Vào nội dung chính
LIÊN TRIỀU - TUYÊN TRUYỀN

Nhiều nhà hoạt động ở Hàn Quốc vẫn tìm cách gửi tài liệu tuyên truyền sang miền Bắc

Trên bán đảo Triều Tiên, không phải ai cũng hài lòng và tin tưởng vào sự xích lại gần nhau ngoạn mục giữa Seoul và Bình Nhưỡng, đặc biệt với cuộc thượng đỉnh lịch sử Kim Jong Un – Moon Jae In hồi cuối tháng 4/2018.

Phe chống và ủng hộ thả truyền đơn chống Bắc Triều Tiên xô xát nhau tại vùng phi quân sự liên Triều, ngày 05/05/2018
Phe chống và ủng hộ thả truyền đơn chống Bắc Triều Tiên xô xát nhau tại vùng phi quân sự liên Triều, ngày 05/05/2018 REUTERS
Quảng cáo

Nhiều người đào tị Bắc Triều Tiên và nhà tranh đấu nhân quyền tiếp tục tìm nhiều cách gửi sang miền Bắc tiền bạc, lương thực và các thông tin về miền Nam, trong bối cảnh Seoul và Bình Nhưỡng quyết định chấm dứt các hoạt động tuyên truyền xuyên biên giới.

Thông tín viên Frederic Ojardias tường trình từ Seoul:

« Trên một bãi biển Hàn Quốc, đối diện với Bắc Triều Tiên, khoảng ba chục người đào tị và các nhà tranh đấu cho nhân quyền đang chuẩn bị một số chai nhựa. Bên trong chai là gạo, tiền đô la và nhiều thẻ nhớ USB, có chứa các clip nhạc và phim Hàn Quốc, các tài liệu bị cấm tại miền Bắc. Họ sẽ ném những chiếc chai này xuống biển, sóng sẽ đưa chúng đến bờ phía Bắc.

Ông Park Jeong Oh, một người Bắc Triều Tiên tị nạn ở miền Nam, hy vọng : Giờ đây nhiều người nghĩ là đã gần như sẽ tái thống nhất với miền Bắc. Nhưng sự xích lại gần nhau hiện nay chỉ có lợi cho Kim Jong Un và chế độ của ông ta. Người dân miền Bắc, về phần mình, vẫn sẽ không được hưởng quyền gì.

Các nhà tranh đấu phê phán quyết định mới đây của Seoul, dỡ bỏ các loa phóng thanh có công suất cực lớn, được bố trí dọc theo giới tuyến Liên Triều, phát đi các thông điệp tuyên truyền chống chế độ cộng sản. Chính quyền Hàn Quốc cũng ngăn cản những người đào tị miền Bắc dùng bóng bay thả truyền đơn chống Kim Jong Un ở bên kia biên giới.

Trong cuộc thượng đỉnh lịch sử mới đây, lãnh đạo hai miền Nam Bắc Triều Tiên đã quyết định chấm dứt các hoạt động chiến tranh tâm lý, nhằm làm giảm căng thẳng giữa hai miền, cho dù quyết định này có nguy cơ khiến nhiều tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền ở miền Nam nổi giận ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.