Vào nội dung chính
NHẬT - TRUNG QUỐC

THAAD có thể gây thêm căng thẳng Nhật – Trung

Ngày mai, 12/01/2017, bộ trưởng Quốc phòng Nhật Tomomi Inada sẽ đến thăm căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam, nơi triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD của Mỹ. Hệ thống này có thể gây thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Hệ thống chống tên lửa Terminal High Altitude Area Defence - THAAD của Mỹ. Ảnh minh họa.
Hệ thống chống tên lửa Terminal High Altitude Area Defence - THAAD của Mỹ. Ảnh minh họa. REUTERS/U.S. Department of Defense
Quảng cáo

Trong cuộc họp báo hôm qua, bà Inada cho biết là hiện giờ bộ Quốc phòng Nhật chưa có kế hoạch cụ thể để triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD ( Terminal High Altitude Air Defense ), nhưng vị nữ bộ trưởng nói thêm rằng việc sử dụng hệ thống này sẽ giúp tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của Nhật.

Theo lời bà Inada, Tokyo hiện đang nghiên cứu kỹ lưỡng các phương tiện tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa, bởi vì mối đe dọa từ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên đã lên đến mức cao nhất từ trước đến nay. Trước đó, hôm thứ ba, chánh văn phòng nội các Nhật, ông Yoshihide Suga cũng đã tuyên bố là chính phủ Tokyo sẽ thi hành mọi biện pháp cần thiết để đối phó với nguy cơ tên lửa đạn đạo từ Bắc Triều Tiên.

Hiện giờ, Seoul đã đồng ý đặt hệ thống THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, bất chấp phản đối của Bắc Kinh. Ông Valeri Kistanov, một chuyên gia thuộc Viện Viễn Đông của Nga, được trang Sputnik trích dẫn hôm qua, không loại trừ khả năng Washington gây áp lực lên Tokyo, như đã làm với Seoul, để Nhật chấp nhận triển khai hệ thống THAAD.

Theo lời chuyên gia Kistanov, về mặt chiến lược, hệ thống THAAD là nhằm đối phó với lực lượng hạt nhân của Nga, nhưng nó cũng nhằm đối phó với tiềm năng hạt nhân ngày càng mạnh của Trung Quốc. Đối với Nhật Bản hiện nay, mối đe dọa quân sự chủ yếu cũng chính là Trung Quốc. Cả Hoa Kỳ lẫn Nhật Bản đều muốn kềm chế Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương. Ông Kistanov cho rằng chính quyền Donald Trump sẽ không từ bỏ chiến lược đó của người tiền nhiệm Obama ở châu Á, cho dù ông đã từng tuyên bố rằng các đồng minh của Mỹ là Nhật và Hàn Quốc phải tự mình bảo đảm an ninh cho họ.

Hiện giờ thì Nhật đã có đủ khả năng để chống lại mọi đe dọa tên lửa đạn đạo từ Bắc Triều Tiên, với các dàn tên lửa địa đối không Patriot PCA-3, cũng như các chiến hạm có trang bị hệ thống Aegis. Nhưng hệ thống THAAD có tầm bắn xa hơn so với các hệ thống hiện có ở Nhật Bản, tức là có thể bắn chặn các tên lửa đạn đạo ở giai đoạn bay ra ngoài bầu khí quyển và ở giai đoạn bay trở lại bầu khí quyển.

Sputnik cũng trích lời một chuyên gia Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh sẽ không thể ngăn Tokyo triển khai hệ thống THAAD, mà chỉ có thể thi hành các biện pháp chiến lược chống lại hệ thống này.

Theo chuyên gia nói trên, Trung Quốc vẫn kiên quyết phản đối việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc, cho nên nếu Nhật Bản cũng triển khai hệ thống này thì coi như Tokyo càng gián tiếp thúc đẩy Seoul đối đầu với Bắc Kinh. Như vậy, hệ thống lá chắn chống tên lửa này có thể gây thêm căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc, vào lúc mà quan hệ hai bên không lấy gì là êm thắm, do tranh chấp chủ quyền ở Biển Hoa Đông và cũng do những hành động áp đặt chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.