Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - BIỂN ĐÔNG

Trung Quốc tuyên bố "có quyền xây đảo nhân tạo" tại các vùng tranh chấp

Một viên tướng Trung Quốc, hôm nay, 24/11/2014, lên tiếng bảo vệ dự án xây một đảo nhân tạo để thiết lập sân bay, trên một bãi đá đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và cho rằng Bắc Kinh cần chống lại các áp lực quốc tế để tiếp tục dự án này.

Đá Chữ Thập, mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử Tiều ( Yongshu Reef ), là đảo đầu tiên có đường băng cho máy bay cất cánh và hạ cánh - DR
Đá Chữ Thập, mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử Tiều ( Yongshu Reef ), là đảo đầu tiên có đường băng cho máy bay cất cánh và hạ cánh - DR
Quảng cáo

Theo Hoàn Cầu thời báo, tướng Trung Quốc La Viên (Lou Yuan), khẳng định, dự án xây đảo nhân tạo trên bãi đá Vĩnh Thử (mà Việt Nam gọi là Đá Chữ Thập), thuộc quần đảo Trường Sa, là « hoàn toàn chính đáng và xác đáng ».

Tướng La Viên đã có phát biểu như trên sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày 21/11 vừa qua, thông báo rằng Trung Quốc đang cải tạo một bãi đá thành đảo nhân tạo, ngay tại nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với một số láng giềng.

Theo trung tá Jeffrey Poole, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, trong dự án này, Trung Quốc dường như có ý đồ xây một đường băng cho máy bay cất cánh và hạ cánh và một cảng cho tàu chiến.

Đáp lại thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, tướng La Viên cho rằng « Hoa Kỳ đã tỏ rõ sự thiên vị, bởi vì Philippines, Malaysia, Việt Nam đã xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự trong vùng quần đảo Trường Sa » và Trung Quốc chắc chắn sẽ kháng cự được các áp lực quốc tế, để tiếp tục dự án này.

Theo một báo cáo, được đăng tải hôm thứ Sáu, 21/11, trên tuần báo quốc phòng IHS Jane’s Defense, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo bãi đá Vĩnh Thử, (tức Đá Chữ Thập), cách nay 3 tháng. Đảo nhân tạo dài 3 km và rộng từ 200 đến 300 mét. Các tác giả bản báo cáo cho biết, « đây là dự án thứ tư mà Trung Quốc tiến hành tại vùng quần đảo Trường Sa, trong vòng từ 12 đến 18 tháng qua..

Tạp chí Jane’s Defense nhận định, dự án cải tạo Đá Chữ Thập dường như được thiết kế nhằm buộc các bên đang có tranh chấp chủ quyền từ bỏ các yêu sách của mình hoặc trong giả thuyết các bên liên quan đàm phán về tranh chấp ở Biển Đông, thì ít ra là tạo thế mạnh cho Trung Quốc trong các cuộc thương lượng.

Gần đây, Trung Quốc đã xây dựng một đường băng trên đảo Vĩnh Hưng (Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm), trong quần đảo Hoàng Sa, mà Bắc Kinh đã đánh chiếm hồi tháng Giêng 1974, lúc đó đang do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.