Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - CHÍNH TRỊ

Thủ tướng Nhật Bản cải tổ nội các để lấy lại tín nhiệm

Bị suy yếu vì nhiều tai tiếng và bị cho là ngạo nghễ, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cải tổ chính phủ vào ngày 03/08/2017. Ông Abe hy vọng chính phủ mới sẽ giúp cải thiện điểm tín nhiệm của ông, hiện đang rơi dưới ngưỡng 30%, và kỷ lục xấu nhất kể từ khi ông trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (G) và tân nội các tại dinh thủ tướng ở Tokyo, ngày 3/08/2017.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (G) và tân nội các tại dinh thủ tướng ở Tokyo, ngày 3/08/2017. REUTERS/Kim Kyung-hoon
Quảng cáo

Trong tân nội các, ông Itsunori Onodera, một cựu bộ trưởng Quốc Phòng, được bổ nhiệm thay bà Tomomi Inada, từ chức cách đây một tuần. Ông Taro Kono, một nhà cải cách thân với Washington, giữ chức ngoại trưởng thay ông Fumio Kishida.

Hai vị tân bộ trưởng này sẽ phải giải quyết nhiều hồ sơ quan trọng, bắt đầu từ « mối đe dọa ngày càng tăng của Bắc Triều Tiên », tiếp theo là tăng cường quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật, được ông Abe đánh giá là « không thể lay chuyển được ».

Từ Tokyo, thông tín viên RFI Frédéric Charles tường trình :

Đợt cải tổ bộ trưởng lần này sẽ không giúp thủ tướng Shinzo Abe được lòng dân hơn trong con mắt người Nhật, cho dù ông hứa tiếp tục chính sách miễn phí giáo dục trước tuổi đi học cho con cái của họ, ít nhất là cho đến khi thủ tướng thay đổi chính sách.

Về việc xem lại Hiến Pháp chủ hòa, ông Shinzo Abe muốn trao lại cho Nhật Bản quyền được tham chiến. Bất chấp sự trỗi dậy của Trung Quốc và mối đe dọa của Bắc Triều Tiên tấn công tên lửa xối xả vào các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản, phần lớn người dân Nhật vẫn ủng hộ Hiến Pháp chủ hòa.

Ngoài các vụ tai tiếng « ưu ái » cho bạn bè để mở một trường thú y và bán bất hợp pháp một mảnh đất công cho một trường học ở Osaka, người Nhật còn chỉ trích thủ tướng Shinzo Abe đã bỏ rơi các biện pháp cải cách kinh tế và xã hội mà ông từng hứa cách đây 5 năm để đối phó với tình trạng lão hóa dân số, thiếu tính linh hoạt trên thị trường lao động và các trở ngại trong việc phụ nữ đi làm.

Thủ tướng Nhật Bản hy vọng được tái đắc cử vào chức chủ tịch đảng bảo thủ của ông vào năm 2018. Dù cố ý hay không, nếu ông Abe tiếp tục tạo cảm giác lơ là về đời sống của người dân, có thể ông sẽ không được bầu vào trọng trách đó.

Chiến thắng vang dội của phong trào « Tokyo trên hết » của đô trưởng Tokyo trong cuộc bầu cử cấp địa phương ở thủ đô là một lời cảnh cáo. Người Nhật cũng quay lưng lại với các đảng truyền thống khi họ có lựa chọn khác.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.