Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Miến Điện kéo dài tình trạng khẩn cấp tại Kokang

Trước cuộc bầu cử quan trọng vào tháng 11, hôm nay 19/08/2015, Miến Điện quyết định triển hạn thêm ba tháng tình trạng khẩn cấp tại khu vực của người thiểu số Kokang, ở miền đông bắc, giáp giới với Trung Quốc. Theo các nhà quan sát, một thỏa thuận hòa bình giữa chính quyền với các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số khó đạt được trước bầu cử.

Chiến sự tại vùng Kokang đã khiến cư dân địa phương phải đi lánh nạn, ruộng đất bị bỏ hoang - REUTERS /Wong Campion
Chiến sự tại vùng Kokang đã khiến cư dân địa phương phải đi lánh nạn, ruộng đất bị bỏ hoang - REUTERS /Wong Campion
Quảng cáo

Truyền thông chính thức của Miến Điện thông báo quân đội sẽ tiếp tục kiểm soát khu vực miền đông bắc thêm ba tháng, sau khi lệnh giới nghiêm cũ hết hạn vào ngày thứ Hai, 17/08. Theo tờ báo thân chính quyền New Light of Myanmar, tình hình khu vực Kokang hiện tại « chưa trở lại bình thường về phương diện hành chính, an ninh, ổn định và sự thượng tôn pháp luật ».

Chiến sự bùng phát tại khu vực của người Kokang, gốc Hoa, hồi tháng 2/2015, khiến hàng chục nghìn người phải đi lánh nạn, gây khủng hoảng quan hệ Miến Điện - Trung Quốc, khi quân đội Miến Điện thả bom vào lãnh thổ Trung Quốc, khiến nhiều thường dân thiệt mạng.

Đàm phán giữa chính quyền Thein Sein và lực lượng vũ trang các sắc tộc thiểu số ngày 07/08, với hy vọng đi đến một thỏa thuận lịch sử, đã rơi vào bế tắc. Hồi tháng 3/2015, chính quyền trung ương từng đạt được một dự thảo thỏa thuận với hơn 10 nhóm sắc tộc.

Nguồn gốc của thất bại này, theo các nhà quan sát là việc chính phủ Miến Điện bác bỏ yêu cầu đưa vào dự án thỏa thuận một số nhóm thiểu số, trong đó có lực lượng Quân đội Liên minh dân chủ các dân tộc Miến Điện (MNDAA) của người Kokang, quân đội Arakan (bang Rakhin) và Quân đội giải phóng quốc gia Ta’ang (TNLA), một sắc tộc nói tiếng Môn-Khmer miền đông bắc, hoạt động cũng tại vùng Kokang (bang Shan).

Dự kiến trong những tuần tới sẽ có một cuộc họp mới để nối lại đàm phán, nhưng theo các nhà quan sát, thời gian không còn nhiều trước một cuộc tổng tuyển cử, có thể làm thay đổi sâu sắc diện mạo chính trị Miến Điện.

Theo Reuters, thứ Sáu tới, các nhóm vũ trang sắc tộc sẽ họp tại Chiang Mai, Thái Lan, để thảo luận về bước hành động tiếp theo.

Mới đây, báo cáo viên Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, Yanghee Lee, bày tỏ lo ngại hàng nghìn cử tri tại các vùng xung đột bị tước quyền bầu cử. Bà Yanghee Lee kêu gọi minh bạch trong bầu cử, và việc đi bầu tại vùng xung đột nên hủy bỏ vì lý do an ninh.

Cộng đồng thiểu số Kokang có quan hệ mật thiết với Trung Quốc : người Kokang nói một phương ngữ Hoa, đồng yuan được sử dụng phổ biến. Lực lượng vũ trang Kokang được hình thành từ một nhánh của phong trào du kích thuộc đảng Cộng sản Miến Điện trước đây, được Bắc Kinh hậu thuẫn, cho đến khi bị chính quyền Miến Điện đánh tan vào năm 1989.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.