Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - GIÁN ĐIỆP

Bình Nhưỡng đã phát triển mạng lưới gián điệp «khoa học» như thế nào ?

Công nghệ tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên không phải đạt được trong một sớm một chiều. Mà đó là kết quả của cả một quá trình phát triển bền bỉ mạng lưới gián điệp « khoa học » từ hơn nửa thế kỷ nay. Thông tín viên báo Les Echos tại Tokyo, Yann Rousseau có bài giải thích cặn kẽ làm thế nào Bắc Triều Tiên phát triển « Mạng lưới gián điệp hùng hậu » của mình.

Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân được Kim Jong Un thúc đẩy nhanh hơn nữa từ năm 2011.
Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân được Kim Jong Un thúc đẩy nhanh hơn nữa từ năm 2011. © Reuters
Quảng cáo

Câu chuyện của Yann Rousseau được bắt đầu từ một góc khu phố Kodaira, ngoại ô Tokyo, Nhật Bản. Ở đây, người ta có thể bắt gặp nhiều sinh viên Triều Tiên thuộc trường « Đại học Triều Tiên » (Korea University), nằm trong một tòa nhà cũ kỹ 4 tầng. Không một ai nói tiếng Nhật. Đây là trường đại học duy nhất tại Nhật Bản do một hiệp hội có liên hệ với Bình Nhưỡng kiểm soát và tài trợ.

Nhóm cư dân Triều Tiên này được hình thành từ năm 1956, di cư sang Nhật vào đầu thế kỷ XX, sau khi bị Nhật Bản sáp nhập Triều Tiên vào lãnh thổ mình. Khu đại học chỉ có chừng 500 sinh viên. Nhưng từ nhiều tháng qua, trường học này đã bị các nhà đấu tranh chỉ trích, vì nghi ngờ trường này bí mật tham gia vào việc phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của chế độ Kim Jong Un.

Nhất là vào lúc lãnh đạo Bắc Triều Tiên vừa gây chấn động thế giới khi cho tiến hành thử nghiệm thành công một quả bom nhiệt hạch thu nhỏ, có thể gắn lên đầu tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM. Do đó, theo khẳng định của ông Ken Kato, giám đốc Human Right Asia, « Những học sinh ở đây được giáo dục theo đúng tinh thần Juche (quan điểm độc lập và tinh thần tự lực), một hệ tư tưởng của chế độ Bình Nhưỡng. Và những sinh viên này phải mang về những gì tổ quốc cần. Do đó, họ được tiếp cận với những chương trình học đường mà về mặt lý thuyết bị cấm đoán bởi các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc ».

Trong một bản kiến nghị gởi lên Liên Hiệp Quốc, ông Kato đã yêu cầu mở một cuộc điều tra về trường đại học này và đề nghị ngưng giảng dạy các môn học về vật lý hạt nhân, hóa học hay kỹ sư điện tử. Vẫn theo ông Kato, hiện có rất nhiều nhà khoa học « người Triều Tiên của Nhật Bản », từng theo học tại Korea University, đã thâm nhập vào nhiều viện công nghệ có uy tín của Nhật Bản cũng như là ở nước ngoài.

Những người theo ông Kato là có khả năng thu thập các thông tin nhạy cảm cho quốc gia xuất xứ của họ. Một trong số những nhà khoa học này đã từng học nhiều năm ở trường đại học ở Orleans (miền trung nước Pháp). Ông Kato cho rằng : « Đây là một dạng gián điệp rất khó mà ngăn chặn được ».

Thuyết ý chí của Kim Jong Un

Từ nhiều thập niên qua, Bình Nhưỡng đã triển khai mạng lưới các nhà khoa học và sinh viên khắp nơi trên thế giới, nhất là tại Trung Quốc, hòng duy trì các nỗ lực quân sự trong việc củng cố sức mạnh răn đe. Ông Hitoshi Tanaka, một nhà cựu ngoại giao Nhật Bản, từng đại diện chính quyền Tokyo tham gia các cuộc đàm phán bí mật với chế độ Bình Nhưỡng trong những năm 2000, nhắc lại : « Chính phủ Bắc Triều Tiên luôn có mục tiêu rất rõ ràng về việc phát triển năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa ».

Nếu như những vụ thử gần đây đã có thể gây sốc, đó không phải là kết quả của một sự nhảy vọt về mặt công nghệ bất thình lình, mà là thành quả của một công việc có hệ thống được khởi động ngay từ những năm 1950 và được Kim Jong Un thúc đẩy nhanh hơn nữa từ năm 2011. Nhà lãnh đạo trẻ tin rằng chỉ có khả năng tiến hành một cú tấn công hạt nhân vào Mỹ thì mới có thể làm cho Washington từ bỏ ý định lật đổ chế độ. Ông Mark Hibbs, một nhà phân tích thuộc trung tâm Carnegie Endowment For International Peace, tóm lược như sau : « Họ có một sự cố gắng rất cần mẫn nhưng cũng rất quyết tâm ».

Theo giải thích của ông Mark Hibbs, mọi việc bắt đầu cách đây hơn 60 năm, nhờ vào sự hỗ trợ của Matxcơva. « Vào thời kỳ chiến tranh lạnh, Liên Xô và Hoa Kỳ đã chia sẻ một phần hiểu biết của mình và trang thiết bị trong lĩnh vực hạt nhân cho những nước lần lượt nằm dưới tầm ảnh hưởng của họ ». Ngay từ năm 1956, Bắc Triều Tiên, vốn dĩ đã kiệt quệ do cuộc chiến tranh liên Triều 1950 – 1953, đã là thành viên của Joint Institute for Nuclear Research, có trụ sở ở Dubna, gần Matxcơva .

Nhiều kỹ sư Bắc Triều Tiên đã đến học tập ở nhiều trường đại học lớn của Liên Xô thời bấy giờ. Và vào năm 1965, nước này đã nhận bản thiết kế một lò phản ứng thử nghiệm nhỏ đầu tiên, được đặt gần Yongbyon, địa điểm sau này trở thành một trung tâm thử nghiệm hạt nhân lớn của chế độ.

Bình Nhưỡng đã từng nghĩ đến bom nguyên tử

Trước việc Nga từ chối nhượng một phần bí mật, Bắc Triều Tiên xích gần với Trung Quốc, vốn vừa thử thành công quả bom A đầu tiên vào năm 1964, nhưng cũng hoài công. Bắc Kinh không muốn chia sẻ nguồn sức mạnh răn đe của mình. Trong suốt những năm 1970, Nga và Trung Quốc, hai quốc gánh đỡ cho sự phát triển kinh tế của Bắc Triều Tiên, đã nhiều lần từ chối những đòi hỏi khác của Bình Nhưỡng. Bởi vì, cả hai cường quốc cộng sản này ngờ vực tham vọng quân sự của Kim Nhật Thành.

Bị hụt hẫng, chế độ Bắc Triều Tiên quyết định gia tăng hơn nữa các nỗ lực để thu nhặt công nghệ và trang thiết bị mỗi nơi một chút trên khắp thế giới. Các nhà khoa học « gián điệp » được gởi đi khắp nơi, từ các hội thảo quốc tế lớn, các viện nghiên cứu cho đến cả các cuộc họp cấp cao của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA, mà Bắc Triều Tiên đã từng là thành viên từ 1974-1994, hòng nhặt nhạnh « một cách ngây thơ » những thông tin quý giá.

Ông Mark Hibbs nhớ lại : « Tại Vienna, trong suốt những năm 1990, nhiều nhân viên tình báo Bắc Triều Tiên đã tìm cách tiếp cận các nhà khoa học Bỉ, đang nghiên cứu quy trình tái xử lý chất plutonium cho mục đích thương mại ». Đến những năm 2000, các thanh tra quốc tế lại tìm thấy ở Yongbyon một nhà máy xử lý plutonium được phát triển theo mô hình thiết kế của Bỉ.

Vẫn theo nhận định của ông Mark Hibbs, « Trong cái cảnh tranh tối tranh sáng đó, thời kỳ mà việc kiểm soát chưa có nghiêm ngặt lắm và sự nghi kỵ ít hơn bây giờ thì người Bắc Triều Tiên đã có những bước tiến đáng kể ». Để có thể tự cung cấp các nguyên liệu để chế tạo bom và tên lửa, nước này cùng lúc đã tăng cường việc thu mua thông qua các doanh nghiệp ma tại Trung Quốc hay ở những nước châu Á khác để lách các lệnh trừng phạt.

Cũng trong những năm 1990, Bắc Triều Tiên đã nhận được sự giúp đỡ tận tình từ nhiều mạng lưới của nhà vật lý học người Pakistan Abdul Qadeer Khan. Người này còn bị cáo buộc bán công nghệ quan trọng cho Iran và Lybia. Mark Hibbs khẳng định : « Sự liên kết này quyết định cho việc xây dựng các nhà máy làm giàu chất uranium của Bắc Triều Tiên. Các kỹ sư của nước này đã có được lò ly tâm mà họ rất cần ».

Một bước tiến cho phép Bắc Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006 và tiếp tục nhắm đến những loại bom phức tạp hơn và mạnh hơn. Theo nhà nghiên cứu Mark Fitzpatrick, Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế, một phần của chương trình trao đổi này đã được chính phủ Pakistan chỉ đạo, để đổi lấy những công nghệ của Bình Nhưỡng.

Bắc Triều Tiên có lẽ đã nhượng cho Islamabad những loại tên lửa mà nước này đã cải tiến từ chiếc tên lửa Nga Scud-B được Ai Cập chuyển cho Bình Nhưỡng trong những năm 1970. Dồn hết sức lực, các kỹ sư Bắc Triều Tiên trong những năm 1980 đã chế tạo ra một phiên bản Scud-C, rồi Nodong, một dạng tên lửa Scud có kích cỡ lớn hơn, cũng như là một loạt chiếc Taepodong có tầm bắn trên 2 000km. Sau những nỗ lực nghiên cứu về động cơ, nước này giờ đã làm chủ được một loại tên lửa mạnh ICBM, tên lửa liên lục địa Hwasong 14, có khả năng đánh tới những thành phố lớn của Hoa Kỳ.

Để có thể chế tạo bom, Bắc Triều Tiên luôn dựa vào mạng lưới mua bán chợ đen trên quốc tế để tự cung ứng linh kiện, thông qua các cơ sở được cài đặt ở châu Á. Phân tích các mảnh vỡ của một tên lửa Bắc Triều Tiên được tìm thấy ngoài khơi năm 2012 đã cho thấy nguồn gốc của các linh kiện : Trung Quốc, Thụy Sĩ, Anh nhưng cũng có cả Mỹ.

Mark Hibbs lưu ý là : « Đó còn là một cuộc đua thường trực giữa các lệnh trừng phạt, công tác kiểm tra và khả năng thích ứng của Bình Nhưỡng ». Nhà nghiên cứu điểm ra những nguồn tài chính khổng lồ luôn được cấp cho chương trình tên lửa này, được cho là ưu tiên, bất chấp bất ổn về kinh tế của đất nước. Do đó, theo nhà cựu ngoại giao Nhật Bản, Hitoshi Tanaka, « Nếu người ta muốn ngăn chận Bắc Triều Tiên đạt được mục tiêu, chỉ còn có một hay hai năm để thực hiện. Sau đó, mọi thứ sẽ trở nên phức tạp hơn ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.