Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - HẠT NHÂN

Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Kim Jong Un muốn gì ?

Là một trong những lãnh đạo trẻ nhất thế giới, Kim Jong Un, 34 tuổi, một mình đương đầu với cộng đồng quốc tế, phớt lờ trước những lời cảnh cáo và kêu gọi kềm chế của "ông anh cả" Trung Quốc. Hàng loạt các nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc với chế độ Bình Nhưỡng như "nước đổ lá khoai".

Kim Jong Un không là một nhà lãnh đạo "non nớt" như quốc tế lầm tưởng.
Kim Jong Un không là một nhà lãnh đạo "non nớt" như quốc tế lầm tưởng. KCNA via REUTERS
Quảng cáo

Bắc Triều Tiên tăng tốc các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Kim Jong Un đang "dồn tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào chân tường", làm chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "đau đầu" trước một đồng minh khó bảo.

Hai nền kinh tế nặng ký của châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc cùng đang "run sợ" trước hành vi khó lường của Kim Jong Un. Liên minh Mỹ-Hàn có dấu hiệu rạn nứt.

Bình Nhưỡng thực sự muốn gì ? Chuyên gia về chiến lược Marianne Peron Doise, Học viện Quân Sự Paris ghi nhận : Kim Jong Un đang đảo lộn tương quan lực lượng trên bàn cờ chiến lược quốc tế :

Marianne Peron Doise : " Từ đầu năm 2017 và nhất là từ đầu tháng 7 tới nay, Bình Nhưỡng thực sự đã tăng tốc các vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân. Đây là bằng chứng rõ rệt nhất về những nỗ lực và tiến bộ của Bắc Triều Tiên trong lĩnh vực này, cũng như là khả năng của chế độ Kim Jong Un làm thay đổi cục diện bàn cờ chính trị quốc tế.

Về phương diện ngoại giao, Kim Jong Un dồn tổng thống Donald Trump vào chân tường, đồng thời chứng minh rằng vũ khí hạt nhân hoàn toàn trong tầm tay Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng đang bắt buộc một siêu cường quân sự - là Mỹ - phải công nhận thực tế đó".

RFI : Có một nghịch lý là Bình Nhưỡng càng phô trương sức mạnh thì lại càng bị quốc tế cô lập, ngay cả đối với đồng minh thân thiết nhất là Bắc Kinh. Vậy thực sự Kim Jong Un toan tính những gì ?

Marianne Peron Doise : "Vâng, đúng là cho tới nay, trong một chừng mực nào đó, Trung Quốc bằng lòng với vai trò phá rối của Kim Jong Un, gây khó khăn cho Mỹ. Bắc Kinh luôn là điểm tựa của chế độ Bình Nhưỡng.

Bên cạnh đó thì Trung Quốc cũng là một cường quốc nguyên tử và đương nhiên là không muốn trông thấy Bắc Triều Tiên ở ngay sát cạnh mình có phương tiện phòng thủ này. Vũ khí của Bắc Triều Tiên cũng là một mối đe dọa tiềm tàng và là một thách thức quân sự đối với khu vực.

Theo tôi, Trung Quốc không dễ dàng chấp nhận điều đó. Bắc Kinh không thể chấp nhận để Bình Nhưỡng làm "vướng chân" mình.

Về phía Kim Jong Un, trước hết ông ta muốn quốc tế công nhận Bắc Triều Tiên là một cường quốc nguyên tử. Với Nhật Bản và Hàn Quốc, Bình Nhưỡng liên tục chứng tỏ là về mặt chiến lược, Bắc Triều Tiên độc lập với người anh cả Trung Quốc.

Ngoài ra, hạt nhân là một lá bùa hộ mệnh, bảo đảm cho sự sống còn của chế độ dòng họ Kim đối với công luận trong nước.

Sau cùng cần chú ý tới một yếu tố tâm lý : Bắc Triều Tiên vẫn còn bị bóng ma của chiến tranh Triều Tiên và quá khứ lịch sử dưới thời quân đội Nhật hoàng đô hộ ám ảnh.

Do vậy vũ khí nguyên tử là một phương tiện tốt nhất để Kim Jong Un đưa Bắc Triều Tiên lên hàng các cường quốc quân sự và hạt nhân, qua đó đem lại tự hào cho dân tộc.

Trong khi đó, ở góc đài bên kia, thì tổng thống Mỹ Donald Trump lại dùng những lời lẽ thô bạo không kém Kim Jong Un đe dọa Bắc Triều Tiên. Có điều Mỹ chỉ nói suông, còn Kim Jong Un thì liên tiếp cho thử tên lửa và hạt nhân.

Tính toán đó khá khôn ngoan, bởi Bình Nhưỡng biết rõ là tổng thống Hoa Kỳ đang trong thế kẹt : nếu Donald Trump quyết định dùng giải pháp quân sự thì sẽ chẳng mấy ai nghe theo.

Trước hết là hai đồng minh thân thiết nhất của Hoa Kỳ tại Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản đều không muốn nổ ra chiến tranh. Kế tới từ Trung Quốc đến Nga đương nhiên đều sẽ dùng quyền phủ quyết bác bỏ phương án quân sự".

RFI : Vậy thì quốc tế có ngõ thoát nào cho hồ sơ Bắc Triều Tiên ?

Marianne Peron Doise : "Ngay từ đầu, thái độ mập mờ của Trung Quốc đã khiến mọi người phải quan tâm. Nhưng có lẽ bản thân Bắc Kinh cũng đang bối rối và chưa biết làm thế nào để tháo gỡ bế tắc mà không một bên nào bị mất mặt, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc chuẩn bị họp Đại Hội Đảng.

Bên cạnh đó, chúng ta biết chính quyền của ông Tập Cận Bình đang muốn quá nhiều thứ cùng một lúc. Trung Quốc vừa muốn Mỹ đưa ra một số bảo đảm về mặt an ninh cho khu vực Đông Bắc Á, vừa muốn Seoul và Washington chấm dứt dự án lắp đặt hệ thống lá chắn chống tên lửa trên lãnh thổ Hàn Quốc, ngay sát cạnh cửa ngõ của Trung Quốc.

Sau cùng Bắc Kinh không muốn Bình Nhưỡng trang bị vũ khí hạt nhân nhưng đồng thời Trung Quốc làm tất cả để kịch bản chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ không xảy ra.

Bắc Kinh không muốn trông thấy cảnh lớp lớp người Bắc Triều Tiên tràn sang biên giới Trung Quốc, không muốn bán đảo Triều Tiên thống nhất với quyền lực trong tay Seoul, tai mắt của Mỹ ở khu vực.

Giữa ngần ấy mục tiêu, Bắc Kinh cũng đang trong trong tình thế rất khó xử.

Thực ra, không chỉ Trung Quốc mà cả cộng đồng quốc tế đều theo đuổi mục tiêu thuyết phục Bình Nhưỡng quay trở lại vòng đàm phán sáu bên để đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Nhưng chúng ta đừng quên rằng, sau 6 lần thử bom nguyên tử, nếu có nối lại đàm phán Bắc Triều Tiên đương nhiên sẽ trong thế mạnh. Câu hỏi đặt ra là cộng đồng quốc tế có cái gì để mặc cả với Kim Jong Un ?"

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.