Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - TRUNG QUỐC

Hồng Y Trần Nhật Quân : "Bắc Kinh không giữ lời hứa về Hồng Kông"

 Tham gia biểu tình cùng với các sinh viên từ cuối tháng Chín năm 2014, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen), nguyên Giám mục Hồng Kông, lo ngại nguy cơ chia rẽ trong phong trào biểu tình đòi dân chủ tại vùng đặc khu kinh tế này của Trung Quốc. 

Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen), 82 tuổi, nguyên Giám mục Hồng Kông, phát biểu với người biểu tình trước tòa nhà chính quyền Hồng Kông hôm 24/9/2014.
Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen), 82 tuổi, nguyên Giám mục Hồng Kông, phát biểu với người biểu tình trước tòa nhà chính quyền Hồng Kông hôm 24/9/2014. REUTERS/Liau Chung-ren
Quảng cáo

Trả lời phỏng vấn của nhật báo Công giáo Pháp La Croix, số ra ngày 08/10/2014, người được xem là hiện thân của "lương tâm đạo đức" của Hồng Kông, năm nay đã 82 tuổi, đã cho rằng một cuộc đàn áp đẫm máu vẫn có thể xẩy ra. Ngài đồng thời tố cáo chính quyền Trung Quốc là đã không giữ lời cam kết về Hồng Kông.

RFI giới thiệu nguyên văn bài phỏng vấn:

La Croix : Tình hình Hồng Kông đã lắng dịu, một cuộc đối thoại đã mở ra với chính quyền. Ngài có cảm thấy an tâm vì đã tránh được một cuộc đàn áp đẫm máu hay không ?

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân : Tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm vì không thấy các học sinh, sinh viên nào bị thương nặng hoặc bị thiệt mạng trong những cuộc biểu tình lần này. Nhưng tôi vẫn còn rất lo lắng trước diễn biến của tình hình và những mối bất đồng phát sinh ngay bên trong phong trào sinh viên.

Đây là lý do tại sao tôi bảo vệ quan điểm cho rằng học sinh giờ đây phải nhường quyền điều hành phong trào cho những người có kinh nghiệm hơn họ, bởi vì đối phó với chính quyền để đàm phán đòi hỏi một nhận thức chính trị và những kinh nghiệm đấu tranh rất sắc nét.

Hiện nay, thời gian có lợi cho nhà cầm quyền và chúng tôi cần phải nhanh chóng thống nhất phong trào thành một tổng thể. Tôi đề nghị đoàn đàm phán với chính phủ mang tính chất đại diện nhiều hơn cho xã hội Hồng Kông. Phái đoàn này phải bao gồm sinh viên và phong trào Occupy Central - đó là lẽ đương nhiên - nhưng cũng phải có thêm các thành viên của Đảng Dân chủ, các đại diện của người lao động vốn được tổ chức tốt, và cũng phải có các học giả, các chủ tịch các trường đại học, các giáo sư.

Bước đầu tiên vừa được thực hiện để bảo vệ nền dân chủ và các quyền tự do, nhưng bây giờ cần phải có dự án lâu dài trong tương lai, với một chiến lược vững chắc và được xây dựng tốt. Chúng tôi hành động một cách công khai, trong khi chính quyền lại có thể hoạt động trong bóng tối. Chúng tôi đã nhìn thấy điều này qua các hành vi can thiệp của các hội Tam hoàng (tức là thành phần mafia đã đánh đập người biểu tình) vào tuần trước, mặc dù chúng tôi không biết là ai đã ra lệnh cho họ. Chúng tôi phải đoàn kết lại.

La Croix : Cuộc đối thoại với chính quyền có thể đi đến đâu ?

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân : Cần phải lặp lại toàn bộ quá trình ngay từ đầu để tìm ra một công thức tốt cho cuộc bầu cử lãnh đạo Hồng Kông vào năm 2017. Chính quyền Hồng Kông đã phạm tội cung cấp thông tin sai lạc cho Bắc Kinh. Ủy ban tham vấn của họ đã làm một bản báo cáo bị cắt xén về những suy nghĩ của người Hồng Kông liên quan đển dân chủ và bầu cử.

Bắc Kinh đã dựa vào các thông tin đó để ban hành các cải cách chính trị trong đó chúng tôi không có bất kỳ một không gian tự do nào. Chúng tôi không thể chấp nhận kế hoạch cải cách chính trị đó của Bắc Kinh.

La Croix : Phải chăng Trung Quốc đã phản bội lời hứa của ho về nền dân chủ cho Hồng Kông ?

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân : Đúng vây. Bắc Kinh đã không giữ lời hứa của mình họ liên quan đến Hồng Kông trong khi mà nền dân chủ được ghi trong bộ Luật cơ bản, bản Hiến pháp cỡ nhỏ làm nền tảng cho Hồng Kông, theo nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ."

Theo nội dung các điều khoản ghi trong văn kiện đó, lẽ ra chúng tôi phải được hưởng dân chủ đầy đủ ngay từ năm 2007. Thế mà chúng tôi đã phải chờ đợi cho đến ngày hôm nay để được biết rằng trong thực tế, bầu cử tự do sẽ chỉ được tổ chức vào năm 2017, nhưng lại không thể tự do lựa chọn các ứng cử viên của chúng tôi.

Đó là một sự phản bội lời hứa của Bắc Kinh và là một giai đoạn rất xấu cho nền dân chủ ở Hồng Kông.

La Croix : Một nền dân chủ không hề tồn tại ở Trung Quốc ...

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân : Dân chủ là điều thiết yếu đối với Hồng Kông nói chung, chứ không chỉ riêng cho xã hội dân sự. Nó cũng rất quan trọng đối với hệ thống kinh tế. Cần phải làm cho văn hóa dân chủ được bám rễ một cách sâu sắc tại Hồng Kông để chúng tôi không trở nên giống như các thành phố khác của Trung Hoa Đại lục.

Vấn đề không chỉ liên quan đến dân chủ, hệ thống thiết yếu, mà còn liên quan đến toàn bộ hệ thống kinh tế và xã hội ở Hồng Kông. Tại Trung Quốc đang ngự trị một nền văn hóa quỷ quyệt, không có sự thật, công bằng, lòng trung thực, nơi mà chỉ có quyền lực và sự giàu có là có giá trị.

Hồng Kông bảo vệ các giá trị đạo đức khác. Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian và công sức cho hệ thống giáo dục của chúng tôi tại Hồng Kông (nơi trường Công Giáo rất nhiều) và chúng tôi đã chứng kiến cảnh học sinh và người dân biểu tình trên đường phố một cách ôn hòa, không có bạo lực.

La Croix : Ngài có từng lo ngại, vào một lúc nào đó khi các cuộc biểu tình diễn ra, là sẽ có một cuộc đàn áp đẫm máu như tại Bắc Kinh vào tháng Sáu năm 1989 hay không ?

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân : Một kịch bản như vậy là điều hoàn toàn có thể xẩy ra và ngay cả hiện nay; vẫn có nguy cơ xẩy ra một cuộc đàn áp đẫm máu.

Các sinh viên cần phải có đầy đủ trí khôn. Hiện nay họ cảm thấy họ như là những anh hùng. Họ không hiểu rằng nếu lực lượng an ninh bắt đầu bắn đạn thật, thì lúc đó đã quá muộn để "triệt thoái" như họ nói. Họ không ý thức được điều đó.

Chỉ cần một lời ra lệnh đến từ Bắc Kinh là đủ để gây ra một cuộc đàn áp đẫm máu. Kịch bản này vẫn hoàn toàn có thể diễn ra ngày hôm nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.