Vào nội dung chính
CHÂU Á

Một cựu tù nhân Bắc Triều Tiên tố cáo Bình Nhưỡng áp bức người thân

Một cựu tù nhân đã đào thoát khỏi một trại tù ở Bắc Triều Tiên, ngày 02/12/2014, lên án chế độ Bình Nhưỡng ép buộc cha của ông lên truyền hình bôi nhọ ông. Là người đã phải sống 23 năm trong một trại tù Bắc Triều Tiên, Shin Dong Hyuk đã trốn được ra nước ngoài vào năm 2005. Từ đó đến nay, đã được thế giới biết đến nhờ những lời tố cáo chế độ lao tù dã man tại Bắc Triều Tiên.

Ảnh minh họa cho chế độ lao tù Bắc Triều Tiên.
Ảnh minh họa cho chế độ lao tù Bắc Triều Tiên.
Quảng cáo

Mới đây, vào cuối tháng 10/2014 đài truyền hình Bắc Triều Tiên đã phát đi một bài phỏng vấn chính người cha của ông Shin Dong Hyuk, trong đó người này tố cáo con mình là đã nói dối, thậm chí còn phủ nhận sự kiện là ông và gia đình bị giam giữ trong trại lao cải.

Trên đài truyền hình Hàn Quốc YTN tại Seoul ông Shin Dong Hyuk đã khẳng định một lần nữa là cha của ông đã bị chính quyền Bình Nhưỡng cưỡng ép lên đài để bôi nhọ ông, qua đó chối bỏ mọi cáo buộc mà ông đưa ra về chế độ lao tù tại Bắc Triều Tiên.

Shin Dong-Hyuk đã được sinh ra trong một trại tù và đã phải sống ở đó ròng rã 23 năm trước khi đào thoát được. Sau khi được tự do, ông không ngừng đánh động công luận về các vụ vi phạm nhân quyền tại Bắc Triều Tiên, được ông mô tả chi tiết trong một cuốn sách bán rất chạy mang tựa đề "Thoát khỏi Trại 14".

Mới đây, ông còn ra điều trần trước Ủy ban Điều tra của Liên Hiệp Quốc. Cơ chế này đã kết luận Bắc Triều Tiên đã có hành động vi phạm nhân quyền "có một không hai trong thế giới đương đại". Báo cáo của ủy ban đó đã đặt nền móng cho một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc kêu gọi Hội đồng Bảo an điệu Bình Nhưỡng ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế về tội ác chống nhân loại.

Ngay sau khi bài phỏng vấn cha ông được truyền hình Bắc Triều Tiên phát sóng, ông Shin Dong Hyuk đã cho rằng cha ông bị ép buộc phải nói dối, và lần này, ông thách thức Bình Nhưỡng là cho ông được gặp cha mình để đối chất. Ông nói : "Nếu Bắc Triều Tiên khẳng định rằng người dân tại đấy được sống tự do và hạnh phúc, thì hãy cho tôi được gặp cha tôi".

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.