Vào nội dung chính
CHÂU Á

Nhật bắt đầu vận động tranh cử

Chiến dịch vận động tranh cử vào Quốc hội mới của Nhật Bản chính thức khai mạc hôm nay, 02/12/2014. Vào ngày 14/12 tới đây, cử tri sẽ phải bầu lại 475 dân biểu trong Hạ viện vào lúc nền kinh tế có nhiều dấu hiệu ảm đạm. Moody's vừa hạ điểm tín nhiệm của Nhật Bản.

Thủ tướng Abe đang vận động tranh cử cho đảng Dân Chủ Tự Do
Thủ tướng Abe đang vận động tranh cử cho đảng Dân Chủ Tự Do Reuters
Quảng cáo

Trong cuộc bầu cử trước thời hạn sắp tới, sẽ có khoảng 1.200 ứng viên đến từ một chục đảng phái, trong đó nổi bật nhất là Đảng Tự do Dân chủ (PLD) của Thủ tướng Abe ra tranh cử. Đảng quan trọng thứ 2 là Đảng Dân Chủ (PDJ), bị thua nặng trong lần bầu cử năm 2012. Các đảng còn lại kém cỏi hơn và theo đánh giá của giới quan sát, sẽ không đủ sức đưa ứng viên ra tranh cử ở mọi nơi.

Chiến dịch vận động chính thức bắt đầu hôm nay. Nhưng theo giới phân tích thì nó đã bắt đầu ngay từ sau khi Thủ tướng Abe loan báo hôm 18/11 là sẽ không thực hiện chính sách tăng thuế TVA đợt 2. Thủ tướng Abe cùng lúc đã muốn người dân cho biết ý kiến về chính sách kinh tế ‘Abenomics’ của ông. Quyết định giải tán Quốc hội để bầu lại được thông báo ngày 21/11.

Quốc hội vừa giải tán gồm 480 dân biểu nhưng theo một đạo luật mới, Quốc hội mới tới đây chỉ còn 475 ghế. Trong Quốc hội cũvừa bị giải tán, Đảng Tự do Dân chủ chiếm được 295 ghế, cộng thêm 31 của đồng minh trung hữu Tân Komeito. Liên minh cầm quyền hy vọng củng cố được vị trí thống trị này trong Quốc hội mới.

Đới với đảng PLD, cuộc bầu lại Quốc hội trước thời hạn không khác một cuộc trưng cầu dân ý về chính sách kinh tế của ông Abe, mà theo họ sẽ "nâng cao lợi nhuận các tập đoàn, nâng cao lương bổng, cải thiện công việc làm... ngăn chặn giảm phát..."

Lập luận phe đối lập ngược hẳn lại. Theo họ, chính sách gọi là ‘Abenomics’ chỉ làm tăng bất công xã hội, tăng công việc làm bấp bênh. Phe đối lập còn nêu các vấn đề gây bất bình hiện nay như việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân hay việc quân đội Nhật tham gia các chiến dịch quân sự ở ngoài nước.

Như thêm củi lửa cho phe đối lập, cuộc vận động diễn ra trong bối cảnh kinh tế Nhật sa sút, rơi trở lại vào suy thoái và cơ quan thẩm định Moody’s đã hạ điểm tin nhiệm đối với Nhật.

Vào hôm qua, Moody’s đã hạ điểm Aa3 của Nhật xuống A1, vì hoài nghi khả năng giảm thâm thủng ngân sách của Tokyo. Nợ của Nhật hiện lên đến mức gần 250% GDP.

Hôm nay, Moody's đã hạ điểm 5 ngân hàng thương mại Nhật, trong đó có các chi nhánh của Mitsubishi UFJ và Sumito Mitsui, cùng với 2 tập đoàn bảo hiểm, Nippon Life Insurance và Sony Life Insurance, cũng từ Aa3 xuống A1.

Tuy nhiên Moody’s vẫn đánh giá là "ý chí hỗ trợ ngân hàng của chính phủ rất cao’ và cũng nhắc lại cam kết của chính phủ là "duy trì sự ổn định tài chính và tránh các vụ phá sản".

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.