Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Một phóng viên ảnh Miến Điện bị bắt vì chế nhạo giới tướng lãnh

Tại Miến Điện, chỉ trích giới tướng lãnh là một công việc nguy hiểm. Một phóng viên nhiếp ảnh tự do ở miền Trung nước này vừa bị bắt giữ vào hôm qua, 27/02/2015 vì đã công bố trên trang Facebook ảnh châm biếm các tướng lãnh Miến Điện.

Phóng viên ảnh  Aung Myo Nay  (Trên Facebook của  Aung Myo Nay).
Phóng viên ảnh Aung Myo Nay (Trên Facebook của Aung Myo Nay).
Quảng cáo

Theo tiết lộ của thân nhân người bị bắt với hãng tin Pháp AFP vào hôm nay, phóng viên nhiếp ảnh Aung Myo Nay, 37 tuổi, đã bị bắt giữ tại nhà riêng ở thị trấn Monywa, vùng Sagaing, miền Trung Miến Điện vào sáng sớm hôm qua.

Các nhân viên an ninh đã viện cớ truy tìm ma túy để lục soát nơi làm việc của Aung Myo Nay, nhưng sau khi không tìm được gì, đã tịch thu nhiều vật dụng như nhật ký, máy tính xách tay, thẻ nhớ…

Aung Nay Myo sau đó đã bị giải đến nhà tù Monywa, và bị truy tố chiếu theo một điều khoản khẩn cấp khiến ông không thể xin tại ngoại hầu tra. Tội danh gán nghép cho phóng viên này có thể khiến ông bị án 7 năm tù. 

Một thư khiếu tố của cơ quan Cảnh sát Đặc biệt mà AFP đọc được, đã buộc tội phóng viên nhiếp ảnh này và một nhóm người khác là tìm cách bôi nhọ uy tín của chính phủ.

Tang chứng là một poster quảng cáo cho một bộ phim về một trận đánh khốc liệt vào đầu những năm 1970 giữa quân đội Miến Điện và phiến quân bang Shan ở miền Đông. Khuôn mặt của các diễn viên đã được thay thế bằng một số quan chức chính phủ và quân sự cao cấp, trong đó có đương kim Tư lệnh Quân đội Miến Điện Min Aung Hlaing, Chủ tịch Quốc hội Shwe Mann, Bộ trưởng thông tin Ye Htut và tu sĩ Phật giáo dân tộc chủ nghĩa cực đoan Wirathu.

Cựu lãnh đạo tập đoàn quân phiệt Miến Điện Than Shwe và Tổng thống hiện thời Thein Sein cũng có tên trên tấm poster châm biếm, với tên của bộ phim đã được sửa đổi theo kiểu chơi chữ tục tĩu.

Sau nhiều thập kỷ cai trị Miến Điện bằng bàn tay sắt, tập đoàn quân sự Miến Điện đã nhường chỗ cho một chính quyền dân sự trong năm 2011, mở ra một kỷ nguyên cởi mở hơn về chính trị. 

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, cộng đồng quốc tế ngày càng quan ngại trước các dấu hiệu thụt lùi tại Miến Điện trong lĩnh vực chuyển đổi dân chủ, nhất là trong địa hạt nhân quyền và tự do báo chí.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.