Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - NHÂN QUYỀN

Trung Quốc ngăn cản tưởng niệm nhà ly khai Lưu Hiểu Ba

Vào ngày này cách nay đúng một năm, 13/07/2017, nhà ly khai nổi tiếng nhất Trung Quốc đã trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh, trong khi vẫn chịu sự giám sát chặt chẽ của công an : đó là nhà trí thức Lưu Hiểu Ba, nhà văn, khôi nguyên giải thưởng Nobel Hòa Bình 2010.

Các nhà dân chủ Hồng Kông tưởng niệm Lưu Hiểu Ba, trước Văn Phòng Liên Lạc của Trung Quốc. Ảnh ngày 13/07/2017.
Các nhà dân chủ Hồng Kông tưởng niệm Lưu Hiểu Ba, trước Văn Phòng Liên Lạc của Trung Quốc. Ảnh ngày 13/07/2017. Reuters
Quảng cáo

Vào lúc đó, Bắc Kinh đã từ chối cho phép ông ra nước ngoài chữa trị bệnh. Sau khi ông qua đời, chính quyền Trung Quốc tìm mọi cách ngăn chặn việc nhắc đến tên ông Lưu Hiểu Ba, không cho bạn bè và những người ủng hộ tưởng niệm nhà ly khai quá cố.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmidt tường trình :

« Bắc Kinh đã làm đủ mọi cách để xóa đi những kỷ niệm về nhà ly khai Lưu Hiểu Ba, người bị coi là kẻ thù của Nhà nước Trung Quốc chỉ vì ông đã đồng ký tên vào bản Hiến Chương 08, một tuyên ngôn kêu gọi dân chủ. Tất cả những ai dám ca ngợi, tưởng niệm ông đều bị chính quyền nghi ngờ, ví dụ như ông Hồ Giai (Hu Jia). Nhà ly khai này muốn đến bên bờ biển, nơi tro cốt của ông Lưu Hiểu Ba được rải cách nay đúng một năm, để tưởng niệm người quá cố. Thế nhưng, ông không thể làm được việc này.

Ông Hồ Giai cho biết: Năm ngoái, chính quyền đã bắt giữ tất cả những ai muốn tưởng niệm Lưu Hiểu Ba, không cho họ đến bên bờ biển, hoặc cấm giơ cao ba ngón tay vì đây là biểu tưởng cho kháng cự, hy vọng và tự do, hoặc cấm mặc áo T-shirt có in hình Lưu Hiểu Ba. Những cấm đoán này tạo ra một bầu không khí khủng khiếp. Ngày Lưu Hiểu Ba qua đời là một thời điểm nhạy cảm. Chính quyền bắt tôi phải rời Bắc Kinh. Công an dẫn giải tôi đi cách xa bờ biển, nhằm ngăn cản tôi tưởng niệm Lưu Hiểu Ba. Thế nhưng, trong phòng khách sạn, nơi có công an giám sát, tôi đã đặt một bó hoa trước bức ảnh Lưu Hiểu Ba và bức ảnh này được đặt trước một chiếc ghế trống. Rồi tôi thắp nến và im lặng nghiêng mình trước bức ảnh của ông.

Nhà ly khai Hồ Giai muốn tiếp tục cuộc đấu tranh của người bạn vì dân chủ và nhân quyền, bất chấp tất cả, thách thức việc chính quyền tìm mọi cách bịt mọi tiếng nói chỉ trích. Trên Vi Bác (Weibo), mạng xã hội Trung Quốc có tới 400 triệu người đăng ký, chính quyền tiến hành kiểm duyệt chặt chẽ và hiệu quả : nếu gõ từ khóa Lưu Hiểu Ba trong mục tìm kiếm, màn hình sẽ hiển thị thông điệp : không tìm thấy nội dung này. »

Hồng Kông : Nhiều nhà đấu tranh tưởng niệm Lưu Hiểu Ba

Tại Hồng Kông, để tưởng niệm nhà ly khai Lưu Hiểu Ba, hàng chục nhà đấu tranh dân chủ hôm nay 13/07/2018 đã tụ tập trước cửa Văn Phòng Liên Lạc chính phủ Trung Quốc và thắt những dải nơ đen lên song chắn, trước khi có một cuộc tụ tập khác lớn hơn dự kiến diễn ra chiều tối nay.

Trên tường nhà văn phòng đại diện, những người biểu tình treo ảnh khôi nguyên Nobel Hòa Bình, đồng thời kêu gọi trả tự do cho ông Tần Vĩnh Mẫn (Qin Yongmin). AFP nhắc lại, chính phủ Trung Quốc đã có hai cử chỉ trái ngược. Hôm thứ Ba 10/7, Bắc Kinh đã đồng ý trả tự do cho bà Lưu Hà, để vợ góa Lưu Hiểu Ba đi tị nạn ở Đức. Nhưng ngày hôm sau, chính quyền tuyên án 13 năm tù ông Tần Vĩnh Mẫn, sau khi ông trải qua 22 năm tù.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.