Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - HẠT NHÂN

Vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên có đáng sợ hay không ?

Tình báo Mỹ tin chắc là Bắc Triều Tiên đã có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân trang bị cho tên lửa tầm xa và liên lục địa. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia vũ khí, còn cần rất nhiều thời gian nữa thì Bình Nhưỡng mới có thể trở thành cường quốc hạt nhân, đủ sức tấn công bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu.

Tem mới của Bắc Triều Tiên kỷ niệm vụ thử thành công tên lửa xuyên lục địa "Hwasong-14". Ảnh do KCNA công bố ngày  8/08/2017
Tem mới của Bắc Triều Tiên kỷ niệm vụ thử thành công tên lửa xuyên lục địa "Hwasong-14". Ảnh do KCNA công bố ngày 8/08/2017 KCNA/via REUTERS
Quảng cáo

Tình hình bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt sau khi nhật báo Washington Post ngày 08/08/2017 tiết lộ một bản báo cáo của tình báo Mỹ theo đó Bắc Triều Tiên đã khắc phục được kỹ thuật và công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, chế tạo xong 60 đơn vị, trang bị cho tên lửa liên lục địa đủ sức bay đến lãnh thổ Hoa Kỳ.

Ngay lập tức, tổng thống Mỹ Donald Trump hăm dọa chế độ Bình Nhưỡng, nếu cứ tiếp tục thái độ hung hăng, sẽ bị « biển lửa và căm hờn » trả đũa. Cũng ngay tức khắc, Bình Nhưỡng tuyên bố « dự định tấn công gần các căn cứ quân sự Mỹ ở đảo Guam ».

Chính giới Mỹ từ Dân Chủ đến Cộng Hoà đều không đồng ý với thái độ nóng vội của tổng tư lệnh tối cao nhưng về phía đối phương, liệu đe dọa của Bắc Triều Tiên có đáng tin hay không hay chỉ là đòn cân não ?

Theo AFP, Bắc Triều Tiên đạt tiến bộ nhanh chóng vượt các tiên liệu của tình báo Tây phương, 5 lần thử nghiệm nổ hạt nhân. Quả bom sau cùng vào ngày 09/09/2016 có sức mạnh tương đương với quả bom mà Hoa kỳ ném xuống Nagasaki vào tháng 08/1945. Bắc Triều Tiên cũng phóng thử hàng loạt tên lửa đạn đạo, tầm trung, liên lục địa mà theo thẩm định của các chuyên gia, có thể bay xa 10.000 km.

Nhưng thu nhỏ được đầu đạn và chế tạo tên lửa mang đầu đạn này vừa đủ sức bay xa, vừa chính xác là một phương trình phức tạp. Làm cách nào để đầu đạn hạt nhân chịu đựng được một đoạn đường dài 25.000 km, từ bệ phóng lên thượng tầng khí quyển, lao xuống, trở lại bầu khí quyển mà không bị bốc cháy vì ma xát và tan vỡ vì chấn động rung ?

Theo chuyên gia Michael Elleman của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS, tên lửa liên lục địa của Bắc Triều Tiên thử nghiệm hôm 28/07/2017 đã bốc cháy khi trở lại bầu khí quyển. Nếu tấn công thật, đầu đạn hạt nhân mang theo bị thiêu hủy trước khi bay đến mục tiêu.

Siegfried Hecker, chuyên gia hạt nhân của đại học Stanford, Hoa Kỳ, cho rằng phải mất 5 năm nữa, Bình Nhưỡng mới làm được tên lửa đúng tiêu chuẩn « liên lục địa ». Với kinh nghiệm nhiều lần cùng đoàn thanh tra của Liên Hiệp Quốc sang thẩm định khả năng nguyên tử của Bắc Triều Tiên, Siegfried Hecker nghĩ rằng một trong những chướng ngại của Bình Nhưỡng là thiếu uranium và nhất là plutonium. Kho đầu đạn hạt nhân của Bắc Triều Tiên nhiều lắm là từ 20 đến 25, không thể lên đến 60 như Washington Post loan báo.

Vấn đề là Bắc Triều Tiên có cần chờ đến 5 năm hay không ? Theo AFP, với đầu đạn thô sơ và các loại tên lửa tầm trung hiện nay, Bình Nhưỡng đủ sức đe dọa đảo Guam và hai đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Có lẽ vì thế mà tổng thống Mỹ phải đánh trước bằng đòn chiến tranh cân não.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.