Vào nội dung chính
BANGLADESH - MIẾN ĐIỆN

Bangladesh: Biểu tình lớn phản đối Miến Điện truy bức người Rohingya

Theo các nguồn tin cảnh sát Bangladesh, khoảng 20.000 người Hồi Giáo cực đoan chuẩn bị tiến về phía sứ quán Miến Điện tại thủ đô Dhaka ngày hôm nay 18/09/2017 để phản đối chính quyền Naypitaw truy bức người Rohingya theo đạo Hồi.

(Ảnh minh họa). Người Hồi Giáo Bangladesh biểu tình tại Dhaka, ngày 01/12/2016, chống lại việc người Rohingya ở bang Rakhine, Miến Điện, bị chính quyền truy sát.
(Ảnh minh họa). Người Hồi Giáo Bangladesh biểu tình tại Dhaka, ngày 01/12/2016, chống lại việc người Rohingya ở bang Rakhine, Miến Điện, bị chính quyền truy sát. REUTERS/Mohammad Ponir Hossain
Quảng cáo

Một quan chức cao cấp Bangladesh được hãng tin Pháp AFP trích dẫn cho biết tình hình tại Dhaka sáng nay rất "căng thẳng". Cảnh sát được huy động đề phòng xảy ra bạo động. Khoảng 20.000 người hưởng ứng lời kêu gọi của một tổ chức Hồi Giáo cực đoan Bangladesh mang tên Hefazat e Islami. Người biểu tình mặc áo trắng, tập hợp trước một đền thờ đạo Hồi ở thủ đô Dhaka, với ý định tiến về phía trước tòa đại sứ Miến Điện và bao vây trụ sở ngoại giao này trong nhiều tiếng đồng hồ. Rốt cuộc, cảnh sát Bangladesh đã ngăn cản được kế hoạch nói trên, chỉ cho phép khoảng một chục người được đến sứ quan Miến Điện để đưa một bức kiến nghị đòi quân đội Miến Điện ngưng truy bức người Rohingya.

Thảm họa nhân đạo của người Rohingya Miến Điện đang làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ tại các nước Hồi Giáo trong khu vực, từ Pakistan đến Indonesia, Malaysia.

Về phía các tổ chức bảo vệ nhân quyền, Human Rights Watch, trong thông cáo ngày 18/09/2017, kêu gọi Liên Hiệp Quốc "ban hành các biện pháp trừng phạt và cấm vận vũ khí" nhắm vào quân đội Miến Điện, cho tới khi nào quốc gia này chấm dứt "cuộc thanh lọc nhắm vào một sắc tộc thiểu số". Nhiều tổ chức bảo vệ người Rohingya tố cáo lực lượng an ninh của Miến Điện và cộng đồng Phật Giáo tại bang Rakhine tàn sát người theo đạo Hồi.

Phật tử Miến Điện phủ nhận các cáo buộc trấn áp người Rohingya

Trong lúc cuộc khủng hoảng tị nạn ở biên giới Bangladesh Miến Điện vẫn đang tiếp tục trầm trọng, hơn 400 000 người Hồi Giáo Rohingya đã bỏ chạy, tránh các cuộc đàn áp của quân đội Miến Điện tại bang Arakan, miền tây nước này. Những ngày qua, cộng đồng quốc tế liên tiếp lên án chính quyền Miến Điện, nhiều chỉ trích nhắm trực tiếp vào bà Aung San Suu Kyi. Tuy nhiên, nhiều người Phật Giáo Miến Điện đã phủ nhận các cáo buộc đàn áp người Rohingya, cho đó là mưu đồ hủy hoại hình ảnh của đất nước họ trên trường quốc tế.

Thông tín viên RFI, Rémy Favre, đã gặp gỡ hai Phật tử tại Rangoon để tìm hiểu chính kiến của họ về vấn đề người Rohingya :

Họ phủ nhận mọi thứ, trước hết là về số lượng hơn 400 000 người tị nạn sang Bangladesh do Liên Hiệp Quốc thống kê và cho rằng : Các tính toán của Liên Hiệp Quốc cường điệu quá mức so với thực tế. Con số này là do người Rohingya cung cấp ». Họ cũng nghi ngờ các vụ bạo lực của quân đội Miến Điện bị người Rohingya tố cáo.

Bất luận câu hỏi thế nào, người Rohingya luôn có cùng câu trả lời rằng người ta giết họ, hãm hiếp họ… chỉ có một câu trả lời cho dù câu hỏi thế nào… người ta mớm cho họ phải trả lời thế nào.

Theo các Phật tử này, các phóng sự của báo chí quốc tế tất cả đều được định hướng. Các nhà báo chỉ quan tâm đến người tị nạn Rohingya nhưng lại lờ đi nhóm khủng bố đã tấn công các đồn cảnh sát Miến Điện.

Khi một phóng viên của đài truyền hình CNN phỏng vấn một phụ nữ nhận là người Rohingya, bà này khóc cùng với đứa con nhỏ. Nhưng thực tế bà ta cố ý làm con khóc.

Người đàn ông này đưa ra bức ảnh có vẻ như là một người phụ nữ Rohingya đang cấu đứa con bà bế trên tay. Cả hai người đàn ông đều kết luận : Người Phật giáo là nạn nhân của một âm mưu trên quy mô thế giới. Thế nhưng hiếm khi họ đưa ra bằng chứng về những gì họ nói và chỉ nhấn vào những trường hợp cá biệt để phủ nhận những sự việc đã được các tổ chức nhân đạo, cơ quan Liên Hiệp Quốc hay báo chí thông báo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.