Vào nội dung chính
THƯỢNG ĐỈNH G20

G20 : Đấu trường địa lý chính trị

Thượng đỉnh G20 tại Brisbane vừa kết thúc hôm qua 16/11/2014 với một sự kiện hi hữu : Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bỏ ngang hội nghị để về nước sớm với lý do "cần phải nghỉ ngơi". Giới quan sát đã gắn liền động thái phi ngoại giao này với việc Matxcơva đang nổi cộm thành đối tượng bị công kích do hành động can thiệp thô bạo vào Ukraina và ông Putin không chấp nhận bị vạch mặt chỉ tên tại diễn đàn G20, vốn đã trở thành một đấu trường địa lý chính trị.

Các nguyên thủ Tập Cận Bình, Dilma Rousseff và Tập Cận Bình tại G20 - REUTERS /Jason Reed
Các nguyên thủ Tập Cận Bình, Dilma Rousseff và Tập Cận Bình tại G20 - REUTERS /Jason Reed
Quảng cáo

Đúng với tên gọi của mình, Nhóm G20 tập hợp 19 quốc gia được cho là nặng ký nhất hành tinh, cộng với Liên Hiệp Châu Âu trong tư cách là một định chế.

Cùng hiện diện trong nhóm này, có toàn bộ các quốc gia công nghiệp phát triển thuộc nhóm G7 (Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật), bên cạnh một loạt các nước được xếp vào diện cường quốc kinh tế khu vực đang vươn lên như Argentina, Brasil, Mêhicô ở châu Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Ấn Độ, và Úc ở châu Á-Thái Bình Dương, Ả Rập Xê Út ở vùng Trung Đông và Nam Phi, đại diện duy nhất của châu Phi.

Nhóm G20 hiện chiếm hơn 90% GDP toàn cầu, 85% thương mại thế giới, và 2/3 dân số của hành tinh. Được thành lập vào năm 1999, G20 thoạt đầu có vai trò thuần túy kinh tế, thể hiện qua việc các bên cạnh các hội nghị cấp bộ trưởng, các thống đốc Ngân hàng Trung ương cũng họp lại với nhau.

Phải chờ đến năm 2008, khi bùng lên cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới nghiêm trọng, cơ chế Hội nghị Thượng đỉnh G20 họp định kỳ mới được thiết lập, với cuộc họp đâu tiên tại Washington.

Và từ đó trở đi, do tính chất đa dạng của các thành viên đến từ mọi châu lục, thành viên nào cũng có một trọng lượng kinh tế nhất định trên trường quốc tế, các Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã dần dần trở thành diễn dàn tranh luận, thậm chí tranh cãi, giữa các cường quốc hay nhóm cường quốc, biến Thượng đình G20 thành đấu trường chính trị như đã thấy tại Brisbane trong những ngày qua.

Để hiểu rõ hơn về sự "biến đổi" vai trò này của nhóm G20, RFI đã đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Karoline Postel-Vinay, tác giả quyển "G20, phòng thí nghiệm của một thế giới đang vươn lên" (G20- Laboratoire d’un monde émergent" đã được nhà xuất bản Presse Sciences Po ấn hành tại Pháp. Trước hết, bà Postel-Vinay đã xác nhận tính "đại diện" cho thế giới hiện nay của Nhóm G20 :

10:03

Karoline Postel Vinay

Vinay : Đúng thế, G20 quả là có tính đại diện, ngược lại với những gì người ta nói trước đây. Trước tiên G20 tập hợp tất cảc các lục địa, và không chỉ các nước phát triển nhất trong G8, mà còn các nước đang vươn lên, tức là tập hợp một phần rất lớn dân cư nghèo và nghèo nhất thế giới.

Từ ngày Nhóm G20 được thành lập, các quốc gia đang vươn lên đã có thể cho nghe thấy tiếng nói của họ. Điều này đã tạo một sự khác biệt lớn so với trước đó. Chính là trong khuôn khổ G20, mà nhóm gọi là BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã yêu cầu được có đại diện tốt hơn trong các định chế tài chính lớn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới...

Đối với các quốc gia này, G20 là diễn đàn cho phép họ nhắc lại rằng cho đến giờ, họ không được đại diện đúng mức trong các tổ chức và định chế quốc tế.

RFI : Đặc điểm của G20 là có những quốc gia giàu có, những quốc gia đang giàu lên, có các chế độ dân chủ và chế độ độc đoán, có những chính quyền phi tôn giáo bên cạnh chính quyền tôn giáo, tóm lại là có những mối quan tâm và quyền lợi hoàn toàn khác nhau ?

Vinay : Tất nhiên. Cũng vì thế mà vấn đề sự hữu hiệu của G20 đã được đặt ra. Nhưng ngày nay không có một diễn đàn nào khác cho phép tập hơp tất cả những tác nhân có quyền lợi rất khác nhau, nhưng lại có vai trò rất quan trọng này.

Tương lai công cuộc hợp tác quốc tế tùy thuộc vào khả năng đối thoại của họ. G20 là khuôn khổ duy nhất cho phép có được khả năng đối thoại này, và cũng là nơi – do tính không chính thức - người ta có thể nêu lên những vấn đề rất khó khăn hiện nay.

Điều thật sự nổi bật với hội nghị G20 tại Brisbane năm nay là các vấn đề địa chính trị đã nổi lên hàng đầu trong lúc mà cho đến nay thì hàng đầu vẫn là kinh tế.

Người ta thấy rõ là với các vấn đề như Ukraina, quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản, các vấn đề ở Châu Phi, thì chính trị nổi trội trong các hồ sơ quốc tế.

RFI : Trong một chừng mực nào đó, phải chăng có thể nói là G20 cạnh tranh với Liên Hiệp Quốc thường bị chỉ trich là không mấy hữu hiệu ?

Vinay : Ta có thể cảm nhận như thế. Tuy vậy, người ta vẫn cần đến một nơi trên thế giới cho phép hơn 190 quốc gia có chủ quyền được đại diện. Người ta cần đến định chế lớn như Liên Hiệp Quốc để tập hợp tất cả các nước trên thế giới.

Hơn nữa Liên Hiệp Quốc còn có quyền ban hành luật lệ, nghị quyết, tuyên bố, điều mà G20 không làm. Liên Hiệp Quốc có một quyền hạn pháp lý mà G20 không có. Do đó người ta cần Liên Hiệp Quốc và không thể có thể cạnh tranh với định chế này.

Nhưng người ta cũng cần có một nơi có thể nói chuyện một cách không chính thức hơn và thẳng thắn đề cập đến các vấn đề rất khó có thể được nêu lên trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc.

RFI : Trong những hồ sơ quan trọng của Thượng đỉnh G20 lần này, có Ngân hàng Phát triển mà nhóm BRICS thiết lập. Điều này phải chăng có nghĩa là họ không muốn trả giá cho các sai lầm của những quốc gia giàu ?

Vinay : Cũng có thể là như vậy. Nhưng vấn đề đó vừa mang tính chất kinh tế, vừa rất nặng tính chính trị. Có vấn đề trách nhiệm kinh tế của các bên và làm thế nào để cho công việc điều hành kinh tế tiến triển. Có vấn đề thật sự về kỹ thuật, nhưng cũng có những tính toán chính trị, và Ngân hàng nhóm BRICS được thành lập chính là để nói rằng các nước đang vươn lên không được đại diện đúng mức trong các định chế tài chính quốc tế, nhất là Châu Phi.

Thành lập ngân hàng BRICS cũng nhằm cho thấy là nhóm này có cơ sở của riêng, có một khuôn viên trong đó họ có cách suy diễn riêng khác với phương Tây, một nơi mà họ có nơi mà có tiếng nói riêng,

RFI : Tổng thống Brazil Dilma Roussef đã nói là những mong đợi về sự phục hồi của kinh tế thế giới đã gặp thất vọng. Phải chăng đây là thông điệp gởi thẳng đến Châu Âu và Hoa Kỳ ?

Vinay : Rõ ràng là như thế. Nguồn gốc Thượng đỉnh G20 xuất phát từ khủng hoảng kinh tế do phương Tây gây ra, ban đầu do Hoa Kỳ, tiếp nối theo là Châu Âu giàu có. Đúng là phải nhìn nhận là thật sự có vấn đề. Nhưng như thường lệ, thực tế rất phức tạp.

Đã từng có những quyết định được đưa ra, tạo điều kiện dễ dàng cho công cuộc phát triển kinh tế tại các quốc gia đang vươn lên trong khuôn khổ Nhóm G20 này. Nhưng sự việc thường như con dao hai lưỡi, mỗi nước đều có những vấn đê, khó khăn riêng của mình, nhất là Nga, và cả Trung Quốc nữa, khi mà kinh tế hai nước này bắt đầu hụt hơi. Và lời chỉ trích phương Tây cũng là một cách để nêu bật vấn đề trong lịch trình làm việc.

RFI : Các chuyên gia thường nói rằng Trung Quốc sẽ thống lĩnh việc điều hành ngân hàng mới của nhóm BRICS. Đây phải chăng là mối lo ngại không những của phương Tây mà cũng của cả các nước đang vươn lên khác ?

Vinay : Vâng, đúng là như thế. Nhưng phải thấy là việc thành lập ngân hàng này như tôi vừa nói, cũng mang tính chất chính trị. Nhóm BRICS thông báo là ngân hàng sẽ được thiết lập xong vào nãm 2016. Người ta còn thời gian trước khi ngân hàng này hình thành. Lúc ấy thì sẽ thấy tình trạng kinh tế Trung Quốc như thế nào.

RFI : Nga bị lâm vào tình thế khó khăn không ít nhân Thượng đỉnh G20 lần này trong lúc tình hình Ukraina khá khẩn trương. Ai có thể hậu thuẫn cho ông Putin ?

Vinay : Đây là lúc nhóm BRICS có một vai trò. Họ cho phép ông Putin có một tiếng nói khác. Nhưng phải thấy ông không được đón tiếp tốt, cả Úc lẫn Anh. Ông như bị vây bủa khi đến Brisbane. Ông Putin tương đối bị lẻ loi và nhóm BRICS cho phép ông phô trương một gương mặt khác. Nhưng thật ra thì ngay trong nhóm BRICS, quan hệ của Nga với các nước khác cũng phải là rất tốt.

RFI : Pháp đang đọ sức với Nga trong việc giao chiến hạm Mistral. Phải chăng đây là dịp để Paris tìm đồng minh ?

Vinay : Đúng là như vậy. Pháp ở trong một tình thế rất tế nhị vì có một cam kết mà nuốt đi thì rất khó, nhưng đồng thời thông đỉệp chính trị sẽ rất phức tạp nếu Pháp giữ lời hứa của mình.

Điều đáng lưu ý ở Brisbane là Pháp có hậu thuẩn của các quốc gia phương Tây khác trên hồ sơ Ukraina, cũng như trên các vấn đề khác. Chẳng hạng, đây là dịp để Pháp xích lại gần hơn với Nhật Bản, có một cuộc đối thoại đặc biệt với Mỹ trên hồ sơ khí hậu... Chắc chắn là điều này tạo điều kiện cho những liên minh.

Dĩ nhiên là trên hồ sơ Ukraina rất phức tạp đối với Paris, Pháp sẽ có một bối cảnh khác hơn so với tại Liên Hiệp Quốc chẳng hạn.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.