Vào nội dung chính
LIÊN TRIỀU

Dựng lại cây thông Noel khổng lồ ở vùng giới tuyến Triều Tiên

Ngày 02/12/2014, theo trang mạng Asianews, chính quyền Seoul thông báo chấp thuận cho một tổ chức Thiên chúa giáo Hàn Quốc dựng lại một tòa tháp khổng lồ hình cây thông Noel tại khu vực giới tuyến giữa hai miền và tổ chức nghi thức mừng ngày Thiên chúa giáng sinh tại địa điểm nhạy cảm này vào dịp cuối năm nay.

Reuters
Quảng cáo

Sau nhiều tháng tranh chấp và kiện cáo, cuối cùng chính phủ Hàn Quốc đồng ý cho Hội đồng Thiên chúa giáo Hàn Quốc (CCK) dựng lại một cây thông Noel mới. CCK là một định chế bao gồm nhiều hệ phái và tổ chức Tin Lành Hàn Quốc với hơn 10 triệu tín đồ. Thông báo chính thức của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết chính quyền sẽ có trách nhiệm « bảo vệ » các tín hữu Thiên chúa giáo nhân lễ Noel, sẽ diễn ra ngày 23/12. Cây thông Noel dự kiến được thắp sáng từ ngày 23/12 đến ngày 06/01/2015.

Cây thông khổng lồ cũ trên đỉnh đồi Aegibong, cách đường giới tuyến khoảng 3 km, cao 165 mét, có thể nhìn thấy từ nhiều cây số bên kia đường biên giới, bị chính quyền Bình Nhưỡng coi như công cụ « chiến tranh tâm lý » chống lại miền Bắc. Bắc Triều Tiên thậm chí từng đe dọa tấn công tòa tháp.

Hồi tháng 11/2014, cây thông cũ đã bị dỡ bỏ, sau 43 năm tồn tại, do chất lượng của công trình đã xuống cấp nên không bảo đảm an toàn, theo giải thích của các giới chức chính quyền Park Geun-hye. Những người Thiên chúa giáo Hàn Quốc và những người tranh đấu chống chế độ Bình Nhưỡng thì chỉ trích chính quyền đã nhượng bộ trước sức ép của Bắc Triều Tiên.

Cũng theo chính quyền Hàn Quốc, hiện tại vẫn còn chưa có quyết định cuối cùng về độ cao cho phép của cây thông mới. Theo một số thông tin, cây thông này có khả năng cao từ 9 đến 35 mét.

Được xây dựng vào năm 1971, trong bối cảnh quan hệ hai miền Triều Tiên cực kỳ căng thẳng, cây thông khổng lồ trên đỉnh đồi Aegibong được thắp hay không vào dịp Noel là tùy theo mức độ quan hệ giữa hai nước láng giềng tốt hay xấu. Năm 2003, Seoul tuyên bố long trọng cây thông Noel, sẽ được thắp sáng trở lại, sau một thỏa thuận đạt được với miền Bắc. Các nhà quan sát dự đoán Bắc Triều Tiên chắc chắn sẽ lại phản đối việc Hàn Quốc cho dựng lại công trình này.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.