Vào nội dung chính
PHILIPPINES-TRUNG QUỐC-BIỂN ĐÔNG

Đồng khai thác ở Biển Đông: Philippines đợi làm rõ quan hệ với Trung Quốc

Trả lời hãng tin Reuters ngày 27/02/2017, bộ trưởng Năng Lượng Philippines cho biết Manila đợi làm rõ quan hệ với Bắc Kinh trước khi dỡ bỏ lệnh đình chỉ các chương trình thăm dò trong vùng biển có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Bộ trưởng Năng Lượng Philippines Alfonso Cusi trả lời hãng tin Reuters tại Manila, ngày 27/02/2017.
Bộ trưởng Năng Lượng Philippines Alfonso Cusi trả lời hãng tin Reuters tại Manila, ngày 27/02/2017. REUTERS/Romeo Ranoco
Quảng cáo

Theo bộ trưởng Alfonso Cusi, chính quyền Philippines đang nghiên cứu xem đây có phải là thời điểm “thuận lợi” để quyết định cùng khai thác các nguồn tài nguyên với Trung Quốc hay không. Tuy nhiên bộ trưởng Năng Lượng Philippines nhấn mạnh là mọi quyết định đều phải được bộ Ngoại Giao Philipllines đồng ý bởi vì đây là cơ quan có trực tiếp đối thoại với Trung Quốc.

Năm 2004 Bắc Kinh và Manila đã đạt được một thỏa thuận cùng khai thác tài nguyên ở Biển Đông dưới thời tổng thống Arroyo nhưng thỏa thuận này đã bị đình chỉ 3 năm sau đó vì bị coi là vi hiến.

Tháng 10/2016 nhân chuyến công du Bắc Kinh của tổng thống Duterte, báo chí Manila đưa tin, Philippines sẽ thương lượng với Trung Quốc về các kế hoạch cùng thăm dò dầu khí tại vùng biển mà Manila gọi là Biển Tây Philippines. Tuy nhiên một quan chức Philippines xin được giấu tên cho biết, đàm phán song phương chỉ liên quan đến những hoạt động thăm dò trong các vùng biển không có tranh chấp. Chính quyền của tổng thống Duterte xem các dự án cùng thăm dò dầu khí ở các vùng không có tranh chấp là một động thái cụ thể “xây dựng niềm tin giữa đôi bên”.

Năm ngoái, vài ngày trước khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc căn cứ vào bản đồ 9 đoạn để đòi hỏi gần như toàn bộ chủ quyền ở Biển Đông, ngoại trưởng Yassay Perfecto nêu lên khả năng “ tại một thời điểm trong tương lai, các nước có tranh chấp chủ quyền, sẽ cân nhắc việc tham gia các thỏa thuận như thăm dò và khai thác tài nguyên trong vùng có tranh chấp mà không phương hại đến lập trường của mỗi bên hay kết quả phân định ranh giới giữa các bên liên quan theo quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.