Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trung Quốc kết án tù treo ba nhà bảo vệ quyền người lao động

Ba nhà bảo vệ quyền lợi của người lao động đã bị tư pháp Trung Quốc kết án lần lượt từ 2 đến 4 năm tù và được hưởng án treo. Theo Tân Hoa Xã ngày 27/09/2016, họ bị cáo buộc tổ chức các cuộc biểu tình « gây rối trật tự xã hội ».

Ông Tăng Phi Dương (Zeng Feiyang), bị giam giữ ngày 04/12/2015
Ông Tăng Phi Dương (Zeng Feiyang), bị giam giữ ngày 04/12/2015 @China Labour Bulletin
Quảng cáo

Ông Tăng Phi Dương (Zeng Feiyang), giám đốc một trung tâm trợ giúp người lao động đến từ các vùng nông thôn, bị kết án 4 năm tù treo. Hai cộng tác viên là Thang Hoan Hưng (Tang Huanxing) và Chu Tiểu Mai (Zhu Xiaomei) bị kết án hai năm tù treo.

Ba nhà hoạt động này đã giúp người lao động ở tỉnh Quảng Đông (Guandong), được coi là « công xưởng của thế giới », đòi lương khi xảy ra tranh chấp với giới chủ. Nhưng tòa án nhân dân quận Phiên Ngung (Panyu), nằm ở ngoại ô thành phố Quảng Châu, đã kết tội họ « phớt lờ luật pháp và tổ chức các cuộc tập hợp gây rối trật tự công cộng ».

Theo Tân Hoa Xã, ba nhà đấu tranh trên bị bắt vào cuối năm 2015 và bị kết án song không định kháng án. Vẫn theo hãng thông tấn nhà nước, trong vòng nhiều năm, ông Tăng Phi Dương có thể đã thu về hơn 5 triệu nhân dân tệ (khoảng 660.000 euro) từ các tổ chức và sứ quán nước ngoài.

Tại phiên xét xử, được Tân Hoa Xã trích dẫn, bị cáo chính khai đã « chấp nhận được đào tạo và được trả tiền bởi các tổ chức nước ngoài thù nghịch với Trung Quốc và theo yêu cầu của họ, ông đã xúi giục người lao động bảo vệ quyền lợi của họ một cách cực đoan đồng thời tổ chức một cuộc biểu tình cho họ ». Ông nói : « Tôi hy vọng những người khác sẽ rút ra bài học kinh nghiệm và không để bị các tổ chức như vậy lạm dụng ».

Vẫn theo Tân Hoa Xã, bị cáo Thang Hoan Hưng thừa nhận : « Chúng tôi ra vẻ đấu tranh để bảo vệ quyền của công nhân, nhưng thực chất, mục đích là tăng sức ảnh hưởng của chúng tôi, đặc biệt là ở nước ngoài ».

Bà Chu Tiểu Mại từng được vinh danh đầu năm 2015 vì đã giúp đỡ hàng chục nghìn người lao động làm việc tại nhà máy giầy Lide, ở Phiên Ngung, tổ chức một cuộc đình công lớn để đòi được trả lương.

Do sợ phong trào công nhân lan rộng, đảng Cộng Sản Trung Quốc chỉ cho phép một nghiệp đoàn chính thức và mọi hoạt động của tổ chức này đều bị chính quyền kiểm soát nghiêm ngặt, gần như đứng về phía giới lãnh đạo doanh nghiệp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.