Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - MIẾN ĐIỆN

Trung Quốc giúp Miến Điện tái lập trật tự ở biên giới

Trung Quốc ngỏ ý với Miến Điện ngày 30/11/2016 rằng hai nước có thể hợp tác để tái lập ổn định khu vực biên giới chung sau loạt tấn công của các nhóm người thiểu số có vũ trang nhắm vào lực lượng an ninh của Miến Điện. Hậu quả của những vụ giao tranh này là hàng nghìn người Miến Điến vượt biên sang Trung Quốc để lánh nạn.

Người dân Miến Điện xếp hàng chờ đi qua biên giới sang Trung Quốc ngày 02/11/2016.
Người dân Miến Điện xếp hàng chờ đi qua biên giới sang Trung Quốc ngày 02/11/2016. Thaung TUN / AFP
Quảng cáo

Tại buổi đón tiếp một phái đoàn Miến Điện, do chủ tịch Ủy ban Hòa bình Tin Myo Win dẫn đầu, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ quan ngại về tình hình tại khu vực biên ngày càng xấu đi và nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt mọi hành động quân sự và đàm phán để giải quyết xung đột.

Ông Vương Nghị nhấn mạnh : « Cả hai bên hoàn toàn có thể sử dụng kênh ngoại giao cấp cao và quân sự để hợp sức duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Miến Điện ».

Các cuộc tấn công xảy ra vào tháng 11/2016 là một cú giáng mạnh đối với nhà lãnh đạo Miến Điện. Bà Aung San Suu Kyi tìm cách thiết lập hòa bình với các tộc người thiểu số. Trong khi đó, Trung Quốc lo ngại về nguy cơ bạo lực ở miền bắc Miến Điện sẽ tác động đến khu vực biên giới của nước này, như từng xảy ra vào năm 2015, với 5 người Trung Quốc thiệt mạng, đồng thời khiến hàng nghìn người chạy sang Trung Quốc.

Vì vậy, ngoại trưởng Vương Nghị bày tỏ sự ủng hộ tiến trình hòa bình tại Miến Điện, đồng thời khẳng định : « Theo đúng mong muốn của Miến Điện và điều kiện tiên quyết là không can thiệp vào nội bộ Miến Điện, Trung Quốc đã sẵn sàng đóng vai trò hợp tác trong vấn đề này ».

Theo ngoại trưởng Vương Nghị, ông Tin Myo Win cho biết Miến Điện hiểu rõ quan ngại của Trung quốc và hy vọng sự hỗ trợ của Bắc Kinh sẽ giúp cải thiện tình hình.

Chính phủ Miến Điện đang phải đối mặt với các cuộc xung đột bỗng bùng phát ở bang Rakhine, ở tây bắc nước này, khiến hàng nghìn người Rohingya theo Hồi Giáo phải chạy sang Bangladesh. Đây cũng là một thách thức mới đối với giải Nobel Hòa Bình, bà Aung San Suu Kyi, người từng hứa hòa giải dân tộc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.