Vào nội dung chính

Trò ‘tự kiểm’ trên truyền hình Trung Quốc: Công lý kiểu Tập Cận Bình ?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang khai thác các màn « tự thú, tự phê » trước ống kính truyền hình, để chứng minh với công luận là tư pháp của Trung Quốc rất « công minh ». Theo Le Figaro, ngày 04/02/2016, Bắc Kinh muốn xoa dịu những nối bất bình trong công luận.

Logo kênh truyền hình Trung Quốc CCTV-9
Logo kênh truyền hình Trung Quốc CCTV-9 Reuters/路透社
Quảng cáo

Thông tín viên của tờ báo tại Bắc Kinh, Patrick Saint- Paul nhắc lại, gần đây khán giả Trung Quốc đã trông thấy con trai của tài từ Thành Long (Jackie Chan) lên đài truyền hình xin lỗi « cả nước » vì thói nghiện xì- ke. Rồi một cô diễn viên thành danh nhờ mạng internet, trước ống kính truyền hình, hối hận « sâu sắc » vì đã ăn mặc kém nghiêm chỉnh và khoe mình trước một chiếc xe hơi đắt tiền.

Lại cũng trên đài truyền hình, người ta đã trông thấy một nhà báo chuyên về tài chính Trung Quốc thú tội « đã gây hoảng loạn trên các sàn chứng khoán » hồi mùa hè 2015. « Hành động vô ý thức đó đã gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn » cho kinh tế nước nhà.

Gần đây nhất tới lượt chủ hiệu sách Hồng Kông Quế Dân Hải (Gui Minhai) trước ống kính camera cúi mặt, hối lỗi trước một vụ tai nạn xe cộ gây tử vong mà ông là tác giả. Vụ việc đã diễn ra 11 năm trước đây nhưng ông phải trình diện tư pháp vì bị « lương tâm cắn rứt ».

Các màn tự thú kiểu này được « mở rộng tới » cả các công dân nước ngoài. Ông Quế Dân Hải mang quốc tịch Thụy Điển.

Đài truyền hình hay phòng xưng tội ?

Hàng trăm triệu khán giả Trung Quốc chứng kiến những màn tự thú, tự phê thống thiết đó. Le Figaro coi đây là « vũ khí mới » của ông Tập Cận Bình để đánh lạc hướng công luận : lãnh đạo Trung Quốc muốn chứng minh rằng đất nước rộng lớn này trong tay ông được cai trị một cách rất « kỷ cương ». Đồng thời, những ai « tự giác » nhìn nhận lỗi lầm thì cũng có hy vọng được khoan hồng.

Điều mà tờ báo gọi là « công lý theo cách diễn giải của Tập Cận Bình ». Trong mô hình đó, đài truyền hình trở thành những cái « phòng xưng tội ». Thông tín viên của báo Le Figaro không ngần ngại gọi những màn tự thú kiểu này là « chương trình truyền hình thực tế ».

TV, áo mới cho « phong tục » từ ngàn xưa

Thực ra theo như đánh giá của tờ báo, những cảnh dàn dựng, những màn tự thú, tự kiểm được phơi bày ra trước công chúng kiểu này không có gì mới mẻ. Ông Tập Cận Bình chỉ « làm sống lại » truyền thống đã có từ thời đại phong kiến và truyền thống đó đã « lên đến đỉnh cao » dưới thời Mao Trạch Đông. Đài truyền hình giờ đây chỉ khoác lên truyền thống đó một lớp vỏ bọc mới.

Từ khi lên cầm quyền, ông Tập có khuynh hứng tập trung quyền lực vào trong tay. Trong ba năm qua, ông ngồi ở chiếc ghế quyền lực cao chót vót, hàng chục nhân vật tên tuổi đã phải ra thú tội trước ống kích truyền hình. Giới luật gia là mục tiêu đặc biệt được chủ tịch Trung Quốc chiếu cố. Hơn một chục người bị tống giam chỉ nội trong tháng 1/2016.

Bài viết trên tờ Le Figaro kết thúc bằng một điểm son : chiêu bài này của ông Tập không đánh lừa được tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc. Trên mạng xã hội, có người mỉa mai : Trung Quốc không còn cần đến tòa án, và công luận có thể tin rằng đài truyền hình nhà nước CCTV là một bằng chứng bảo đảm rằng Trung Quốc là một nhà nước pháp quyền ?

Cũng báo Le Figaro có bài viết thứ nhì thú vị không kém, nói về một viện bảo tàng mới mở cửa ở Bắc Kinh. Đặc điểm của bảo tàng này là chuyên dành để trưng bày những « công cụ pháp lý » từng được dùng trong các phiên tòa xét xử những « cán bộ cao cấp của đảng Cộng sản Trung Quốc ». Trong số đó có những tên tuổi như cựu trùm Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, cựu lãnh đạo Trùng Khánh Bạc Hy Lai.

Kinh tế : Cuba đang đi tìm một mô hình mới

Nhìn sang Cuba, một quốc gia cộng sản khác : báo Les Echos nhận định, « kinh tế sẽ là chủ đề chính của Đại hội Đảng Cộng sản Cuba » lần thứ 7 diễn ra vào tháng 4/2016.

Không như Trung Quốc, cũng không như Việt Nam, Cuba sẽ tự tìm cho mình một mô hình phát triển mới trong tiến trình chuyển đổi từ một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sang kinh tế thị trường. Vừa sang trang những năm tháng bị quốc tế cô lập, bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Cuba, Rodrigo Malmierca Diaz tuyên bố ý định rất rõ ràng của La Habana : Từng bị Tây Ban Nha đô hộ, bị đặt dưới trướng của Hoa Kỳ, tiếp theo đó là một thời gian dài bị cô lập. Trong giai đoạn khó khăn đó Cuba đã được Liên Xô giup đỡ. Giờ đây « Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ La Tinh là những điểm tựa của Cuba. La Habana sẽ không đóng cửa khi các tập đoàn Mỹ đầu tư vào nhưng Cuba sẽ duy trì một thế cân bằng ».

Bộ trưởng Thương mại và đầu tư Cuba nói một cách ví von : quốc gia này nuốn « lái con tàu kinh tế như người ta lái xe hơi, tức là lái xe và tôn trọng luật giao thông ». Nói cách khác, tiến trình chuyển đổi của mô hình kinh tế Cuba sẽ đi từng bước và mô hình đó xoay quanh trên hai trục : Cuba vẫn sẽ là một nền kinh tế « kế hoạch hoá » và ở đó, các « tập đoàn nhà nước vẫn đóng một vai trò chủ đạo ». Có điều, La Habana trên cả hai vế này đều phải tuân thủ logic kinh tế, tức là phải làm ăn có hiệu quả và đem lại lợi nhuận.

Nhập cư Châu Âu : 300 đứa trẻ chết trong 5 tháng

Hồ sơ nhập cư tại Châu Âu một lần nữa lại chiếm rất nhiều các trang báo trong ngày. Libération thiên tả dành hai trang để nói về cử chỉ đầy tình người của dân cư đảo Lesbos-Hy Lạp, trước các làn sóng người nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ tràn vào. Điều bất công là Liên Hiệp Châu Âu giàu có, chẳng những đã không tiếp tay với Hy Lạp mà còn cứng giọng dọa trục xuất Athens khỏi khu tự do đi lại Schengen.

Tờ Le Monde chạy hàng tựa trên trang nhất : « Người tị nạn : 300 đứa trẻ chết trên Địa Trung Hải trong vòng 5 tháng ». Ở trong phần trang văn hóa, cũng tờ báo này chụp bức ảnh đen trắng, trong đó nghệ sĩ Trung Quốc Ngải Vị Vị nằm úp mặt trên bãi biển của đảo Lesbos, trong tư thế như cậu bé người Syria Aylan Kurdi.

Sáng kiến của ông Ngải Vị Vị nhằm thức tỉnh công luận. Bởi vì mọi người còn nhớ, tháng 9/2015 xác của Aylan trôi vào bãi biển Lesbos và hình ảnh một đứa trẻ chết còng queo trên con đường đi tìm sự sống đã làm cả thế giới xúc động.

Sau bức ảnh gây sốc đó, Liên Hiệp Châu Âu đã họp khẩn để giải quyết thảm cảnh của người nhập cư. Các lãnh đạo Châu Âu đã đưa ra rất nhiều những tuyên bố, những quyết tâm.

Nhưng rồi : « Quốc tế đã làm gì từ đó tới nay ? Từ bức ảnh về cái chết thảm khốc của cậu bé Aylan tới giờ, 5 tháng đã trôi qua. Thực tế phũ phàng là Địa Trung Hải đã cướp đi sinh mạng của 304 đứa trẻ khác ».

Dửng dưng trước thảm cảnh nhân đạo đó, nhiều tờ báo như Le Figaro và Les Echos cùng xoáy vào câu hỏi : Châu Âu cần bao nhiêu tiền để đóng cửa không gian tự do đi lại Shengen ? Đóng cửa khu tự do đi lại đó, thì kinh tế của Châu Âu thiệt hại những gì ? Báo công giáo La Croix đưa ra con số cụ thể : đóng cửa không gian Shengen, Pháp tốn hết 10 tỷ euro. Le Monde cho rằng 3 % tổng sản phẩm nội địa Pháp sẽ không cánh mà bay.

Châu Mỹ La Tinh tuyên chiến với virus Zika

Thời sự y tế vẫn tập trung để nói về hiểm họa virus Zika : « Châu Mỹ La Tinh tuyên chiến với virus Zika », tựa của báo Les Echos, khi 14 bộ trưởng Y tế của châu lục này họp khẩn tại Montevideo-Uruguay.

Trang Khoa học báo Le Figaro khẳng định : kẻ thù số 1 vẫn là loài muỗi vằn, cho dù đã phát hiện một vài trường hợp lây nhiễm từ người sang người qua đường tình dục. La Croix bồi thêm : « Kênh lây nhiễm này trước mắt không gây lo ngại ». Đáng chú ý là trường hợp của những bà mẹ đang mang thai.

Hiện có khoảng 20 phụ nữ đang mang thai tại các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp là Martinique và Guyane đã bị lây nhiễm.

Cũng trong lĩnh vực y tế, vào lúc mà 26 quốc gia trên thế giới đang phải đương đầu với loại muỗi độc gây ra virus Zika, thì Libération chú ý đến ung thư một căn bệnh hiểm nghèo khác. Tờ báo dóng tiếng chuông báo động : giá thuốc điều trị tăng tới mức chóng mặt trên toàn thế giới. Libération chơi chữ : « Sốt giá thuốc chống cancer » trước khi đưa ra vài con số tiêu biểu : Năm 2004 tiền thuốc trên thế giới để đẩy lui căn bệnh hiểm nghèo này là 24 tỷ đô la ; năm 2008 khoản chi phí đó tăng lên thành 40 tỷ và năm 2014 là 80 tỷ đô la.

Tờ báo quy trách nhiệm cho các đại tập đoàn dược phẩm của thế giới, tận dụng cơ hội để làm giàu.

Pháp mệt mỏi với tranh cãi về việc « tước quốc tịch »

Hồ sơ này đã được nhắc tới gần như hàng ngày từ 2 tháng nay, kể từ khi tổng thống Pháp François Hollande trịnh trọng thông báo trước Quốc hội lưỡng viện được triệu tập bất thường vài ngày sau loạt khủng bố Paris, 13 tháng 11/2015.

Báo thân hữu Le Figaro tiếc là bên hành pháp đã liên tục « trống đánh xuôi kèn thổi ngược ». « Cả hai cánh tả hữu cùng bị chia rẽ » sâu rộng. Libération thiên tả cũng quá mệt mỏi với hồ sơ này. « STOP » là vỏn vẹn 4 chữ cái được in thật to trên trang nhất của tờ báo trước khi giải thích một cách đơn giản : dự luật sửa đổi Hiến pháp, hợp thức hóa thủ tục tước quốc tịch bắt đầu làm tất cả mọi người chán ngán.

Dù chỉ là một biện pháp mang tính biểu tượng và chẳng có hiệu quả gì, nhưng sáng kiến đó cũng đã bắt đầu làm « thối rữa » các cuộc tranh luận và tệ hơn nữa là càng nói, càng đi sâu vào vấn đề, thì mọi người lại càng « rối mù ».

Bên cánh tả thì không muốn giải pháp tước quốc tịch để chống khủng bố. Còn bên cánh hữu, thì dù tuyên bố ủng hộ « biện pháp cứng rắn của tổng thống Hollande, nhưng chắc chắn là không ai trong hàng ngũ của đảng đối lập sẽ nhượng bộ để ông Hollande giành lấy phần thắng » trên hồ sơ này.

Nói cách khác Libération thiên tả cũng không thể bênh vực cho ông Hollande khi cho rằng : Tổng thống François Hollande tự mình tung ra một cái bẫy và chính ông sẽ là nạn nhân đầu tiên rơi vào chiếc bẫy đó !

Linda Lê và sách mới « Roman »

Tin giành riêng cho thính giả của RFI tại Paris yêu thích đọc sách : tối ngày 04/02/2016, nhà văn nữ người Việt, Linda Lê hội ngộ với độc giả của bà tại hiệu sách Les Cahiers de Colette, Paris quận 4, từ 6 giờ chiều. Tại đây, Linda Lê sẽ ký sách đề tặng và giới thiệu cuốn tiểu thuyết mới nhất của mình mang tên Roman. Roman là tên của một trong ba nhân vật chính trong truyện.

Libération đã có dịp giới thiệu tác phẩm này trong ấn bản ngày 06/01/2016. Tờ báo phê bình : Cuốn tiểu thuyết mới nhất này của Linda Lê đã « kết nối văn học với tâm tình của những con người xa xứ ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.