Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG - TRUNG QUỐC - QUÂN SỰ

Trung Quốc rút tên lửa HQ-9 khỏi Hoàng Sa

Theo trang mạng Janes.com (IHS Jane’s 360), chuyên về các tin tức an ninh - quốc phòng, có trụ sở tại Luân Đôn, nhiều hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã rút tổ hợp tên lửa đất đối không HQ-9 ra khỏi đảo Phú Lâm (Woody Island), quần đảo Hoàng Sa.

Tên lửa Hồng Kỳ (HQ-9) được phô trương tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào năm 2009. Ảnh minh họa
Tên lửa Hồng Kỳ (HQ-9) được phô trương tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào năm 2009. Ảnh minh họa Jian Kang - Wikipedia
Quảng cáo

Trang mạng Janes.com, ngày 21/07/2016, dựa trên các hình ảnh vệ tinh thu thập được vào ngày 10/07, cho rằngtổ hợp tên lửa HQ-9 đã được đưa về Hoa lục trên một tàu chiến. Theo hình ảnh vệ tinh của công ty không gian châu Âu Airbus Defence and Space, tổ hợp tên lửa HQ-9 đã rời khỏi vị trí bờ bắc đảo Phú Lâm trùng với thời điểm quân đội Trung Quốc kết thúc cuộc tập trận tại khu vực Hoàng Sa. Cuộc tập trận kéo dài một tuần lễ, ngay trước khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết về vụ Manila kiện Bắc Kinh về Biển Đông (ngày 12/07/2016).

Hình ảnh chụp được vào ngày 08/07 cho thấy nhiều bộ phận của tổ hợp tên lửa đã được tháo rời và được ngụy trang. Riêng ba xe phóng tên lửa TEL và một radar trinh sát loại 305A thì không được che phủ. Theo hình ảnh của ngày hôm sau, 09/07, một đoàn xe ắt hẳn có các xe phóng tên lửa TEL của tổ hợp HQ-9 có mặt trên đoạn đường dẫn đến cảng phía nam của đảo Phú Lâm.

Theo trang mạng quốc phòng Janes.com, rất có thể Trung Quốc đưa tổ hợp HQ-9 về đất liền để bảo trì.

Tổ hợp tên lửa HQ-9, có tầm bắn 200 km, được Trung Quốc bố trí tại Hoàng Sa kể từ đầu tháng 2/2016. Theo nhiều nhà quan sát, cùng với việc bồi đắp trên quy mô rất lớn nhiều đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, việc Bắc Kinh đưa HQ-9 đến Phú Lâm, Hoàng Sa, là bằng chứng mới về nỗ lực « quân sự hóa » các thực thể địa lý mà Trung Quốc chiếm đóng tại Biển Đông, khiến tình hình trong khu vực thêm căng thẳng.

Quần đảo Hoàng Sa là vùng lãnh thổ mà Việt Nam đòi hỏi chủ quyền. Trung Quốc kiểm soát toàn bộ quần đảo này từ năm 1974, sau một trận tấn công bất ngờ nhắm vào hải quân Việt Nam Cộng Hòa và lực lượng đồn trú tại quần đảo này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.