Vào nội dung chính
HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Phản ứng quốc tế về thượng đỉnh Liên Triều

Trên mạng Twitter hôm nay, 27/04/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh cuộc gặp “lịch sử” giữa hai lãnh đạo Nam và Bắc Triều Tiên, nhưng ông nhấn mạnh rằng “ chỉ có những hành động sắp tới mới cho phép đánh giá những thay đổi đang diễn ra”.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (P) bắt tay lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại đường phân định hai miền, Bàn Môn Điếm, ngày 27/04/2018
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In (P) bắt tay lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại đường phân định hai miền, Bàn Môn Điếm, ngày 27/04/2018 Korea Summit Press Pool/Pool via Reuters
Quảng cáo

Trước đó, trong một thông cáo, Nhà Trắng cho biết Hoa Kỳ mong muốn là cuộc họp thượng đỉnh lịch sử sẽ dẫn đến một tương lai “hòa bình và thịnh vượng” cho toàn bộ bán đảo Triều Tiên.

Thông cáo của Nhà Trắng nói thêm là Washington đang rất quan tâm đến việc tiếp tục các cuộc thảo luận sâu rộng nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, tại một địa điểm hiện chưa được xác định.

Trong khi đó, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai ông Moon Jae In và Kim Jong Un, xem đây là một “bước tiến tích cực”. Nhưng ông Abe thúc giục Bình Nhưỡng có “những hành động cụ thể” trên vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và các vấn đề khác.

Về phía nước Nga, điện Kremlin hôm nay cũng đã hoan nghênh “những thông tin rất tích cực” từ thượng đỉnh Liên Triều. Phát ngôn viên của điện Kremlin Dmitri Peskov nhắc lại, tổng thống Nga Vladimir Putin “đã nhiều lần nhấn mạnh rằng một giải pháp vững chắc cho tình hình bán đảo Triều Tiên chỉ có thể dựa trên đối thoại trực tiếp” giữa hai bên. Tuy nhiên, phát ngôn viên này cho rằng “hãy còn quá sớm” để nói đến việc ký một hiệp ước hòa bình giữa hai nước Triều Tiên.

Về phần Trung Quốc, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, bà Hoa Xuân Oánh, ca ngợi “sự dũng cảm” của lãnh đạo hai nước Triều Tiên vì đã mở cuộc họp thượng đỉnh lịch sử, xem cái bắt tay của hai ông Moon Jae In và Kim Jong Un tại giới tuyến giữa hai miền hôm nay là “một thời điểm lịch sử”. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc hy vọng cuộc gặp này sẽ mang lại “những thành quả tích cực” và sẽ là cơ hội mở ra “một con đường mới đến hòa bình và ổn định lâu dài” trên bán đảo Triều Tiên.

Còn người dân ở vùng biên giới Trung Quốc-Bắc Triều Tiên thì nghĩ gì về thượng đỉnh giữa hai miền ? Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmidt gởi về bài tường trình :

“Bên bờ sông Đồ Môn (Tumen), ở biên giới Triều Tiên, vào chiều tối, người đàn ông 80 tuổi gốc Triều Tiên này vừa tập thể dục, mắt hướng về phía bên kia biên giới, vừa nghe nhạc Triều Tiên và hy vọng là sự hòa dịu giữa hai miền sẽ kéo dài. Ông nói : “ Tôi rất lạc quan. Người dân Nam và Bắc Triều Tiên đều là từ một quốc gia. Chính là Hoa Kỳ đã làm cho tình hình rối ren. Họ chỉ dùng bán đảo Triều Tiên như là một công cụ để ngăn chận Trung Quốc và Nga.”

Những người dân khác thì tỏ vẻ nghi ngờ về kết quả thượng đỉnh liên Triều, như người đàn ông cho du khách thuê ống nhòm này. Ông nói : “ Trước đây Kim Jong Un cũng đã từng hứa là sẽ chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng sau đó đã khởi động trở lại. Các cuộc họp thượng đỉnh sẽ không giải quyết được vấn đề một cách căn bản. Vẫn phải cần đến các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.”

Nhưng đối với người buôn bán hải sản này, những biện pháp cấm vận gây quá nhiều tốn kém. Ông nói : “Họp thượng đỉnh là tốt. Nhưng để giải tỏa cấm vận thì phải có biểu quyết của Liên Hiệp Quốc. Một mình Trung Quốc không thể chấm dứt trừng phạt”. Vì không thể bán cua nhập từ Bắc Triều Tiên, ông phải bán cua nhập từ Nga, nhưng cua này không có nhiều thịt như cua Triều Tiên, nên bán không chạy bằng.”

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.