Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Cử tri Rangoon lần đầu tiên bầu Hội đồng thành phố

Hôm nay 27/12/2014, theo AFP, lần đầu tiên kể từ hơn 60 năm nay, cử tri Rangoon – thành phố lớn nhất Miến Điện, đi bầu đại biểu Hội đồng thành phố. Sự kiện này được nhiều nhà quan sát coi như một trắc nghiệm quan trọng về độ tin cậy của thể thức dân chủ tại Miến Điện, trước cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11/2015.

Hàng trăm ngàn cử tri đi bỏ phiếu để chọn 115 dân biểu của Ủy ban Phát triển Rangoon - Reuters /Soe Zeya Tun
Hàng trăm ngàn cử tri đi bỏ phiếu để chọn 115 dân biểu của Ủy ban Phát triển Rangoon - Reuters /Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Tuy nhiên, việc chính quyền Miến Điện giới hạn số lượng người được phép đi bầu, tuổi tác của ứng cử viên và không cho phép các đảng phái chính trị tham gia tranh cử khiến nhiều người lo ngại cuộc bầu cử bị thao túng. 

Tổng cộng khoảng 400.000 cử tri Rangoon có quyền đi bỏ phiếu hôm nay, trên tổng số hàng triệu cư dân, bởi theo quy định của chính quyền, mỗi gia đình chỉ có một người được phép đi bầu. Các cử tri phải lựa chọn 115 dân biểu trong số gần 300 ứng cử viên vào Ủy ban Phát triển Thành phố Rangoon, tên gọi chính thức của Hội đồng thành phố. 

Vận động tranh cử gần như hoàn toàn vắng bóng trong cuộc bầu cử địa phương này. Tuy nhiên, bất chấp sự thiếu thông tin, đông đảo cử tri Rangoon vẫn tới phòng phiếu để thực hiện quyền hiến định của mình. Nhiều người hy vọng đây là cơ hội có tiếng nói về tương lai của thành phố, đang đối mặt với hàng loạt vấn đề của phát triển và đô thị hóa, như xây dựng bùng phát, giá thuê nhà tăng vọt, giao thông tắc nghẽn, vệ sinh xuống cấp, ô nhiễm. 

Trả lời AFP, ông Khin Maung Tun, một cử tri 50 tuổi, cho biết ông không trông đợi gì nhiều vào cuộc bầu cử đầu tiên tại Rangoon, sau sáu thập niên dưới chế độ độc tài quân sự, tuy nhiên ông vẫn đi bầu để thể hiện thái độ. Một cử tri khác khẳng định chỉ có thông tin về các ứng cử viên khi tới điểm bỏ phiếu, nhưng tin tưởng cuộc bầu cử sẽ mang lại những thay đổi quan trọng. 

Một nhân viên phụ trách bầu cử tại một điểm bỏ phiếu cho biết toàn bộ quá trình kiểm phiếu là minh bạch, được thực hiện dưới sự giám sát của đại diện của các ứng cử viên, và các cử tri nào muốn đều có thể đến kiểm tra. 

Dù bị nhiều chỉ trích, cuộc bầu cử hôm nay vẫn được ghi nhận là một bước tiến quan trọng của đời sống chính trị Rangoon, nơi cuộc bỏ phiếu địa phương gần đây nhất là vào năm 1949. 

Hôm nay không phải là lần đầu tiên cử tri Miến Điện đi bầu, kể từ khi chính quyền gần như dân sự của Tổng thống Thein Sein lên nắm quyền năm 2011, để tập đoàn quân sự lui vào hậu trường. Năm 2012, trong đợt bầu cử Quốc hội một phần tại nhiều đơn vị bầu cử, cử tri Miến Điện đã dồn phiếu cho LND - đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của nhà đối lập Aung San Suu Kyi.

Cũng nhân dịp này, Aung San Suu trở thành nghị sĩ, nhưng con đường ứng cử tổng thống của bà bị ngăn cản, do các quy định của Hiến pháp hiện hành. Theo một số chuyên gia, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ có khả năng giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử năm tới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.