Vào nội dung chính
NHẬT BẢN

Thách thức đối với Nhật khi gia nhập thị trường vũ khí thế giới

Cách nay vài tháng, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố bãi bỏ lệnh tự cấm xuất khẩu vũ khí và tham gia vào các chương trình chế tạo vũ khí, khí tài. Hiện nay, vũ khí Nhật được bán khắp nơi. Tuy nhiên, sau nhiều thập niên vắng bóng, « Thách thức đối với Nhật Bản khi tham gia thị trường vũ khí thế giới » không phải là nhỏ. Báo Singapore Straitstimes, số ra ngày 03/12/2014 có bài phân tích về chủ đề này.

Khu trục hạm Kirishima có trang bị tên lửa của Nhật tập trận trung với Mỹ - REUTERS /Tim Kelly
Khu trục hạm Kirishima có trang bị tên lửa của Nhật tập trận trung với Mỹ - REUTERS /Tim Kelly
Quảng cáo

Ngày 12/11 vừa qua, Thủ tướng Úc Tony Abbott và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng song phương, bao gồm cả khả năng chuyển giao các công nghệ cho chương trình phát triển đội tầu ngầm của Úc trong tương lai.

Úc hiện nay đang nghiên cứu làm thế nào có được 12 tàu ngầm mới thay thế cho các tàu ngầm cũ thuộc lớp Collins và tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản có thể là một ứng viên.

Tàu lớp Soryu là loại tàu ngầm chạy động cơ diesel lớn nhất thế giới, được trang bị hệ thống động cơ độc lập không cần không khí, cho phép tàu có thể lặn hàng tuần thay vì vài ngày.

Nếu như Úc quyết định sử dụng tàu ngầm lớp Soryu, đây là sẽ một giao dịch hai bên cùng có lợi : Nhật Bản có thể bán được sản phẩm của mình, còn Úc thì có được tàu ngầm phi hạt nhân tốt nhất thế giới và hải quân hai nước có thể phối hợp tương tác chặt chẽ với nhau.

Đồng thời, Úc cũng có thể tiết kiệm được. Tàu lớp Soryu giá khoảng 600 triệu đô la Úc và theo trang mạng news.com.au, thì thấp hơn một nửa giá một tàu ngầm do Úc tự chế tạo.

Một vài nhà quan sát ngạc nhiên về sự phát triển gần đây và tự hỏi vì sao Nhật Bản giờ đây lại có thể sẵn sàng bán thiết bị quân sự tân tiến nhất và rất nhậy cảm này, sau nhiều thập niên vắng bóng trên thị trường vũ khí thế giới. Trên thực tế, chỉ vào tháng Tư vừa qua, Tokyo mới đưa ra một quyết định lịch sử bãi bỏ lệnh tự cấm xuất khẩu vũ khí cũng như việc tham gia vào các chương trình quốc tế phát triển vũ khí.

Có ít nhất có ba yếu tố chính dẫn đến sự thay đổi chính sách này. Trước tiên, Nhật Bản không thể tiếp tục chế tạo ở trong nước các loại vũ khí, thiết bị rất tốn kém. Đối với các nhà sản xuất vũ khí Nhật Bản, lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) vốn là khách hàng duy nhất, nhưng khối lượng các loại vũ khí chính mà SDF mua đã giảm mạnh kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Mặc dù phải đầu tư nhiều vào nghiên cứu và phát triển, các nhà sản xuất chỉ có thể bán được một số lượng ít các sản phẩm, làm cho giá thành vũ khí lên cao.

Ví dụ, một xe tăng chiến đấu chủ chốt của Nhật là loại T-90 tốn 7 triệu đô la Mỹ, gần như đắt gấp hai lần một chiếc M1A1 – loại xe tăng của Mỹ có tính năng tương đương, chỉ tốn 4,3 triệu đô la. Một máy bay tiêm kích F-2, cùng hợp tác với Mỹ để chế tạo, nhưng chỉ để cho Nhật Bản sử dụng, tốn 111 triệu đô la, so với chiếc tiêm kích Mỹ F-15, giá là 27 triệu đô la. Một khẩu súng loại T-89 giá 3000 đô la trong lúc một khẩu tiểu liên M-4 của Mỹ có giá hợp lý hơn là 240 đô la. Đây không phải là thứ mà một nước có mức nợ công khổng lồ như Nhật có thể tiếp tục duy trì được.

Điểm thứ hai, việc tích cực tham gia vào các chương trình quốc tế phát triển và sản xuất vũ khí đã trở thành phương tiện duy nhất và thực tế để có được các hệ thống vũ khí hàng đầu với giá cả vừa phải. Do vũ khí hiện đại ngày càng tinh vi và tốn kém, thế giới hướng tới việc gia tăng hợp tác phát triển và chế tạo các loại vũ khí.

Ví dụ, Hoa Kỳ, Anh, Hà Lan, Ý và năm đối tác khác đã hợp tác phát triển, chế tạo máy bay tiêm kích F-35 thế hệ năm ; Đức, Anh, Ý và Tây Ban Nha cùng phối hợp sản xuất máy bay tiêm kích Eurofighter Typhoon.

Một trong những thách thức quan trọng nhất trong việc hợp tác đa quốc gia phát triển vũ khí là tìm kiếm được ít nhất là các điểm chung trong số các đòi hỏi khác nhau và đôi khi trái ngược nhau. Các nước phải nỗ lực làm việc để có được những ý tưởng thể hiện trong sản phẩm mới. Khi Nhật Bản quyết định mua tiêm kích F-35s, vào năm 2011, rất tiếc là Tokyo đã không thể tham gia dự án ngay từ đầu.

Cuối cùng, việc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí đã cho phép Nhật Bản có thể tham gia thúc đẩy hòa bình trên thế giới, ví dụ như qua việc cung cấp các thiết bị quân sự cho lực lượng tác chiến dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.

Cũng có nhiều thách thức đối với Nhật Bản. Duy trì sự theo dõi khả tín và tiến hành kiểm tra các chuyển giao hệ thống vũ khí hoặc thiết bị do Nhật Bản sản xuất hoặc hợp tác cùng sản xuất, cho các bên thứ ba là công việc không dễ dàng.

Khi Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Nhật Bản đóng góp chế tạo động cơ và các bộ phận truyền lực cho dự án chế tạo xe tăng, mối quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc bán các thành phẩm cho bên thứ ba là ngăn ngừa sự tham gia của Nhật Bản.

Giữ lại một số yếu tố nhậy cảm và bí mật trong công nghệ quốc phòng và các kỹ năng, không cung cấp cho các đối thủ và thậm chí cả các nước bạn bè, cũng là một thách thức. Hồi tháng Chín, lãnh đạo đảng đối lập Úc, Bill Shorten đã phê phán việc chính phủ Úc xem xét khả năng hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực tàu ngầm và nói : « Chúng ta đã thấy các chuyên gia Nhật Bản tới đây, nhìn xem Úc có thể làm được gì và lấy những ý tưởng hay của chúng ta để mang về nước họ ». Cũng có những nhà bình luận bên phía Nhật Bản lưu ý việc chia sẻ công nghệ nhậy cảm của Nhật cho Úc.

Cuối cùng, không rõ là liệu các nhà sản xuất vũ khí Nhật Bản có thể cạnh tranh được với các đối thủ ngoại quốc hay không. Quy mô ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản không lớn, với tổng doanh thu vào khoảng 14 tỷ đô la. Theo Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (Sipri), việc bán vũ khí và các dịch vụ quân sự của 100 công ty lớn nhất thế giới có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng (không kể Trung Quốc) lên tới 395 tỷ đô la trong năm 2012.

Trong lúc đang diễn ra nhiều hoạt động sáp nhập, mua lại công ty tại Hoa Kỳ và Châu Âu sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, lĩnh vực quốc phòng của Nhật Bản vẫn được bảo hộ và bị cô lập. Hậu quả là tại Nhật Bản, ngay cả các nhà sản xuất vũ khí lớn nhất cũng chỉ dành một phần các nỗ lực của họ cho hoạt động sản xuất có liên quan đến quốc phòng, làm hạn chế khả năng cạnh tranh.

Chỉ có 8,9% thu nhập của tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries là đến từ lĩnh vực sản xuất có liên quan đến quốc phòng, một tỷ lệ quá nhỏ so với 78% của tập đoàn Lockheed Martin và 95% của tập đoàn BAE Systems.

Vả lại, vũ khí của Nhật Bản chưa được thử nghiệm trong chiến đấu. Trong khi các nước xuất khẩu vũ khí chính lại có rất nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Hoa Kỳ và Anh quốc đã chiến đấu ở Afghanistan và Irak. Nga chiến đấu ở Tchetchenia, Gruzia và hiện nay tại Ukraina. Đức cũng đã từng chiến đấu tại Afghanistan. Pháp đã tham gia tác chiến tại Afghanistan và Libya.

Đương nhiên, cái may đối với Nhật Bản là không có kinh nghiệm chiến đấu, nhưng điều này cũng buộc người ta phải tự hỏi là liệu vũ khí và thiết bị của Nhật Bản có hoạt động tốt hay không trong các tình huống chiến đấu thực sự. Các lỗi của súng máy do Sumitomo Heavy Industries chế tạo chỉ được phát hiện sau bốn thập niên, điều này không thể xảy ra ở các nước khác.

Các khách hàng tiềm tàng, nhất là những người sẽ tham gia chiến đấu trên chiến trường chắc chắn ưa dùng các vũ khí của Mỹ, Anh, Pháp, Đức hoặc Nga hơn là vũ khí của Nhật cho dù các vũ khí này có cùng tính năng và giá.

Theo Sipri, trong giai đoạn từ 2009 đến 2013, Hoa Kỳ và Nga đã thống trị thị trường vũ khí thế giới với thị phần là 29% và 27%, theo sau là Đức (7%), Trung Quốc (6%), Pháp (5%) và Anh (4%). Cuộc phiêu lưu của Nhật Bản tham gia hàng ngũ này mới chỉ là bắt đầu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.