Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - XÃ HỘI

Thế hệ trẻ ở Bắc Triều Tiên: Phong cách mới, đường lối cũ ?

Từ đầu năm đến nay, chế độ Bình Nhưỡng đã không ngớt khiến dư luận quốc tế bất ngờ với hàng loạt những động thái hòa hoãn, khác hẳn với những lời lẽ và hành động gây căng thẳng trước đó.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và phu nhân Ri Sol Ju lúc viếng Bắc Kinh. Ảnh 28/03/2018.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và phu nhân Ri Sol Ju lúc viếng Bắc Kinh. Ảnh 28/03/2018. CCTV via Reuter
Quảng cáo

Trong một bài phân tích đăng vào đầu tháng 04/2018, trên trang blog 38 North của Viện Nghiên Cứu Mỹ-Triều Tiên thuộc Đại Học Mỹ Johns Hopkins, và được tạp chí The Diplomat đăng lại, Lee Jong Soo, một chuyên gia về Triều Tiên đã ghi nhận rằng các chuyển biến mới tại Bình Nhưỡng đến từ sự chuyển đổi thế hệ trong giàn lãnh đạo Bắc Triều Tiên, với Kim Jong Un, có thể là đã củng cố xong quyền lực và bắt đầu khẳng định cung cách lãnh đạo của riêng mình.

Tác giả bài viết trước hết cho rằng những diễn biến gần đây kể từ bài phát biểu đầu năm mới của ông Kim Jong Un, đã nêu bật khả năng một sự chuyển đổi thế hệ lãnh đạo cũng như những thay đổi trong cung cách làm chính trị đã diễn ra ở thượng tầng chế độ Bắc Triều Tiên.

Lee Jong Soo đã tỏ ý tương đối lạc quan khi cho rằng kết hợp với vai trò của thị trường đang được nâng cao trong thời gian gần đây trong kinh tế Bắc Triều Tiên, sự thay đổi thế hệ trong giàn lãnh đạo tại Bình Nhưỡng có thể là cơ hội để cộng đồng quốc tế thúc đẩy Bắc Triều Tiên rẽ sang một con đường hòa bình và thịnh vượng hơn, đặc biệt là nếu Kim Jong Un có thể vươn lên thành một Đặng Tiểu Bình hay một Mikhail Gorbachev của Bắc Triều Tiên.

Biểu hiện rõ nhất cho thấy sự thay đổi thế hệ là quyết định của ông Kim Jong Un cử người em, bà Kim Yo Jong, qua Seoul để tiếp xúc với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, nhân Thế Vận Hội Mùa Đông vừa qua ở PyeongChang.

Một phong cách lãnh đạo khác với cha và ông

Việc Kim Jong Un giao cho người phụ nữ trẻ tương đối ít kinh nghiệm, một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng như vậy đã gây ngạc nhiên vì có thể nói đây là một điều chưa từng (hay hiếm khi) xẩy ra trong lịch sử Bắc Triều Tiên.

Trong giàn lãnh đạo ở thượng tầng Nhà nước Bắc Triều Tiên cũng đã từng có một số phụ nữ, ví dụ như bà Kim Kyong Hui, người cô của Kim Jong Un. Tuy nhiên, gánh vác một trách nhiệm nặng nề như Kim Yo Jong vừa qua, có vai trò như vậy và nhất là ở tuổi trẻ như vậy thì đúng là chuyện chưa từng thấy ở Bắc Triều Tiên.

Kim Yo Jong, đã cùng đi học ở Thụy Sĩ với người anh, hiện được Kim Jong Un tin tưởng nhất và là nhân vật thuộc thành phần có uy quyền nhất ở Bắc Triều Tiên, chỉ sau Kim Jong Un và có thể sau phu nhân Ri Sol Ju.

Một số nguồn tin cho biết là Kim Yo Jong là người đã “thiết kế” hình ảnh chế độ Kim Jong Un trước công chúng. Kim Yo Jong dường như là người đã khuyến khích mối quan hệ giữa Kim Jong Un với cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman, để làm dịu hình ảnh của anh mình.

Trong chuyến đi Hàn Quốc, Kim Yo Jong đã thu hút sự chú ý của thế giới và giành được cảm tình của nhiều người Hàn Quốc với dáng vẻ trẻ trung, nét mặt tươi cười và cách trang phục theo phương Tây.

Việc Kim Jong Un đưa cô em Kim Yo Jong ra trước ánh sáng chính trị như đã nêu bật thực tế là Bắc Triều Tiên bây giờ nằm dưới sự lãnh đạo của một nhân vật trẻ, chỉ hơn 30 tuổi một chút, và đã cho thấy những dấu hiệu của một phong cách lãnh đạo khác với ông cha.

Ngoài Kim Yo Jong, Kim Jong Un còn trao những vai trò quan trọng cho những cán bộ trẻ khác. Ngay việc phát biểu đầu năm trên các phương tiện truyền thông cũng khác biệt so với thời Kim Jong Il.

Việc ông Kim Jong Un thường xuyên xuất hiện cùng với vợ ở bên cạnh cũng là một dấu hiệu khác với thời Kim Jong Il và người ông Kim Nhật Thành. Chẳng hạn trong chuyến đi Bắc Kinh vừa qua, Kim Jong Un cùng đi với vợ, trong khi trước đây các “đệ nhất phu nhân” Bắc Triều Tiên ít khi xuất hiện trước công chúng đi cạnh hay ngồi cạnh chồng. Bà Ri Sol Ju không những đi đứng hay ngồi cạnh chồng, mà còn tỏ vẻ thân mật tay vịn vào cánh tay chồng.

Điểm khác mà người ta chú ý là bà thường mặc Âu phục, và không thấy bà đeo các “huy hiệu trung thành” với ảnh hai ông Kim Jong Il và Kim Nhật Thành mà người Bắc Triều Tiên hay đeo trước ngực. Những ai không đeo thường bị nghi kỵ là muốn lật đổ chế độ.

Thay đổi hình thức nhiều khi phản ánh thay đổi chính trị

Đối với một số người, các biểu hiện nói trên có thể chỉ là những thay đổi phiếm diện bề ngoài, không có ý nghĩa gì quan trọng. Nhưng lịch sử từng cho thấy là thay đổi về phong cách đôi khi dự báo những thay đổi thực sự.

Trong lịch sử Triều Tiên, cũng như Trung Quốc, Nhật Bản hay cả Nga, những dấu hiệu thay đổi đập mắt đầu tiên là cách ăn mặc, thay đổi vào thế kỷ 19 với 3 quốc gia châu Á, đã theo cách ăn mặc của phương Tây trong cải cách hiện đại hóa đất nước.

Còn thay đổi đập mắt thời Liên Xô là với ông Gorbachev, thường xuất hiện trước công chúng với vợ, khác với các người tiền nhiệm.

Đối với ông Lee Jong Soo, qua các ví dụ lịch sử, thay đổi phong cách ở Bắc Triều Tiên trong cách ăn mặc và vai trò của phụ nữ trong một xã hội còn theo phụ hệ và trọng nam như vậy có thể là dấu hiệu thay đổi thực sự.

Riêng về Kim Jong Un, thông qua thông điệp hòa bình bất ngờ của ông đối với Hàn Quốc trong bài chúc mừng năm mới, và “chiến dịch thu phục nhân tâm” tiếp theo đó, Kim Jong Un đã thể hiện một phong cách lãnh đạo năng động. Theo các thông tin báo chí, các phái viên của tổng thống Hàn Quốc sau khi tiếp xúc với lãnh đạo miền Bắc ở Bình Nhưỡng đều có ấn tượng mạnh trước vẻ chân thành, phong cách trực tiếp và thực tế của ông Kim Jong Un và kết luận rằng ông là một người có thể hợp tác được.

Những ấn tượng tích cực nói trên về Kim Jong Un, và cung cách lãnh đạo của ông, mà các sứ giả Hàn Quốc truyền đạt lại cho các quan chức Mỹ, có thể đã giúp thuyết phục tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận đề nghị của ông Kim Jong Un về một hội nghị thượng đỉnh. Có nhiều khả năng là sự hiện diện của “đệ nhất phu nhân” Bắc Triều Tiên vào bữa tiệc tối để khoản đãi những sứ giả này đã giúp làm dịu hình ảnh của ông trong mắt họ và giành được cảm tình của họ.

Kim Jong Un đã củng cố vững chắc quyền lực ?

Do tính thiếu minh bạch của chế độ Bình Nhưỡng, không thể biết một cách chính xác là điều gì đã thúc đẩy những thay đổi gần đây trong phong cách lãnh đạo của ông Kim Jong Un cũng như cung cách làm chính trị của Bắc Triều Tiên.

Chuyên gia Lee Jong Soo còn đưa ra một giả thuyết là sau nhiều năm thanh trừng đẫm máu và sắp xếp được các cán bộ trẻ, đáng tin cậy hơn vào các chức vụ lãnh đạo chủ chốt, ông Kim Jong Un đã củng cố vững chắc quyền lực của mình trong nước và cảm thấy có thể áp dụng phong cách và tầm nhìn lãnh đạo của riêng mình.

Trong đánh giá của mình, Lee Jong Soo cho rằng cũng rất có thể Kim Jong Un đã bị ảnh hưởng từ thời theo học ở Thụy Sĩ, và đã có mong muốn “phương Tây hóa” và hiện đại hóa đất nước của mình, ít ra là đến một mức độ nào đó. Cũng có thể là vợ và em gái ông đã khuyến khích ông thực hiện mong muốn này.

Kinh tế cũng có thể là một động lực chính khác thúc đẩy sự thay đổi. Dường như Kim Jong Un đã chủ trì những thay đổi lớn, giúp tạo ra một mức tăng trưởng kinh tế đáng kể.

Từ khi ông lên cầm quyền, các động lực của thị trường đã đóng một vai trò ngày càng lớn hơn trong nền kinh tế; hiện nay trên toàn quốc, hầu như nơi nào cũng có chợ, và nhiều người Bắc Triều Tiên đã trở thành những doanh nhân tư nhân.

Trong một thay đổi quan trọng về kinh tế và văn hóa khác, phụ nữ có thu nhập từ các hoạt động thị trường hiện đã trở thành trụ cột trong nhiều gia đình Bắc Triều Tiên…

Nhân vật khó lường…

Tuy nhiên hiện vẫn còn quá sớm để kết luận, và phải xem sự thay đổi thế hệ lãnh đạo ở Bình Nhưỡng và những thay đổi kinh tế và xã hội tại Bắc Triều Tiên gần đây liệu có sẽ dẫn tới những thay đổi trong quan hệ của đất nước với thế giới bên ngoài hay không.

Kim Jong Un còn trẻ, chưa được kiểm chứng trong thực tế và tương đối thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao toàn cầu, và còn rất nhiều điểm mơ hồ về mục tiêu và phong cách đàm phán của ông.

Đối với cộng đồng quốc tế toàn cầu, đối phó với một nhà lãnh đạo mà mình không biết nhiều hàm chứa nhiều rủi ro. Ví dụ, về vấn đề then chốt là phi hạt nhân hóa, chưa ai biết là liệu ông Kim Jong Un có đi xa hơn là việc tạm ngưng các thử nghiệm hạt nhân và tên lửa hay không.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Triều sắp tới sẽ tạo cơ hội cho các lãnh đạo Hàn Quốc và Hoa Kỳ hiểu thêm về Kim Jong Un và thăm dò ý định của ông về vấn đề quan trọng này.

Nhưng ông Lee Jong Soo vẫn giữ hy vọng : Cho dù vẫn phải cần thận do thái độ nước đôi của Bình Nhưỡng trước đây trong đàm phán với Seoul và Washington, nhưng hiện nay đã có có một hy vọng đáng kể theo đó Kim Jong Un đại diện cho một thế hệ mới và một sự thay đổi tích cực của Bắc Triều Tiên. Câu hỏi là liệu cộng đồng thế giới có thể hợp tác với ông để lái Bắc Triều Tiên hướng đến một sự chung sống hòa bình hơn với thế giới bên ngoài và cải thiện mức sống cho người dân Bắc Triều Tiên hay không ?

Chỉ có thời gian mới cho thấy được là liệu Kim Jong Un có phải là một Đặng Tiểu Bình, thậm chí là một Gorbachev của Bắc Triều Tiên hay không. Còn vào lúc này, Seoul và Washington chỉ có thể làm những điều trước mắt, cụ thể là chuẩn bị cẩn thận cho các hội nghị sắp tới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.