết được nêu ra. Thế nhưng, giới điều tra cho biết họ không loại trừ khả năng có sự can thiệp của một bên thứ ba vào vụ mất tích.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.