Vào nội dung chính
CAM BỐT - MỸ- TRUNG QUỐC

Cam Bốt bỏ tập trận với Mỹ để chiều lòng Trung Quốc ?

Chính quyền Cam Bốt vừa bất ngờ quyết định tạm hoãn tập trận thường niên với Mỹ. Phnom Penh đã nêu lý do cần tập trung lực lượng cho một sô nhiệm vụ bảo đảm an ninh. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đó là vì Cam Bốt muốn chiều lòng đàn anh Trung Quốc.

Thủ tướng Cam Bốt, Hun Sen. Ảnh chụp ngày 07/01/2017 tại Phnom Penh.
Thủ tướng Cam Bốt, Hun Sen. Ảnh chụp ngày 07/01/2017 tại Phnom Penh. Reuters
Quảng cáo

Thông tin về quyết định hủy bỏ các cuộc tập trận thường niên với Hoa Kỳ trong hai năm 2017 và 2018 đã được chính đại sứ quán Mỹ tại Cam Bốt xác nhận ngày 16/01/2017 với nhật báo Anh Ngữ The Cambodian Daily. Đây là một quyết định được cho là rất đột ngôt, vì cuộc tập trận chung Mỹ-Cam Bốt đã trở thành thông lệ từ bảy năm gần đây và công việc chuẩn bị cho cuộc tập trận thứ tám vào mùa xuân tới đây đã tiến rất xa.

Giải thích về lý do đình chỉ tập trận với Mỹ, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Cam Bốt Chuum Socheat nêu lý do là nước này cần điều động quân đội vào một số nhiệm vụ cấp bách hơn, cụ thể là phối hợp với lực lượng cảnh sát trong một chiến dịch bài trừ ma túy kéo dài sáu tháng liên tục và bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử địa phương tổ chức vào ngày 04/06/2017.

Theo chuyên san The Diplomat tại Nhật Bản, đối với những ai hiểu biết đôi chút về quan hệ quốc phòng Mỹ-Cam Bốt, cuộc tập trận song phương thường niên giữa hai nước mang tên là Angkor Sentinel khá khiêm tốn về quy mô, và chưa bao giờ làm cho quân đội Cam Bốt phải làm việc hết công suất trong suốt bảy năm vừa qua, kể cả vào năm 2013, khi Cam Bốt tổ chức tổng tuyển cử.

Hơn nữa, ngay cả khi có vấn đề nhân sự, tại sao lại phải đình chỉ các cuộc tập trận chúng với Mỹ cho đến tận năm 2019, trong khi mà Phnom Penh chỉ cần dời sự kiện này vài tháng, cho đến khi quân đội hoàn thành các nhiệm vụ kể trên.

Tóm lại, các lý do nội bộ hoàn toàn không đứng vững. Vậy thì phải chăng nguyên do chính mang tính chất đối ngoại ?

Có ý kiến cho rằng Phnom Penh muốn gửi một thông điệp tới Washington để nhắc Mỹ là không nên chỉ trích Cam Bốt về mặt nhân quyền và dân chủ vào lúc chính quyền Hun Sen đang gia tăng đàn áp đối lập trước cuộc tổng tuyển cử năm 2018 trong đó đảng cầm quyền có khả năng gặp khó khăn.

Đối với The Diplomat, lý do này cũng không có sức thuyết phục vì lẽ ngay từ cuối năm 2016, Washington đã bắn tin cho biết là quan hệ song phương với Phnom Penh vẫn có thể hoàn toàn tốt bất chấp vấn đề nhân quyền và dân chủ tại Cam Bốt.

Còn lại lý do được nhiều người cho là xác thực hơn cả là Phnom Penh đã chiều ý Bắc Kinh để tẩy chay hợp tác quân sự với Washington.

Trung Quốc và Cam Bốt đã tăng cường quan hệ quân sự song phương một cách đáng kể và vào cuối năm ngoái, lần đầu tiên hai nước đã mở một cuộc diễn tập huấn luyện hải quân. Càng gần đến ngày bầu cử tại Cam Bốt, Bắc Kinh càng đẩy mạnh trợ giúp Phnom Penh.

Câu hỏi đặt ra là phải chăng Trung Quốc đã yêu cầu Cam Bốt từ bỏ hợp tác quân sự với Mỹ để đánh đổi lấy sự giúp đỡ của Trung Quốc.

Trung Quốc được cho là rất quan ngại trước nguồn tin theo đó quân đội Mỹ có kế hoạch chọn Cam Bốt làm một trong những địa điểm để bố trí sẵn thiết bị và phương tiện để có thể sử dụng ngay trong các chiến dịch cứu trợ nhân đạo trong khu vực. Ngoài ra, Mỹ cũng dự trù lồng cuộc tập trận song phương Asia Sentinel giữa Mỹ-Cam Bốt vào trong một chương trình cấp khu vực mang tên Pacific Pathways.

Đối với The Diplomat, việc Phnom Penh bỏ hợp tác quân sự với Mỹ để chạy theo Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, điều đó sẽ lợi bất cập hại vì khi làm như vậy, Cam Bốt có nguy cơ bị lệ thuộc hoàn toàn vào một cường quốc duy nhất, điều không hay chút nào cho một nước nhỏ như Cam Bốt.

Cam Bốt đã đi ngược lại xu thế chung của Đông Nam Á là thúc đẩy quan hệ tốt với Bắc Kinh, nhưng vẫn duy trì quan hệ hữu hảo với các cường quốc khác.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.