Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - NGƯỜI ROHINGYA

Mỹ và Miến Điện bất đồng về hồ sơ Rohingya

Ngày 14/09/2016, tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tiếp ngoại trưởng Mỹ Miến Điện Aung San Suu Kyi, một nhân vật từng là biểu tượng đấu tranh dân chủ nay trở thành lãnh đạo của một quốc gia đang chuyển biến nhanh chóng. Nhưng hồ sơ người Rohingya vẫn là một trong những điểm gây bất hòa giữa hai nước.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và cố vấn Nhà Nước Miến Điện Aung San Suu Kyi tại thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ, Vientiane, Lào, ngày 08/09/2016.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và cố vấn Nhà Nước Miến Điện Aung San Suu Kyi tại thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ, Vientiane, Lào, ngày 08/09/2016. REUTERS/Jorge Silva
Quảng cáo

Ông Obama và bà Aung San Suu Kyi, cả hai đều là Giải Nobel Hòa bình, đã từng gặp nhau vào cuối năm 2014 khi tổng thống Hoa Kỳ đến thăm Miến Điện. Nhưng lúc ấy bà Aung San Suu Kyi còn là lãnh đạo phe đối lập, còn bây giờ bà gặp lại tổng thống Obama với tư cách ngoại trưởng, kiêm cố vấn đặc biệt của Nhà nước, một chức vụ giúp cho bà lãnh đạo chính phủ Miến Điện, tuy Hiến Pháp không cho bà làm tổng thống.

Đảng của bà Aung San Suu Kyi, Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ, đã lên nắm quyền sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc Hội tháng 11/2015, cuộc bầu cử tự do đầu tiên từ nhiều thập niên qua ở Miến Điện.

Cuộc bầu cử này cho thấy là sau bao nhiên năm bị cô lập trên trường quốc tế, Miến Điện đã thay đổi dân chủ một cách vô cùng ngoạn mục. Như cố vấn của tổng thống Mỹ, ông Ben Rhodes, đã nhấn mạnh ngày 13/09 khi trả lời hãng tin AFP, vào lúc ông Obama lên nắm quyền vào năm 2009, không ai dám nghĩ là Miến Điện lại dân chủ hóa như thế.

Sau cuộc bầu cử tự do tháng 11/2015, Hoa Kỳ đã giảm nhẹ hơn nữa các biện pháp trừng phạt Miến Điện, được ban hành từ năm 1990. Tuy nhiên, Washington vẫn còn duy trì một số biện pháp trừng phạt.

Trong một quốc gia mà quân đội còn nắm trong tay nhiều quyền lợi kinh tế và còn ảnh hưởng chính trị rất lớn, Hoa Kỳ phải cố duy trì sự cân bằng : Một mặt phải chứng tỏ rằng tiến trình dân chủ hóa của Miến Điện chưa hoàn tất, nhưng mặt khác phải làm sao cho các biện pháp trừng phạt không cản trở những đầu tư có thể giúp cải thiện đời sống thường ngày của người dân nước này.

Chính quyền Mỹ đã nói rõ là quyết định về việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt cuối cùng chỉ có thể được đưa ra với sự cộng tác chặt chẽ của bà Aung San Suu Kyi. Nhưng một trong những vấn đề vẫn còn gây bất hòa giữa Hoa Kỳ với Miến Điện là tình hình cộng đồng thiểu số người Rohingya Hồi Giáo. Từ sau các vụ bạo động đẫm máu do những người Phật Giáo cực đoan gây ra năm 2012, hàng chục ngàn người Rohingya nay vẫn còn sống trong các lán trại tạm bợ, chưa thể trở về làng quê của họ. Họ vẫn không được tự do đi lại, không có việc làm và con cái thì không được học hành. Tuy người Rohingya đã sống ở Miến Điện từ nhiều thập niên qua, họ vẫn bị xem là dân nhập cư trái phép từ nước Bangladesh láng giềng.

Chính quyền Miến Điện gần đây đã bổ nhiệm cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đứng đầu một ủy ban đặc trách về hồ sơ nhạy cảm này. Ông Annan đã gặp bà Aung San Suu Kyi vào đầu tháng 9 tại Rangoon. Vấn đề là cựu lãnh đạo phe đối lập cho tới nay vẫn bị quốc tế, thậm chí những người ủng hộ bà, chỉ trích là không hề lên tiếng về hồ sơ này.

Như vậy, cách giải quyết vấn đề người Rohingya sẽ chứng tỏ bà Aung San Suu Kyi có thật sự là một lãnh đạo chính trị biết vượt lên trên những xung khắc tôn giáo và sắc tộc hay không. Đây sẽ là một thách đố lớn lao đối với cựu lãnh đạo đối lập Miến Điện, nhất là vì những người Phật Giáo dân tộc chủ nghĩa cực đoan không chấp nhận việc ông Kofi Annan đứng đầu ủy ban đặc trách về hồ sơ Rohingya.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.