Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - BANGLADESH

Rohingya: Thỏa thuận Miến Điện-Bangladesh mang tính ngoại giao

Thỏa thuận Miến Điện-Bangladesh ký ngày 23/11/2017 chỉ cho phép người Rohingya theo Hồi Giáo hồi hương « trong hai tháng tới ». Thông cáo chính thức của hai bên không hề sử dụng cụm từ « Rohingya » để chỉ người tị nạn Hồi Giáo tại Bangladesh.

(Ảnh minh họa) - Những người Rohingya Miến Điện vượt biên giới sang Bangladesh để tới các trại tị nạn ở Palang Khali, ngày 19/10/1017.
(Ảnh minh họa) - Những người Rohingya Miến Điện vượt biên giới sang Bangladesh để tới các trại tị nạn ở Palang Khali, ngày 19/10/1017. REUTERS/Jorge Silva/File Photo
Quảng cáo

Theo hãng tin AFP, các tiêu chí về việc hồi hương, cũng như số người liên quan trong chương trình này, cũng không được nêu cụ thể. Trong khi đó, ngoại trưởng Miến Điện kiêm cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi lại đánh giá thỏa thuận này được ký kết « dựa trên mối quan hệ láng giềng tốt đẹp và hữu nghị, có lợi cho cả hai nước ».

AFP đánh giá thông cáo của Naypyidaw và Dacca về việc hồi hương người Rohingya mang tính chất ngoại giao, và được đưa ra chỉ vài ngày trước chuyến công du của giáo hoàng Phanxicô, tại Miến Điện từ ngày 26-30/11, sau đó là Bangladesh từ 30/11 đến 02/12.

Trong khi đó, tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu quân đội Miến Điện đã đến Trung Quốc ngày 23/11/2017 và bắt đầu chuyến công du 5 ngày, theo lời mời của quân đội nước này trong bối cảnh cộng đồng quốc tế gây sức ép đối với quân đội và chính phủ Miến Điện trong hồ sơ Rohingya. Theo trang The Irrawaddy, mục đích của chuyến viếng thăm là thảo luận các biện pháp để cùng nhau thúc đẩy hòa bình và an ninh dọc biên giới chung của hai nước. Tướng Min Aung Hlaing cảm ơn sự hỗ trợ của Trung Quốc trong « trường hợp bang Rakhin ».

Người Rohingya, sống chủ yếu ở bang Rakhine, bị coi là người nước ngoài tại Miến Điện, nơi có đến hơn 90% dân số theo Phật Giáo. Sắc dân thiểu số theo Hồi Giáo này cũng là cộng động vô tổ quốc lớn nhất thế giới vì bị tước quốc tịch Miến Điện từ năm 1982 và phải chịu rất nhiều thiệt thòi : không được du lịch hay kết hôn nếu không được phép, không được tham gia thị trường lao động và không được hưởng các dịch vụ công (trường học và bệnh viện).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.