Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Túi nhựa tự phân hủy sinh học có thực sự thân thiện với môi trường?

Đăng ngày:

Trong suốt nhiều thập niên, nhựa được ưa chuộng, được coi là nguyên liệu giá rẻ, tiện ích. Thế nhưng, giờ đây, nhựa, nhất là chai nhựa, túi nhựa và bao bì nhựa bọc thực phẩm bị xem là “kẻ thù” của môi trường, dù là môi trường đất hay môi trường nước. Các nhà đấu tranh bảo vệ môi trường và sinh thái xếp nhựa vào “danh sách đen”, vì cho dù là được tiêu hủy hay chôn lấp thì rác thải nhựa đều gây ô nhiễm nặng nề.

Dao thìa dĩa làm từ nhựa tự phân hủy sinh học. (Ảnh do bộ Nông Nghiệp Mỹ công bố)
Dao thìa dĩa làm từ nhựa tự phân hủy sinh học. (Ảnh do bộ Nông Nghiệp Mỹ công bố) (@usda.gov)
Quảng cáo

Từ vài năm nay, có một loại nhựa mới, gọi là “nhựa tự phân hủy sinh học” (biodégradable), được nhiều người coi là “thân thiện” với môi trường, góp phần hạn chế ô nhiễm. Nhưng có đúng là nhựa tự phân hủy sinh học đỡ gây hại hơn so với các loại nhựa thông thường hay không?

Theo kết quả một nghiên cứu được công bố ngày 29/04/2019 trên tạp chí Environmental Science and Technology (phiên bản tiếng Anh), một nhóm nhà khoa học thuộc đại học Plymouth của Anh Quốc đã nghiên cứu khả năng phân hủy của nhiều loại túi nhựa khác nhau, từ túi nhựa thông thường, cho tới túi nhựa có thể tự phân hủy sinh học, túi nhựa có thể ủ phân sinh học …., trong các môi trường khác nhau, như môi trường đất, nước biển và không khí. Kết quả là sau 3 năm, không có túi nhựa nào được phân rã hoàn toàn, thậm chí những túi nhựa tự phân hủy sinh học vẫn còn rất chắc chắn.

Trong phóng sự phát trên đài France 24 ngày 06/09/2019, giáo sư Richard Thompson, đại học Plymouth, Anh Quốc, đồng tác giả công trình nghiên cứu, cũng cho biết : “Điều cần chú ý là không một loại nào trong số các chất liệu nói trên được phân hủy đủ nhiều trong giai đoạn đó. Loại túi có thể dùng để ủ phân được phân hủy nhanh nhất, nhưng ngay cả khi được vùi trong đất thì loại túi này vẫn còn đó sau 3 năm”.

Còn nhà nghiên cứu Imogen Napper, người phụ trách thí nghiệm, cho báo Anh The Guardian biết : Tôi thực sự rất ngạc nhiên khi thấy sau 3 năm, túi nhựa vẫn còn chắc chắn để đựng đồ. Những chiếc túi tự tiêu hủy sinh học là gây ngạc nhiên nhiều nhất, bởi vì khi chúng được giới thiệu là có đặc tính tự phân hủy sinh học, mọi người sẽ chờ đợi là chúng sẽ được phân rã nhanh hơn các loại túi nhựa thông thường khác”.

Tự phân hủy sinh học là có thể tái chế ?

Về lý thuyết, mọi thứ đều có thể được phân hủy. Vấn đề chỉ là thời gian. Một chiếc bật lửa nhựa có thể tự tiêu sau 100 năm, tã giấy dùng một lần cho trẻ nhỏ cần 500 năm mới phân hủy xong, một chiếc túi nhựa cũng mất vài thế kỷ mới biến mất khỏi tự nhiên …. Tên gọi “nhựa tự phân hủy sinh học” khiến người tiêu dùng tin rằng các sản phẩm làm từ loại nhựa này có thể tự tiêu nên có thể vứt thoải mái ra môi trường mà không gây ô nhiễm đất, nước.

Nhưng nhiều người không biết rằng cần hội tụ 3 điều kiện để loại nhựa đó có thể tự phân hủy sinh học: nhiệt độ, ánh sáng và ô-xy. Tuy nhiên, tại bãi rác, các tiêu chuẩn về ánh sáng và oxy thường không hội tụ đủ do rác bị chất đống hoặc bị lèn chặt. Điều này khiến rác nhựa tự phân hủy sinh học trên thực tế cũng cần rất nhiều thời gian mới có thể được phân hủy tại các bãi chôn lấp rác thải.

Nói cách khác, một chiếc túi nhựa được gọi là “tự phân hủy sinh học” trên thực tế chỉ có thể phân rã trong một nơi có thể được kiểm soát chặt chẽ điều kiện nhiệt độ, ánh sáng và ô-xy, chứ không thể vứt bừa bãi ra tự nhiên. Nếu trôi dạt ra sông, biển, chúng sẽ không thể phân hủy.

Trả lời đài France Info, nhà khoa học Napper cũng giải thích thêm : “Những chiếc túi mà người ta gọi là tự tiêu hủy sinh học đã được thử nghiệm với những tiêu chuẩn môi trường khác với môi trường thực tế (…) Chúng có thể tự tiêu khi dùng để đựng rác ủ phân sinh học tại nhà máy ủ phân theo cách công nghiệp, ở một nhiệt độ thích hợp và với một số loại vi khuẩn nào đó. Nhưng quý vị không thể thấy chúng tiêu hủy nhanh trong môi trường tự nhiên vì các điều kiện trong đất hay môi trường biển khác với trong các nhà máy ủ phân công nghiệp”.

Còn ông Nicolas Garnier, tổng giám đốc Hiệp hội AMORCE của Pháp, chuyên về cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ các cơ quan và tổ chức cấp địa phương về chuyển đổi năng lượng, quản lý rác thải lưu ý trên đài France 24 :

“Tất nhiên, điều mà mọi người không hiểu là tự phân hủy sinh học không có nghĩa là có thể tái chế. Trái lại, nhìn chung tự phân hủy sinh học có nghĩa là không thể tái chế. Hiện nay, mọi người đang nhầm lẫn hai khái niệm này. Trên thực tế, một chiếc túi nhựa tự phân hủy sinh học sẽ phải đem đi tiêu hủy. Chúng ta không thể tái chế chúng. Chúng ta sẽ phải tiêu hủy chúng, hoặc là thiêu đốt trong các nhà máy hoặc lưu giữ trong các trung tâm lưu trữ rác thải. Vì thế, về mặt môi trường, loại túi nhựa tự phân hủy sinh học này vẫn còn gây rất nhiều tranh cãi”.

Nhưng túi nhựa tự phân hủy sinh học có gây nguy hiểm cho môi trường hay không ? Laura Chatel, người phụ trách Hiệp hội chống lãng phí Zero Waste, chi nhánh Pháp, giải thích trên đài France 24:

“Tôi nghĩ rằng hiện nay, loại nhựa tự phân hủy sinh học đang tạo ra một hình ảnh đẹp, được mọi người nhìn nhận tích cực, và điều này hơi nguy hiểm vì nó có thể khiến mọi người trở nên vô trách nhiệm hơn một chút, bởi vì ai cũng nghĩ rằng nếu đã là chất tự phân hủy sinh học thì có thể, chẳng hạn, vứt giấy ướt vào bồn cầu, để túi đựng hay gói bọc đồ ở bãi biển, trong khi thực tế là chúng không thể tự phân hủy trên bãi biển trong khoảng thời gian rất dài. Giấy ướt mà người dùng vứt vào bồn cầu sau khi sử dụng sẽ gây ra nhiều vấn đề tại trung tâm xử lý, làm sạch nước thải.

Theo tôi, điều này rất nguy hiểm bởi vì người tiêu dùng, các công dân tự nhủ là dùng nhựa tự phân hủy sinh học không gây nguy hiểm, trong khi loại nhựa này vẫn là một sản phẩm gây ô nhiễm cho môi trường”.

Marketting xanh

Nhìn từ một khía cạnh khác, liệu nhựa tự phân hủy sinh học có phải là cách “marketting xanh” của các nhà sản xuất để có được lợi thế cạnh tranh hay không?Đại diệnHiệp hội chống lãng phí Zero Waste, chi nhánh Pháp, khẳng định hiện nay vẫn còn rất nhiều điều không rõ ràng quanh các từ ngữ “tự phân hủy sinh học”:

“Quý vị còn có thể thấy các khái niệm nhựa thực vật, nhựa xanh, nhưng tất cả những thứ này, nói chung, với tư cách là người tiêu dùng thì quý vị phải thực sự cảnh giác, đề phòng, bởi vì những từ ngữ đó không nói lên điều gì quan trọng, và thường thì đó là một chiến lược marketing của các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này thậm chí còn không nghĩ xem sản phẩm của họ sẽ thực sự kết thúc vòng đời thế nào. Và thế là khi quý vị đứng trong bếp với một chiếc chai được gọi là chai nhựa từ thực vật, quý vị chắc là sẽ không biết xếp chúng vào loại rác thải nào”.

Nhóm nhà nghiên cứu củađại họcPlymouth, Anh Quốc, vẫn còn những nghi vấn về việc các chất được sử dụng để sản xuất ra loại nhựa được cho là tốt với môi trường sinh thái liệu có thực sự vô hại với môi trường hay không. Họ cũng muốn các nhà sản xuất công bố tiêu chuẩn để loại nhựa tự phân hủy sinh học có thể tự tiêu nhanh nhất có thể, cũng như mức độ phân rã nhiều nhất mà chúng ta có thể kỳ vọng.

Trong khi chờ đợi những câu trả lời thỏa đáng từ giới nghiên cứu và các nhà sản xuất, đâu là giải pháp bảo vệ môi trường khỏi rác thải nhựa ? Laura Chatel, đại diệnHiệp hội chống lãng phí Zero Waste chi nhánh Pháp, nhấn mạnh: “Lời khuyên mà tôi đưa ra luôn luôn phù hợp cho mọi hoàn cảnh, đó là sản phẩm càng dùng được lâu bền, càng có nhiều khả năng tái sử dụng thì càng tốt cho môi trường. Quý vị có thể tin rằng điều này gần như lúc nào cũng đúng”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.