Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - BẮC TRIỀU TIÊN

Liên Triều : Phái đoàn cao cấp Hàn Quốc hội kiến Kim Jong Un

Phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc ngày 05/03/2018 chính thức thông báo, tại Bình Nhưỡng phái đoàn cao cấp của Seoul sẽ gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Sau một buổi làm việc, các sứ giả của tổng thống Moon Jae In sẽ dùng cơm tối với lãnh đạo số một của chế độ Bình Nhưỡng.

Phái đoàn Hàn Quốc trước khi lên máy bay đi Bình Nhưỡng, 05/03/2018.
Phái đoàn Hàn Quốc trước khi lên máy bay đi Bình Nhưỡng, 05/03/2018. REUTERS/Jung Yeon-je/Pool
Quảng cáo

Hãng tin chính thức Bắc Triều Tiên KCNA loan tin là phái đoàn Hàn Quốc đã đến Bình Nhưỡng, nhưng không mô tả chi tiết. Còn theo bản tin của hãng thông tấn Mỹ AP, phái đoàn cao cấp Hàn Quốc do ông Chung Eui Yong, cố vấn An Ninh Quốc Gia của tổng thống Moon Jae In, dẫn đầu đã khởi hành vào lúc 2 giờ chiều nay.

Trước khi rời Seoul, trưởng đoàn Hàn Quốc Chung Eui Yong tuyên bố chuyển thông điệp "chân thành và quyết tâm của tổng thống Moon Jae In về việc duy trì đối thoại, cải thiện quan hệ giữa Hàn Quốc và Bình Nhưỡng để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên". Một phần công luận Hàn Quốc không hoàn toàn tán đồng chính sách thân thiện với Bắc Triều Tiên của chính quyền Seoul. Thông tín viên đài RFI từ thủ đô Hàn Quốc Frédéric Ojardias cho biết thêm :

"Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In gửi một phái đoàn sang Bình Nhưỡng với hai đại diện cao cấp là cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui Yong và lãnh đạo tình báo Hàn Quốc Suh Hoon. Lãnh đạo tình báo Hàn Quốc từng đóng vai trò then chốt ở hậu trường trong các cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên.

Mục đích chính của phái đoàn Hàn Quốc tại Bắc Triều Tiên lần này là nhằm cải thiện quan hệ giữa Seoul với Bình Nhưỡng và nhất là thuyết phục chính quyền Kim Jong Un đàm phán với Mỹ về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Hai nhân vật chủ chốt trong phái đoàn Hàn Quốc, sau hai ngày làm việc ở Bình Nhưỡng, sẽ bay sang Washington.

Tại Seoul, phe đối lập bảo thủ chỉ trích những nỗ lực đối thoại với Bình Nhưỡng của tổng thống Moon Jae In. Có người thậm chí còn so sánh đường lối này với Hiệp định Munich, trước khi thế giới lao vào cuộc Đại Chiến lần thứ Hai (Hiệp định Munich năm 1938 do Anh, Pháp và Ý ký kết với Hitler, cho phép chính quyền Berlin khi đó thôn tính những vùng lãnh thổ của Tiệp Khắc, nơi có đông người Đức sinh sống).

Về phần mình, Hàn Quốc cho rằng thời gian chỉ có hạn. Đến tháng Tư này, Mỹ-Hàn sẽ nối lại các đợt tập trận chung và điều ấy càng làm dấy lên căng thẳng với Bình Nhưỡng. Đối thoại liên Triều khi đó sẽ phức tạp hơn. Bất chấp những nỗ lực của Seoul, Washington luôn tỏ thái độ ngờ vực trước viễn cảnh Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên mở đàm phán".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.