Vào nội dung chính
BANGLADESH

Lãnh đạo đối lập Bangladesh được tự do sau 2 tuần bị quản thúc

Chính quyền Bangladesh vào hôm nay 19/01/2015, đã bãi bỏ chế độ quản thúc đối với lãnh đạo đối lập, cựu Thủ tướng Khaleda Zia. Từ 16 ngày qua, cảnh sát đã chận cửa, không để bà ra khỏi văn phòng. Lý do quản chế là để bà không khuấy động, đích thân lãnh đạo phong trào đòi đương kim Thủ tướng là bà Sheikh Hasina từ chức.

Lãnh đạo đối lập Bangladesh, cựu Thủ tướng Khaleda Zia - Reuters
Lãnh đạo đối lập Bangladesh, cựu Thủ tướng Khaleda Zia - Reuters
Quảng cáo

Hãng tin Pháp AFP trích dẫn lãnh đạo cảnh sát ở Dacca cho biết là lực lượng an ninh được tăng cường đã rút khỏi văn phòng của bà Khaleda Zia, từ 12 giờ khuya hôm qua, và bà có thể tự do hoạt động.

Việc văn phòng lãnh đạo đối lập bị phong tỏa đã gây tức giận và bạo động bùng lên khắp nơi từ đầu tháng Giêng này, khiến 27 người chết và hàng trăm người bị thương.

Trong thời gian bị cầm chân trong trụ sở đảng của mình, bà Khaleda Zia đã kêu gọi đình công trong ngành chuyên chở. Thành viên và cảm tình viên đảng BNP (Bangladesh National Party) của bà đã tấn công vào các phương tiện chuyên chở, xe buýt, xe tải v.v..., và cảnh sát đã đáp trả bằng lựu đạn cay. Theo báo Bangladesh Prothom, kể từ ngày 04/01, có tới 238 chiếc xe bị đốt cháy, 307 chiếc khác bị phá hư.

Mặc dù bà Khaleda Zia không còn bị quản thúc, nhưng người phát ngôn của đảng BNP, Saynul Kabir Khan, tuyên bố hôm nay sẽ tiếp tục ngăn chặn giao thông chuyên chở cho đến khi nào chính quyền chấp nhận yêu cầu của họ.

Đòi hỏi của phe đối lập là bầu lại Quốc hội. Trong lần bầu cử cách đây một năm, phe đối lập đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu, vì tình nghi có gian lận. Vì vậy, trong Quốc hội đương nhiệm, hầu như không có đối lập.

Đảng BNP còn đòi chính quyền trả tự do cho những người bị bắt trong các cuộc biểu tình bạo động trong những tuần lễ qua. Theo BNP có đến 2.000 thành viên của họ bị câu lưu.

Các vụ bạo động và phong tỏa giao thông trong các ngày qua đã tốn kém cho ngành chuyên chở khoảng 26 triệu đô la/ngày. Nông dân cũng bị thiệt hàng triệu đô la do việc sản phẩm bị ứ đọng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.