Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - HẠT NHÂN

“Bắc Triều Tiên : Phi hạt nhân hoá sẽ kéo theo chế độ sụp đổ”

Kim Jong Un nổi tiếng khắp Bắc Triều Tiên. Người dân không còn chết đói, nhưng các cuộc thanh trừng tiếp tục gieo rắc cái chết trong hàng ngũ cao cấp của quân đội và bộ máy an ninh. Trên đây là nhận định của nhà sử học người Nga Andrei Lankov với nhật báo Le Monde (27/11/2016).

Người dân Bắc Triều Tiên thành kính trước tượng của hai nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il, Bình Nhưỡng, ngày 11/10/2015.
Người dân Bắc Triều Tiên thành kính trước tượng của hai nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il, Bình Nhưỡng, ngày 11/10/2015. REUTERS/Damir Sagolj
Quảng cáo

Từng nghiên cứu tại đại học Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) ở Bình Nhưỡng trong thập niên 1980, ông Andrei Lankov trở thành một chuyên gia nổi tiếng về quốc gia khép kín nhất thế giới và hiện đang giảng dạy tại đại học Kookmin, Seoul.

Kim Jong Un có phải là một nhà lãnh đạo nổi tiếng không?

Có, ông ấy rất nổi tiếng và điều này có thể hiểu được. Một trong những cách nhìn nhận sai về Bắc Triều Tiên ngày nay là người ta tưởng đất nước này dường như sắp làm mồi cho nạn đói, thậm chí là sắp nổi loạn hay sụp đổ. Đúng là chính phủ rất tàn nhẫn và người dân sợ sệt. Nhưng tình hình kinh tế đã được cải thiện rất nhiều trong vòng 15 năm gần đây, đặc biệt dưới thời Kim Jong Un. Tình hình cải thiện này không chỉ dừng ở Bình Nhưỡng mà cả các vùng nông thôn đều được hưởng, dù sự thay đổi này càng khiến chênh lệch giầu-nghèo tăng thêm. Một căn hộ đẹp ở Bình Nhưỡng có giá hơn 100.000 euro!

Sự cải thiện kinh tế có nguồn gốc từ đâu?

Dưới thời nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành (1912-1944), mọi người được phân phối theo khẩu phần, thức ăn được phát miễn phí. Dưới thời Kim Jong Il (1941?-2011), rất nhiều người chết vì đói. Còn đến thời Kim Jong Un, đa số người dân không còn nhận khẩu phần nữa mà họ có thời cơ thật sự để kiếm tiền nuôi sống bản thân. Vì vậy, họ đánh giá cao nhà lãnh đạo trẻ. Ban đầu, Kim Jong Un cũng khiến mọi người nghi ngờ hay khó chịu, nhưng thời gian sau, ông ấy đã áp đặt được phong cách riêng.

Tuy nhiên, không nên đánh giá quá cao sự nổi tiếng của Kim Jong Un, tiếng tăm có thể bốc hơi một chốc một chiều như trường hợp ông Rumani Nicolae Ceausescu từ 1974-1989, năm ông bị xử tử. Ông từng là một trong số các nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất Đông Âu trong thời gian đầu làm chủ tịch nước, trước khi bị biến thành một nhà độc tài cộng sản đáng ghét nhất và bị căm ghét.

Các hành động trên phải chăng cho thấy Kim Jong Un đã chấp nhận nền kinh tế thị trường?

Kim Jong Un hoàn toàn có thể hủy các quyết định của mình bất kỳ lúc nào, nhưng cho đến nay, ông vẫn duy trì. Từ năm 2013, ông ấy đã cho thi hành một chính sách nông nghiệp mới: các nhóm nhỏ, thường là một hoặc hai gia đình, có thể làm việc trên cùng một cánh đồng (vẫn thuộc tài sản Nhà nước) và được giữ một phần thu hoạch. Khoảng 30% thu hoạch sẽ phải nộp cho Nhà nước.

Sau đó, đến năm 2014, Kim Jong Un đã sửa đổi hệ thống giám sát công nghiệp. Từ giờ, các công ty lớn có quyền mua những gì họ cần trên thị trường và bán đồ mà họ sản xuất theo giá do thị trường ấn định. Các công ty này có thể tuyển dụng, sa thải và trả lương, với mức lương tại một số doanh nghiệp thành công, cao hơn rất nhiều so với trước đây, khoảng 30-100 euro/tháng. Nếu anh là một doanh nhân tại Bắc Triều Tiên, chưa bao giờ cuộc sống của anh lại an toàn và thịnh vượng đến như vậy và cảnh sát không truy bắt anh.

Điều này cũng có nghĩa là chế độ kiểm soát dân chúng ngày càng khó khăn hơn? Liệu đây là một mối nguy hiểm hay mang lợi cho Bình Nhưỡng?

Cách đây 10 năm, có thể tôi sẽ trả lời đây là một vấn đề lớn đối với chế độ: thông qua thị trường, người ta học được những “điều nguy hiểm” về thế giới bên ngoài, về chế độ mà họ đang sống và họ trở thành “phản chế độ”.

Nhưng những người giầu có không muốn cách mạng. Bởi vì các cuộc nổi dậy tác động xấu đến việc kinh doanh và nhiều người trong số họ, trong đó có cả nhiều quan chức, biết rằng khả năng của họ sẽ trở nên lạc hậu trong một nền kinh tế thị trường bình thường. Họ biết lèo lái trong một nền kinh tế xám xịt và mù mịt.

Nếu chế độ sụp đổ, Bắc Triều Tiên sẽ thống nhất với Hàn Quốc và họ sẽ không có bất kỳ cơ hội nào để cạnh tranh được với miền Nam. Có thể hiểu là, Nhà nước Bắc Triều Tiên là vỏ bọc bảo vệ họ, giúp họ phát triển. Tầng lớp tư sản mới cần Nhà nước, cũng như các thành viên có thế lực của đảng.

Tầng lớp tư sản mới này có ủng hộ tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên không?

Họ có thể chỉ trích về chính phủ, nhưng họ yêu đất nước dù vẫn còn nghèo, nhưng nổi bật nhờ phát triển hạt nhân. Ngoài ra, nếu nhiều người cho rằng phát triển vũ khí nguyên tử rất tốn kém, còn họ lại thấy còn rẻ hơn và hiệu quả hơn so với việc duy trì vũ khí thông thường. Họ nghĩ rằng khi đã hoàn thành lực lượng tấn công bằng vũ khí hạt nhân, đất nước họ sẽ tập trung tiềm lực vào phát triển kinh tế.

Tại sao các cường quốc thế giới không thể ngăn được Bình Nhưỡng phát triển vũ khí nguyên tử?

Bình Nhưỡng nghĩ rằng nếu họ có loại vũ khí đó, họ sẽ không bị tấn công. Ví dụ trường hợp Libya, vào năm 2003, Mouammar Kadhafi chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy những lời hứa về lợi ích kinh tế, đây cũng là điều mà phương Tây đề xuất với Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, Kadhafi bị hạ sát năm 2011, nhiều người thân cận cũng chịu chung số phận.

Bình Nhưỡng cho rằng nếu họ có vũ khí nguyên tử, không một nước nào dám can thiệp vào tình hình lục đục nội bộ; như trường hợp Libya, nếu như lực lượng của Kadhafi tàn sát người bạo động thì họ có lẽ vẫn đang cầm quyền. Một trường hợp khác là bán đảo Crimée, trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ Budapest năm 1994, Ukraina nhận được lời hứa toàn vẹn lãnh thổ đổi lại việc từ bỏ kho hạt nhân thời Xô Viết. Kết quả là bán đảo Crimée của Ukraina bị Nga sáp nhập năm 2014.

Vậy mục tiêu để Bắc Triều Tiên phi hạt nhân hoá là điều không tưởng?

Một nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên không thể xem xét từ bỏ hạt nhân được, vì điều đó đồng nghĩa với việc chấp nhận cái chết. Đây không phải là sự ám ảnh, mà họ biết rằng không có hạt nhân, họ sẽ không còn nắm quyền. Khác với người cha, Kim Jong Un không tuyên bố từ bỏ một phần một cách tượng trưng mà còn có tham vọng đạt được phiên bản thu nhỏ như các cường quốc Mỹ, Nga, Pháp đã đạt được. Kim Jong Un muốn có đội tầu ngầm chiến lược được trang bị vũ khí và tên lửa xuyên lục địa, có nghĩa là một lực lượng quân sự thật sự.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã cố thuyết phục Kim Jong Un, nhưng không thành công? Có phải Bắc Kinh ngây thơ quá không?

Người Trung Quốc nắm rõ hệ thống Bắc Triều Tiên hơn bất kỳ ai, nhưng lại không hiểu rõ hoàn toàn. Vấn đề là nếu Trung Quốc thật sự gây sức ép bằng cách ngừng trao đổi thương mại, nền kinh tế Bắc Triều Tiên sẽ bị bóp nghẹt. Kết quả là nạn đói xảy ra trên diện rộng. Và sau khi có hàng trăm nghìn người chết sẽ là một cuộc nổi dậy. Điều này sẽ không xảy ra, vì nếu nền kinh tế Bắc Triều Tiên chỉ hơi chao đảo, Bắc Kinh sẽ ứng cứu tức thì. Trung Quốc chiếm đến 90% ngoại thương của Bắc Triều Tiên nhưng lại không thu được lợi nhuận kinh tế, vì người Bắc Triều Tiên rất mánh khoé lừa người nước ngoài. Năm 2012, Bình Nhưỡng đã cướp trắng một doanh nghiệp Trung Quốc, công ty Tích Dương (Xiyang). Công ty này đầu từ 40 triệu đô la vào một khu khai thác quặng sắt. Ngay khi công ty nước ngoài kiếm được tiền, Bắc Triều Tiên tìm cách tịch biên tài sản. Ngược lại, Trung Quốc đạt được quyền lợi chiến lược.

Tại sao Trung Quốc không “thả” chế độ Bình Nhưỡng?

Dường như, về quan điểm từ phía Trung Quốc, sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên là một mối bận tâm quan trọng. Trung Quốc miễn cưỡng chấp nhận một Bắc Triều Tiên có hạt nhân, vì nếu không phải vậy, chế độ Bình Nhưỡng sẽ sụp đổ hay hai miền thống nhất và nằm trong vòng kiểm soát của Hàn Quốc, nơi có đến 28.000 quân nhân Mỹ đồn trú.

Một Bắc Triều Tiên tỏ ra nguy hiểm, một Bắc Triều Tiên rơi vào nội chiến hay một Bắc Triều Tiên bị Hàn Quốc nuốt gọn, cả ba kịch bản này đều không có lợi cho Trung Quốc. Thế nhưng, nếu phải chọn, Bắc Kinh sẽ hướng theo kịch bản thứ nhất. Chế độ Bắc Triều Tiên cho rằng dù họ có làm gì thì Trung Quốc sẽ chấp nhận. Và chắc chắn là họ có lý.

Kim Jong Un đã thanh trừng hàng loạt trong vòng 5 năm cầm quyền. Ông ấy nhắm vào ai?

Phần lớn là cán bộ trong ngành an ninh, bị coi là các thành phần nguy hiểm vì họ đánh giá Kim Jong Un là một chàng trai béo tròn và không đề cao ông. Kim Jong Un đã khiến hệ thống quân sự đủ sợ để các tướng lĩnh không làm gì đe dọa đến quyền lực của mình. Nhưng Kim Jong Un không hề động đến các nhà quản lý kinh tế.

Các cá nhân trong chính quyền Bắc Triều Tiên nghi ngờ nhau đến mức nào?

Mức nghi kị nhau rất cao vì nếu anh muốn được thăng chức, có một cách rất đơn giản là loại một người ngáng đường: chỉ cần “mách” lại là người đó đã nói điều gì không phải, và người này sẽ bị trừ khử. Có bao nhiêu người đã bị hành quyết từ năm 1953? Người ta không biết, nhưng có thể là vài chục, thậm chí là vài trăm nghìn người.

Một số quan chức đã đào tẩu sang Hàn Quốc, trong đó có nhân vật số 2 của đại sứ Bắc Triều Tiên ở Luân Đôn. Đây có phải là một dấu hiệu không?

Liệu điều này có đủ làm lung lay chế độ không? Có thể, nhưng tôi không tin. Làn sóng đào tẩu này có thể đoán trước được, vì với loạt thanh trừng quan chức cao cấp thì hoàn toàn lô-gic là một số người, ở hàng ngũ thấp hơn, chọn cách bỏ trốn. Nếu người bảo hộ của anh là nạn nhân của vụ thanh trừng, thì anh hoàn toàn có thể là người tiếp theo. Nhà lãnh đạo trẻ khá mạnh tay vì từ những năm 1960, giới tinh hoa quân đội chưa gặp trường hợp này bao giờ. Thế nhưng, những người bình thường lại không trực tiếp bị nhắm đến.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.