Vào nội dung chính
PHILIPPINES - BIỂN ĐÔNG

Manila sẽ đặt tên cho các thực thể dưới đáy biển ở vùng Benham Rise

Sau khi phản đối việc Trung Quốc đặt tên cho một số thực thể ngầm dưới đáy biển thuộc vùng Benham Rise nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thêm lục địa của Philippines, chính quyền Manila hôm qua 15/02/2018 khẳng định là họ đang đặt tên Philippines cho các thực thể trong khu vực, bất chấp sự kiện là Trung Quốc đã đặt tên cho bốn ngọn núi và một ngọn đồi ngầm tại vùng đó.

Dân Philippines biểu tình trước lãnh sự Trung Quốc ở Manila, ngày 24/03/2017, để phản đối Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển Benham Rise.
Dân Philippines biểu tình trước lãnh sự Trung Quốc ở Manila, ngày 24/03/2017, để phản đối Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển Benham Rise. TED ALJIBE / AFP
Quảng cáo

Trong một cuộc họp báo, ông Harry Roque, phát ngôn viên của tổng thống Philippines xác định : « Trong vấn đề đặt tên, có một quy trình cần tuân thủ, theo đúng quy định của Liên Hiệp Quốc. Đây không phải là một vấn đề chính trị, mà là một tiến trình khoa học. Bất kỳ ai khám phá ra những thực thể mới đều có quyền đặt tên. »

Theo báo Singapore The Straits Times, Liên Hiệp Quốc đã công nhận các quyền kinh tế độc quyền của Philipines đối với vùng đất dưới đáy biển của khu vực trước đây gọi là Benham Rise và sau này đổi tên thành Philippine Rise - vào năm 2012 như là một phần của thềm lục địa của Philippines. Vùng này được cho là có nhiều nguồn cá ngừ, khí đốt và quặng mangan.

Với diện tích 130.000 km vuông, gần bằng bán đảo Malaysia, và phần lớn là chưa được khám phá, Philippine Rise nằm cách đảo chính Luzon của Philippines 250 km về phía đông, ở khu vực thường xuyên bị bão, có độ sâu từ 2.000 đến 5.000m.

Chính những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đó đã thúc đẩy Manila mời các quốc gia khác, bao gồm Trung Quốc, giúp họ khảo sát khu vực và lập bản đồ.

Trung Quốc đã nộp tên dĩ nhiên là tiếng Hoa (Jinghao, Tianbao, Haidongquing, Cuiquiao và Jujiu) - cho năm thực thể bao gồm 4 ngọn núi và một ngọn đồi ngầm ở vùng này, đệ trình trước tiểu ban đặt tên đặc biệt của Tổ Chức Thủy Văn Quốc tế vào hai năm 2015 và 2017.

Khi biết được thông tin, chính quyền Philippines đã khiếu nại động thái của Trung Quốc, xuất phát từ mối quan ngại rằng Bắc Kinh có thể dựa vào đó để tuyên bố chủ quyền lãnh hải.

Ông Duterte tuần trước đã ra lệnh đình chỉ các công việc nghiên cứu khoa học và thăm dò của nước ngoài tại vùng Philippine Rise sau khi « một nhà ngoại giao cấp thấp của một quốc gia khác » cho rằng vùng đất dưới đáy biển trong khu vực không thuộc về Philippines.

Quốc tịch nhà ngoại giao không được xác định, nhưng một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc vào năm 2017 đã từng cho rằng Manila không thể tuyên bố là vùng Philippine Rise là một phần lãnh thổ Philippines.

Theo một số nhà phân tích, Trung Quốc có thể nhòm ngó khu vực này với mục tiêu để tạo ra một « hàng rào » thứ hai ở phía đông Biển Đông nhằm thách thức quyền thống trị của Mỹ trên Thái Bình Dương.

Philippine Rise nằm gần căn cứ quân sự của Mỹ tại đảo Guam và Hawai, và đã xuất hiện một số quan ngại rằng Trung Quốc đang thăm dò độ sâu của biển vùng Benham Rise để mở tuyến đường cho tàu ngầm của họ đi từ Biển Đông ra Thái Bình Dương.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.