Vào nội dung chính
TÔN GIÁO

Từ bỏ định chế hóa thân Tây Tạng: Bắc Kinh lên án Đạt Lai Lạt Ma

Theo AFP hôm qua 10/09/2014, chính quyền Trung Quốc cáo buộc Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 « tìm cách bóp méo lịch sử » và phủ nhận quyền chấm dứt truyền thống Lạt ma hóa thân hàng trăm năm của Tây Tạng, sau tuyên bố của lãnh tụ tinh thần Tây Tạng. Người Tây Tạng thường xuyên lo ngại Bắc Kinh sử dụng truyền thống Đạt Lai Lạt Ma hóa thân để chia rẽ cộng đồng mình.

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời báo chí tại Hambourg, Đức, ngày  27/08/2014.
Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời báo chí tại Hambourg, Đức, ngày 27/08/2014. AFP PHOTO / DPA / CHRISTIAN CHARISIUS
Quảng cáo

Bà Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc trả lời báo giới đã tuyên bố : « Danh hiệu Đạt Lai Lạt Ma được chính quyền trung ương ban cho, theo một truyền thống lâu đời » và nhấn mạnh Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 không có quyền chọn có hay không có một người kế tục. 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc giải Nobel Hòa bình người Tây Tạng « có các động cơ đen tối » chống lại truyền thống tôn giáo này. Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng chính quyền Trung Quốc có chính sách tự do tôn giáo và tín ngưỡng, điều này bao hàm việc tôn trọng và bảo vệ truyền thống Phật giáo Tây Tạng.

Trước đó, trong bài trả lời phỏng vấn báo Đức hôm Chủ nhật, 07/09, Giải Nobel Hòa bình, 79 tuổi, hiện đang sống lưu vong cho biết « Định chế Đạt Lai Lạt Ma đã hết thời », « có thể chấm dứt với vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 rất được yêu mến ». Ông nhấn mạnh rằng định chế Đạt Lai Lạt Ma « quan trọng chủ yếu vì quyền lực chính trị », trong khi đó ông đã hoàn toàn rời bỏ quyền lực. Lãnh tụ tâm linh của Phật giáo Tây Tạng nói thêm, « nếu một Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 xuất hiện làm xấu hổ truyền thống này, thì toàn bộ định chế Đạt Lai Lạt Ma sẽ bị khinh rẻ ».

Người Tây Tạng lo ngại Bắc Kinh dùng truyền thống hóa thân để chia rẽ cộng đồng

Trước đó, Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố ông sẽ không hóa thân tại Trung Quốc chừng nào Tây Tạng chưa được tự do. Tuyên bố hôm qua của nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng khẳng định rõ thêm ông muốn từ bỏ hẳn một truyền thống xa xưa của dân tộc, để mở cửa cho quá trình dân chủ hóa nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào Bắc Kinh

Định chế Đạt Lai Lạt Ma hóa thân bắt đầu vào khoảng thế kỷ XVII, khi Tây Tạng còn phụ thuộc vào Mông Cổ. Đứng đầu định chế này là Đạt Lai Lạt Ma, người nắm cả quyền hành thế tục lẫn uy quyền tâm linh.

Nhân vật có vai trò quyết định trong quá trình này là Ban Thiền Lạt Ma, được coi là người lãnh đạo cuộc tìm kiếm một « hóa thân » mới của Đạt Lai Lạt Ma. Người được Đạt Lai Lạt Ma chọn làm Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 đã bị chính quyền Trung Quốc bắt cóc, đồng thời một người khác được chọn vào vị trí này. Nhân vật do Bắc Kinh chỉ định bị nhiều người Tây Tạng coi như là « kẻ lừa đảo ».

Theo Reuters, rất đông đảo người Tây Tạng lo sợ Trung Quốc sử dụng truyền thống Đạt Lai Lạt Ma hóa thân để chia rẽ cộng đồng Tây Tạng, với việc chỉ định một Đạt Lai Lạt Ma mới sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 qua đời.

Chính quyền Trung Quốc hiện nay cho rằng Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 là một nhà lãnh đạo ly khai nguy hiểm. Năm 1959, Đức Đạt Lai Lạt Ma rời bỏ Tây Tạng sang Ấn Độ tỵ nạn, sau cuộc nổi dậy bất thành của người Tây Tạng chống lại nền thống trị của Trung Quốc. Ông đứng đầu chính phủ lưu vong của người Tây Tạng cho đến năm 2011, khi dành vị trí này cho một người được cộng đồng bầu lên.

Đạt Lai Lạt Ma cùng chính phủ Tây Tạng lưu vong nhiều lần khẳng định muốn theo đuổi đường lối đấu tranh ôn hòa và đối thoại với chính quyền Bắc Kinh nhằm để Tây Tạng « có một quyền tự trị thực sự ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.