Vào nội dung chính
PHILIPPINES

Chính phủ Philippines và phiến quân kêu gọi hòa bình

Các nhà thương thuyết của chính phủ Philippines và của phiến quân Hồi giáo ra thông cáo chung kêu gọi tiếp tục thực hiện hiệp định hòa bình lịch sử. Hiệp định này đang bị đe dọa sau các vụ đụng độ đẫm máu tại Mindanao, khiến nhiều người lên tiếng yêu cầu chính quyền phải trừng trị phiến quân.

Xung đột đẫm máu tại Mindanao đe dọa đàm phán giữa chính phủ Philippines và phiến quân Hồi giáo - AFP /Richard Grande
Xung đột đẫm máu tại Mindanao đe dọa đàm phán giữa chính phủ Philippines và phiến quân Hồi giáo - AFP /Richard Grande
Quảng cáo

Trong một cuộc họp báo chung tại Kuala Lumpur hôm nay, 31/01/2015, cả hai phái đoàn đều cho biết là hai ngày thương lượng tại Malaysia về giải trừ vũ khí phiến quân đã đạt tiến bộ. Hai bên cũng cam kết sẽ không đình hoãn việc thực hiện hiệp định về tự nguyện giao nộp vũ khí. 

Đàm phán tại Malaysia là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa đại diện chính phủ và phiến quân Hồi giáo từ sau một vụ bố ráp của cảnh sát Philippines trên đảo Mindanao vào Chủ nhật vừa qua. Cuộc bố ráp này là nhằm vây bắt một nghi can khủng bố, nhưng kết quả là đã có 44 cảnh sát đặc nhiệm thiệt mạng trong vụ đụng độ với lực lượng MILF và một nhóm phiến quân nhỏ hơn. 

Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro đã ký một hiệp định về giải giới hôm thứ Năm vừa qua và cả hai bên đều cam kết vào tháng tới sẽ tiến hành giao nộp 75 vũ khí của phiến quân. Họ cũng cam kết sẽ củng cố cơ chế ngừng bắn hiện nay để tránh các vụ đụng độ trong tương lai. 

Nhưng Tổng thống Benigno Aquino còn phải thuyết phục Quốc hội Philippines thông qua hiệp định nói trên và hiện đang bị áp lực ngày càng mạnh đòi phải trả đũa phiến quân về vụ đụng độ vừa qua. 

Trong suốt nhiều thập niên, Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro ( MILF ) tại miền Nam Philippines vẫn nổi dậy chống chính phủ Manila. Hiệp định ký vào năm ngoái đã dấy lên hy vọng về một nền hòa bình lâu dài ở vùng này. Hiệp định dự trù thiết lập một vùng tự trị ở miền Nam cho cộng đồng thiểu số Hồi giáo, với các lãnh đạo địa phương sẽ được bầu lên vào giữa năm 2016. 

Do xung đột triền miên mà hàng triệu người dân trên đảo Mindanao cho tới nay vẫn sống trong cảnh nghèo khó và đây là mảnh đất mầu mỡ cho Hồi giáo cực đoan phát triển và là nơi đặt cứ địa của tổ chức Abu Sayaf ( có liên hệ với Al-Qaida ) và nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan khác.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.