Vào nội dung chính
CHÂU Á - CAM BỐT - BẦU CỬ

Bầu cử Quốc Hội Cam Bốt : Đảng của thủ tướng Hun Sen cầm chắc phần thắng

Vào lúc 7 giờ sáng ngày 29/07/2018 các phòng phiếu tại Cam Bốt bắt đầu mở cửa. Chính quyền Cam Bốt huy động 80.000 nhân viên cảnh sát để bảo vệ an ninh cho trên 8 triệu cử tri được kêu gọi bầu lại 123 đại biểu Quốc Hội. Đảng đối lập duy nhất đã bị giá thể từ tháng 11/2017. Thủ tướng Hun Sen được bảo đảm tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ sau 33 năm liên tục cầm quyền. 

Thủ tướng Cam Bốt đồng thời là chủ tịch đảng Nhân Dân Cam Bốt (CPP) Hun Sen và phu nhân Bun Rany, bỏ phiếu tại Takhmao, tỉnh Kandal, ngày 29/07/2018.
Thủ tướng Cam Bốt đồng thời là chủ tịch đảng Nhân Dân Cam Bốt (CPP) Hun Sen và phu nhân Bun Rany, bỏ phiếu tại Takhmao, tỉnh Kandal, ngày 29/07/2018. REUTERS/Samrang Pring
Quảng cáo

Phát ngôn viên Ủy Ban Bầu Cử Cam Bốt cho biết, kết quả sơ bộ sẽ được công bố vào tối này. Thủ tướng Hun Sen, 65 tuổi, cùng phu nhân đã đi bỏ phiếu tại thị trấn Thakmao, cách thủ đô Phnom Pênh khoảng 15 cây số.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, sau khi Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt đối lập đã bị giải thế vào tháng 11/2017, kết quả bầu cử lần này được báo trước. Đảng Nhân Dân Cam Bốt của thủ tướng Hun Sen nắm chắc phần thắng trong tay. 19 đảng đối lập khác tại Cam Bốt đã "đặc biệt kín tiếng" trong cuộc vận động vừa qua.

Trong nhiều tháng liên tiếp, Liên Hiệp Quốc và phương Tây tố cáo chính quyền Cam Bốt chà đạp quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp. Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế từ chối gửi quan sát viên đến giám sát bầu cử Quốc Hội Cam Bốt lần này.

Thông tín viên đài RFI Juliette Buchez tại Phnom Pênh :

Năm nay, Liên Hiệp Châu Âu không dự trù điều quan sát viên đến Cam Bốt. Mỹ, Úc hay Nhật Bản trước đây từng quan sát phần lớn các cuộc tuyển cử ở xứ Chùa Tháp, nhưng lần này thì không. Thứ Tư vừa qua, Nhật Bản đã bất ngờ tuyên bố là sẽ vắng mặt, trong khi mà quốc gia này từ trước tới nay vẫn ủng hộ Phnom Pênh tổ chức bầu cử.

Tất cả những quyết định trên bắt nguồn từ bối cảnh căng thẳng, đặc biệt là đối với thành phần cử tri ủng hộ Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt, thuộc phe đối lập. Đảng này đã bị giải thể từ năm ngoái. Thực ra có đến 20 đảng phái chính trị tham gia cuộc bầu cử lần này. Trong số ấy chỉ có đảng Nhân Dân Cam Bốt của thủ tướng Hun Sen là đảng từng có dân biểu trong Quốc Hội mãn nhiệm.

Trong lúc mà các quan sát viên truyền thống vắng mặt, Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia Cam Bốt huy động một số các đối tác châu Á để chứng minh tính chính đáng cuộc bỏ phiếu lần này. Phnom Penh thông báo có 220 quan sát viên đại diện cho 52 quốc gia có mặt tại Cam Bốt. Trong số này có đại diện của Miến Điện, Pakistan hay Singapore và đương nhiên là của Trung Quốc. Bắc Kinh là đối tác chính trị và kinh tế quan trọng nhất của Cam Bốt.

Nhìn đến các quan sát viên quốc nội, thành phần này cũng có nhiều thay đổ. Hơn phân nửa trong số đó thuộc một nhóm do Hun Many điều hành. Hun Many là một trong số con trai của thủ tướng Hun Sen, người đã liên tục cầm quyền từ 33 năm qua.

Ảnh hưởng của Trung Quốc

Cần nhắc lại là từ hiệp định Paris năm 1991 tái lập hòa bình tại Cam Bốt, rồi cuộc tuyển cử hai năm sau đó được tổ chức dưới sự chủ tọa của Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc liên tục gia tăng đầu tư vào xứ Chùa Tháp. Hiện tại Bắc Kinh là nhà tài trợ quan trọng nhất của Phnom Pênh.

Trong bốn năm gần đây, Trung Quốc còn là nhà đầu tư số 1 tại quốc gia Đông Nam Á này. Trả lời RFI Pháp ngữ, chuyên gia về Cam Bốt bà Joséphine Ka coi yếu tố Trung Quốc là động cơ khiến chính quyền Hun Sen mạnh tay đàn áp đối lập:

Bà Joséphine Ka : " Chúng tôi quan sát thấy cùng lúc đầu tư của Trung Quốc vào Cam Bốt cả về mặt chính trị lẫn kinh tế gia tăng, thì các biện pháp của chính quyền Phnom Pênh đàn áp đối lập cũng tăng theo. Như thế là rào cản coi như đã được dỡ bỏ.

Cho tới nay Cam Bốt chú trọng đến công luận quốc tế, nhưng giờ đây chính quyền nước này không còn sợ dư luận nữa. Đây là cả một vấn đề về địa chính trị. Liên Hiệp Châu Âu hay kể cả Hoa Kỳ không muốn cắt đứt đối thoại đối với Phnom Penh.

Là một nước nhỏ như Cam Bốt, giới lãnh đạo luôn có khuynh hướng đứng về phía phe nào có lợi cho mình. Chúng ta đã thấy điều này từ thời quốc vương Sihaouk. Việc xích lại gần với Trung Quốc và ảnh hưởng to lớn của Bắc Kinh đã khiến đảng Nhân Dân Cam Bốt không còn mặc cảm khi ra tay đàn áp đối lập".

Còn đối với bà Emma Burnett thuộc tổ chức phi chính phủ Global Witness, cuộc tuyển cử tại Cam Bốt lần này là "một trò hề", bởi vì không một đảng đối lập chính đáng nào được tham gia.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.