Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - BẮC TRIỀU TIÊN

Hai bóng hồng phương Bắc tại thượng đỉnh Liên Triều

Tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/04/2018, bên cạnh những yếu tố nghiêm túc tất yếu của một cuộc gặp chính trị được cả thế giới theo dõi, giới quan sát cũng đã đặc biệt chú ý đến hai "bóng hồng" phương Bắc hiện diện tại sự kiện này : Kim Yo Jong, em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, luôn theo sát anh mình như hình với bóng từ lúc hội nghị bắt đầu, và Ri Sol Ju, "đệ nhất phu nhân" Bắc Triều Tiên, đã có mặt bên chồng sau khi cuộc họp kết thúc để tham gia bữa dạ tiệc và buổi văn nghệ kết thúc hội nghị. Trong một xã hội nổi tiếng là trọng nam như Bắc Triều Tiên, nơi mà người ta hầu như chưa hề thấy một nhân vật nữ nào ở cấp thượng tầng Nhà Nước, sự xuất hiện đồng thời của hai "bóng hồng" này đã gây ấn tượng không nhỏ.

Bà  Ri Sol Ju (P) và Kim Yo Jong trong buổi dạ tiệc kết thúc hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bàn Môn Điếm, ngày 27/04/2018.
Bà Ri Sol Ju (P) và Kim Yo Jong trong buổi dạ tiệc kết thúc hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bàn Môn Điếm, ngày 27/04/2018. Korea Summit Press Pool/Pool via Reuters
Quảng cáo

Trong bài viết mang tựa : "Từ một thành viên đội cổ động thể thao đến chính trường thế giới, đệ nhất phu nhân Bắc Triều Tiên đầu tiên đến dự dạ tiệc của hội nghị thượng đỉnh - From cheerleader to global stage, North Korea's first lady joins summit dinner", hãng tin Anh Reuters hôm 27/04 vừa qua đã lấy trường hợp của bà Ri Sol Ju để nêu bật một thay đổi ngoạn mục trong chế độ thuộc diện khép kín nhất trên hành tinh hiện nay.

Lần đầu tiên đệ nhất phu nhân Bắc Triều Tiên có mặt ở thượng đỉnh liên Triều

Điểm mà Reuters ghi nhận trước hết: đây không phải là lần đầu tiên mà bà Ri Sol Ju đến Hàn Quốc. Bà đã từng ghé miền Nam năm 2005 khi còn là thành viên đội cổ động viên cho đoàn thể thao Bắc Triều Tiên. Thế nhưng lần này bà đã đến trong tư thế phu nhân của lãnh đạo Kim Jong Un.

Đối với Reuters, tính đến nay đã có ba hội nghị thượng đỉnh liên Triều, nhưng đây là lần đầu tiên mới thấy bóng dáng phu nhân của lãnh đạo Bắc Triều Tiên ở hội nghị. Dưới thời Kim Nhật Thành, ông nội, và Kim Jong Il, người cha của đương kim lãnh đạo Kim Jong Un, các phu nhân không bao giờ xuất hiện khi có các cuộc gặp chính thức với các nguyên thủ quốc gia khác…

Lần này thì khác, hôm 27/04 vừa qua, bà Ri Sol Ju đã xuất hiện tại buổi tiệc tối của hội nghị, trong một bộ âu phục thanh lịch, tay cầm chiếc ví màu đen, trang điểm nhẹ và tự nhiên, vui vẻ nói chuyện với chồng, tổng thống Moon Jae In và phu nhân, cùng chụp ảnh lưu niệm…

Cho đến nay, có rất ít thông tin về bà Ri Sol Ju, kể cả việc bà bao nhiêu tuổi, kết hôn với ông Kim Jong Un khi nào, hai người có tổ chức lễ cưới hay không… Theo tình báo Hàn Quốc, ông Kim Jong Un và bà Ri Sol Ju đã có 3 người con.

Tuy nhiên, phong cách và trang phục của bà Ri Sol Ju mỗi lần xuất hiện trước công chúng thường thu hút sự chú ý của truyền thông, với các bức ảnh được truyền thông Bắc Triều Tiên công bố cho thấy bà hay sử dụng túi xách Dior hay Chanel.

Người làm dịu hình ảnh của lãnh đạo Bắc Triều Tiên

Theo hãng Reuters, lần đầu tiên bà Ri Sol Ju xuất hiện chính thức trên truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên trong tư cách là phu nhân của ông Kim Jong Un là vào tháng 07/2012, nhân lễ khai trương một công viên giải trí. Khi đó, người ta thấy bà khoác tay chồng một cách rất tình cảm khi họ đi tham quan công viên.

Giới chuyên gia tư vấn hình ảnh cho rằng bà Ri Sol Ju đã mang lại cho chồng một hình ảnh mềm mại, gần gũi hơn vào lúc ông tìm cách tăng cường vị thế với tư cách là một nhà lãnh đạo trên thế giới.

Trong chuyến thăm bất ngờ tới Trung Quốc của ông Kim Jong Un hồi tháng Ba 2018, truyền hình Nhà Nước Trung Quốc đã đưa tin về cuộc gặp giữa ông và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giống như cách họ đã làm với chuyến thăm của tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm ngoái.

Có mặt bên chồng khi ông Kim Jong Un gặp ông Tập Cận Bình và đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viên, Ri Sol Ju đã chiếm được tình cảm của cư dân mạng Trung Quốc, công nhận là bà rất "xinh đẹp" và so sánh bà với các ngôi sao nhạc pop.

Ông Jeong Yeung Tae, giám đốc Viện Nghiên Cứu Bắc Triều Tiên tại Seoul nhận xét : "Ông Kim Jong Un muốn được nhìn nhận là một nguyên thủ quốc gia được tôn trọng cả ở trong và ngoài nước… Bằng việc đưa phu nhân đi cùng, ông ấy muốn nói rằng : “Hãy nhìn tôi đi, tôi cũng là một nhà lãnh đạo quốc gia giống các ngài” ".

Được chính thức phong làm đệ nhất phu nhân

Vị thế của bà Ri Sol Ju tại Bắc Triều Tiên cũng được nâng cao trong những tuần lễ gần đây, với báo chí nước này bắt đầu gọi bà là "Đệ Nhất Phu Nhân" trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong Un. Đó cũng là lần đầu tiên từ hơn 40 năm mà danh hiệu này được dùng tại Bắc Triều Tiên. Truyền thông nhà nước cũng gọi bà là "Ri Sol Ju kính yêu", một cụm từ hiếm khi dùng cho người ở ngoài ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Trước đó, bà Ri Sol Ju chỉ được gọi là "đồng chí", hoặc đơn giản là "phu nhân của ông Kim Jong Un".

Em gái của ông Kim Jong Un, Kim Yo Jong, được gọi bằng chức danh trong đảng. Các nhà phân tích cho rằng điều đó không có nghĩa là Ri Sol Ju có vị thế cao hơn Kim Yo Jong.

Chuyên gia Jeong Yeung Tae giải thích : "Tại Bắc Triều Tiên, phu nhân của nhà lãnh đạo thường không có nhiều vai trò… Người em gái có nhiều quyền lực hơn trong tư cách là trợ lý cho ông Kim Jong Un. Còn bà Ri Sol Ju chỉ là phu nhân của lãnh đạo mà thôi".

Kim Yo Jong : Bóng hồng duy nhất tại bàn hội nghị thượng đỉnh liên Triều

Vai trò của Kim Yo Jong, "đệ nhất tiểu muội Bắc Triều Tiên"  đã được đài truyền hình Mỹ CNN đặc biệt quan tâm trong bài viết ngày 27/04 mang tựa đề "Kim Yo Jong : Phụ nữ duy nhất tại bàn hội nghị thượng đỉnh (liên Triều) - Kim Yo Jong : The only woman at the summit table".

Là gương mặt đại diện cho phái đoàn Bắc Triều Tiên tới Thế Vận Hội mùa đông 2018 Pyeongchang, hôm 27/04, Kim Yo Jong lại xuất hiện tại bàn đàm phán Hội Nghị Thượng Đỉnh liên Triều, ngồi cạnh anh trai Kim Jong Un. Cô là phụ nữ duy nhất trong 6 người ngồi vào bàn đàm phán của hội nghị Bàn Môn Điếm.

Trong suốt khoảng thời gian diễn ra hội nghị, Kim Yo Jong luôn đi cạnh người anh trai, chăm chú ghi chép khi Kim Jong Un nói chuyện, cung cấp mọi vật dụng cần thiết cho người anh, từ cây bút để ghi sổ lưu niệm, cho đến găng tay hay bình tưới nước khi cùng tổng thống Hàn Quốc "trồng cây"...

Tại hội nghị, Kim Yo Jong luôn thu mình trong vai trò một trợ lý, không hề có hành động mang tính chất phô trương nào, cho dù theo hầu hết các nhà quan sát, cô chính là một trong những nhân tố thúc đẩy sự kiện lịch sử này diễn ra.

Sứ giả thân tín của lãnh đạo Bắc Triều Tiên

Vào tháng 2, khi sang Hàn Quốc dự lễ khai mạc Thế Vận Hội mùa đông, Kim Yo Jong là thành viên đầu tiên trong gia đình cai trị Bắc Triều Tiên đặt chân xuống nước láng giềng phía nam từ năm 1953, khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc.

Và cũng chính cô mang thông điệp hòa giải đến miền Nam, là người chuyển cho tổng thống Hàn Quốc bức thư của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, mời họp thượng đỉnh.

Vai trò của Kim Yo Jong trong chế độ Bắc Triều Tiên đã ngày càng quan trọng thêm từ năm 2014, từ lúc được trao nhiệm vụ then chốt trong ban Tuyên Giáo của Đảng.

Vai trò này quan trọng đến mức mà theo một quan chức Bắc Triều Tiên đã đào thoát qua Hàn Quốc, cô đã nắm quyền cai quản trong một thời ngắn vào năm 2014 khi người anh phải dưỡng bệnh gút và tiểu đường.

Hoạt động ngoại giao của Kim Yo Jong được lên kế hoạch rất tỉ mỉ, và cũng như đối với phần lớn người trong dòng họ Kim, ít ai biết rõ được về cô, về những suy nghĩ, mục tiêu đằng sau những hoạt động chính thức.

Sinh năm 1987, Kim Yo Jong là con út trong số 7 người con mà Kim Jong Il có với 4 bà vợ, và có cùng mẹ với Kim Jong Un. Cô cũng từng du học tại Thụy Sĩ như anh trai mình, và đã theo học Đại học Kim Nhật Thành trước khi tiếp tục học lên cao ở châu Âu.

Người "gác cổng" cho Kim Jong Un

Theo Michael Madden, một chuyên gia về Triều Tiên, chủ nhiệm trang web North Korea Leadership Watch, chuyên theo dõi chuyển biến tại thượng tầng chế độ Bình Nhưỡng, Kim Yo Jong rất gần với cha, và sau khi từ Thụy Sĩ trở về thì đã được trao những trọng trách trong chính quyền,

Kim Yo Jong có nhiệm vụ của người lãnh đạo đội tiền trạm, đi thanh tra địa điểm trước những chuyến viếng chính thức và phụ trách các vấn đề hành chính.

Từ lúc Kim Jong Un lên cầm quyền, trách nhiệm của Kim Yo Jong càng lớn hơn, tham gia các vấn đề chính sách, tiếp nhận tin tình báo, với công việc "gần như là của một chánh văn phòng tại Nhà Trắng".

Kim Yo Jong được đề bạt làm Ủy Viên Dự Khuyết Bộ Chính Trị đảng Lao Động Bắc Triều Tiên vào năm ngoái 2017. Và theo chuyên gia Madden, cô trở thành phụ tá thân cận của Kim Jong Un, quản lý những sự kiện chính thức của người anh, từ khâu chuẩn bị lộ trình cho đến những vấn đề hậu cần, không kể những trách nhiệm khác.

Hiện Kim Yo Jong nằm trong số 20 quan chức hàng đầu tại Bắc Triều Tiên và theo một số nhà phân tích, và có vai trò như là một "người gác cổng" cho anh mình.

Theo bà Balbina Hwang, giáo sư thỉnh giảng tại Đại Học Mỹ Georgetown University, và là sáng lập viên tổ chức phi chính phủ Ủy Ban Quốc Gia về Bắc Triều Tiên (National Committee on North Korea), "có lẽ Kim Yo Jong là người có ảnh hưởng nhiều nhất đối với Kim Jong Un, bởi vì lãnh đạo Bắc Triều Tiên không có nhiều người ông có thể tin tưởng".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.