Vào nội dung chính
ĐÀI LOAN - TỘI PHẠM

Trung Quốc nổi giận với mạng lưới lừa đảo của Đài Loan

Được thiết lập trên khắp thế giới, mạng lưới lừa đảo qua điện thoại người Đài Loan đã đánh cắp hàng tỉ đô la từ các nạn nhân trong nhiều năm qua. Theo AFP ngày 30/10/2016, Bắc Kinh đang giận dữ đòi « xử lý » những kẻ lừa đảo này và yêu cầu trục xuất về Trung Quốc, dù người đó là công dân Đài Loan.

Cảnh sát áp giải một nhóm người bị buộc tội lừa đảo về Trung Quốc, sau khi bị trục xuất khỏi Kenya. Ảnh chụp ngày 13/04/2016 tại sân bay Bắc Kinh
Cảnh sát áp giải một nhóm người bị buộc tội lừa đảo về Trung Quốc, sau khi bị trục xuất khỏi Kenya. Ảnh chụp ngày 13/04/2016 tại sân bay Bắc Kinh REUTERS/Yin Gang/Xinhua
Quảng cáo

Mạng lưới tội phạm có đến vài nghìn người, chủ yếu là người Đài Loan và cũng có người Trung Quốc. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2016 đã có khoảng 10.600 vụ lừa đảo qua điện thoại. Trong vòng hai năm trở lại đây, số vụ lừa đảo đã tăng lên gấp đôi. Những kẻ tội phạm còn đánh cắp dữ liệu từ các ứng dụng tin nhắn, chat online, để giả vờ là một người bạn của nạn nhân và sau đó bòn rút các phiếu mua hàng.

Tuy nhiên, thủ đoạn được dùng thường xuyên là giả vờ làm cảnh sát, gọi điện cho nạn nhân để thu thập thông tin về thẻ tín dụng hay đóng vai là biện lý để yêu cầu truy cập vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Rất nhiều nạn nhân bị mắc lừa đã chuyển hết tiền tiết kiệm cho những kẻ lừa đảo.

Theo Văn phòng các Vụ việc Đài Loan của Trung Quốc, thiệt hại có thể lên đến 1,5 tỉ đô la mỗi năm tại châu Á. Từ năm 2011, hơn 2.000 nghi phạm Đài Loan đã bị bắt ở 15 nước.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có thể được giải thích một phần vì giới trẻ Đài Loan đang phải đối mặt với nền kinh tế trì trệ và thiếu việc làm. Theo ông Trương Học Hải (Zhang Xue Hai), giám đốc một hiệp hội tư vấn luật pháp cho những người Đài Loan bị bắt ở Thái Lan, họ là những thanh niên bị lừa, điện thoại và hộ chiếu bị giữ. Ông cho biết : « Có khoảng 20 người không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp đại học và được bạn bè giới thiệu qua Thái Lan với hy vọng tìm được một công việc thật sự ».

Còn theo cảnh sát, những kẻ lừa đảo thường hoạt động theo nhóm nhỏ và tuyển người qua các mối quan hệ chồng chéo, trong đó chủ yếu là người thất nghiệp.

Một thanh niên Đài Loan 27 tuổi bị dẫn độ từ Kenya về Trung Quốc vào tháng 04/2016 giải thích làm việc này chỉ để kiếm tiền và « muốn con của mình có một cuộc sống tốt hơn ». « Thú nhận » trên truyền hình Đài Loan, người này cho biết đã kiếm được 8.000 đô la ở Kenya.

Đài Loan vừa tăng cường một đạo luật cho phép truy tố người phạm tội ở nước ngoài. Cảnh sát cũng tăng cường kiểm soát người Đài Loan ra nước ngoài, với kết quả mới nhất là bắt giữ 19 công dân ở Philippines vào tháng 11/2016.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.