Vào nội dung chính
Ý - TAI NẠN

Đi tìm nguyên nhân thảm họa sập cầu ở Ý

Cây cầu Morandi, thành phố Genova, một trong các trung tâm kinh tế của nước Ý, đột ngột đổ sụp hôm thứ Ba, 14/08/2018, khiến ít nhất 42 người thiệt mạng. Công việc cứu nạn vẫn còn tiếp tục. Thảm họa tại Genova gây bàng hoàng, bởi đây là một trong các cây cầu lớn của khu vực Địa Trung Hải, một cửa ngõ của hành lang giao thông giữa Ý và Pháp, với ước tính hàng chục triệu xe cộ qua lại hàng năm. Lý do vì sao cầu sập ?

Cầu Morandi ở Genova (Ý) bất ngờ sập, ngày 14/08/2018. Trong ảnh, một chiếc xe hơi may mắn thoát nạn.
Cầu Morandi ở Genova (Ý) bất ngờ sập, ngày 14/08/2018. Trong ảnh, một chiếc xe hơi may mắn thoát nạn. REUTERS/Stefano Rellandini
Quảng cáo

Do sét đánh hay mưa lớn

Vụ sập cầu Morandi xảy ra trong bối cảnh thời tiết bất thường, ngay trước lúc tai nạn là một trận cuồng phong, kèm theo mưa rất lớn (1). Một số nhân chứng cho báo Ý Repubblica, biết đã nhìn thấy sét đánh vào một mố cầu, vào lúc 10 giờ 35 phút, sáng thứ Ba, khiến xi măng tại vị trí này rã ra, rồi tất cả sụp xuống. Một số người khác thì nêu nghi vấn : có thể chính sét đã làm đứt các dây néo bằng kim loại, và đây là nguyên nhân trực tiếp khiến cầu sập.

Tuy nhiên, chính phủ dân túy Ý dường như đang muốn gạt vấn đề thời tiết bất thường sang một bên, để nhanh chóng tìm ra các thủ phạm con người. Sau đây là phát biểu của bộ trưởng Nội Vụ Ý Matteo Salvini (2), sau khi thảm họa xảy ra :

« Trước hết tôi muốn cảm ơn 250 nhân viên cứu hỏa, cứu nạn, những người tình nguyện đã ngay lập tức có mặt tại nơi xảy ra thảm họa. Hiện tại, chúng ta đang trong thời gian tìm kiếm, cấp cứu…. Tiếp theo đó sẽ là giai đoạn tìm kiếm những ai phải chịu trách nhiệm. Bởi vì, người ta không thể chết dễ dàng như vậy, chỉ trong một buồi chiếu mùa hè, không thể làm việc trong môi môi trường đầy bất trắc như vậy. Chiếc cầu này, cũng như rất nhiều cầu khác, tôi đã sử dụng hàng trăm lần. Không thể có sự hoài nghi ở đây.

Chuyện quá khứ tôi không quan tâm. Mục đích của tôi là làm mọi điều để đưa ra ánh sáng tên tuổi của những người phải chịu trách nhiệm về thảm kịch năm 2018 không thể chấp nhận được này. Tôi sẽ đến Genova. Trước hết để gặp các gia đình… và để đến cùng của sự việc, để hiểu là điều gì đáng lẽ phải làm, nhưng đã không được làm. Bởi một cây cầu như vậy không thể tự nhiên đổ sụp ».

Trách nhiệm trước hết là con người

Người phụ trách công tố của thành phố Genova, ông Francesco Cozzi, có mặt trực tiếp tại nơi xảy ra thảm họa cũng cho rằng, vụ sập cầu này không phải là một định mệnh, không tránh khỏi, mà do trách nhiệm của con người.

Chính quyền Ý ngay lập tức hướng các chỉ trích về phía Autostrade per l’Italia, công ty đặc quyền khai thác vận chuyển, trực tiếp quản lý cầu Morandi. Autostrade per l’Italia là công ty quản lý gần một nửa trong tổng số 6.000 cây số đường xá tại Ý. Chính quyền cáo buộc Autostrade per l’Italia không thực hiện tốt khâu bảo dưỡng. Bộ trưởng Nội Vụ Ý nhận xét là, công ty này tuy kiếm được « hàng tỉ euro » từ việc bán vé đường, nhưng đã không chi đủ tiền cho bảo dưỡng.

Bên cạnh nghi vấn sập cầu do bảo dưỡng kém, một hướng khác cũng được nói đến. Đó là việc cây cầu đã có khuyết tật ngay từ thời điểm xây dựng ban đầu. Đây là quan điểm của một chuyên gia về vật liệu bê tông. Ông là người đã từng đưa ra báo động về cầu Genova chất lượng kém, khá lâu trước khi tai nạn xảy ra.

"Thất bại kỹ thuật"

Ngay từ năm 2016, giáo sư Antonio Brencich, Đại học Genova, đã nói đến « thất bại kỹ thuật » của cầu Morandi, một công trình tuy được coi là mang tính cách tân vào thời điểm được xây dựng, nhưng đã nhanh chóng cho thấy các giới hạn (2). Cầu cáp treo Morandi mang tên kỹ sư Ý Riccardo Morandi, là một niềm tự hào của kiến trúc Ý trong thập niên 1960. Cầu được treo bằng cáp, với ba chiếc trụ lớn cao 90 mét. Kiến trúc cầu nói trên được sử dụng rộng rãi tại châu Âu vào thời điểm đó. Trả lời RFI (3), giáo sư Antonio Brencich nhận xét :

« Vấn đề ở đây không phải là do vật liệu. Không phải là vật liệu chất lượng kém. Mà là do các lựa chọn công nghệ cho dự án này. Công trình này đã sử dụng kỹ thuật nén sơ bộ (kỹ thuật nén bê tông sơ bộ, mà giáo sư Antonia Brencich, nêu ra ở trên, về nguyên tắc, cho phép tăng độ chắc chắn, dẻo dai của bê tông). Kỹ thuật này đã dẫn đến các vật liệu bị ăn mòn rất nhanh, điều đã không được dự báo trước. Hãy hình dung là vào năm 1990, khi cây cầu mới có 23 tuổi đời, một thời gian chưa ăn thua gì với một công trình kiểu này, người ta đã phải thay thế hệ thống dây néo của cây cầu, vì rất lo ngại chúng không bảo đảm an toàn ».

Về câu hỏi phải chăng các cáp treo bị hỏng là nguyên nhân chính của tai nạn ? Theo giáo sư Antonio Brencich, lý do này không giải thích được cho toàn bộ vấn đề, bởi nếu chỉ có việc cáp đứt, thì cột trụ chính vẫn phải đứng nguyên tại chỗ.

Cầu Morandi đã nhiều lần trùng tu

Theo nhiều chuyên gia, cây cầu Morandi dài 1,18 km, được xây dựng trong thập niên 1960, sau hơn 20 năm tồn tại, đã phải nhiều lần trùng tu, với tổng số tiền lên đến 80% chi phí xây dựng, đặc biệt do bê tông bị xuống cấp và xuất hiện nhiều rạn nứt.

Năm 2009, đã từng có dự kiến thay thế hoàn toàn cây cầu này. Theo một báo cáo của ngành đường bộ nước Ý vào năm 2011, số lượng xe cộ lưu thông qua cầu Morandi lên đến 25,5 triệu người/năm, khiến chất lượng của cầu sụt giảm nhanh chóng.

Kể từ đó đến nay, viễn cảnh đóng cửa cầu Morandi lại được nêu lên nhiều lần. Nhiều sửa chữa quan trọng đã được tiến hành trong năm 2016, và một kế hoạch sửa chữa lớn khác dự kiến sẽ được bắt đầu vào mùa thu. Với các kế hoạch sửa chữa dày đặc như vậy, công ty Autostrade per l’Italia khẳng định là họ không hề bất cẩn, và không có lý do gì để cáo buộc cây cầu này ở trong tình trạng nguy hiểm.

Sập cầu liên tục từ 5 năm nay

Tuy nhiên, vấn đề là : thảm họa sập cầu Morandi không phải là tai nạn duy nhất ở Ý trong thời gian gần đây.

Trước vụ sập cầu nói trên, theo truyền thông Ý (4), có ít nhất 10 vụ sập cầu tại Ý trong 5 năm vừa qua, trong đó có nhiều cầu cáp treo có cấu trúc tương tự như cầu Morandi. Năm ngoái, hai vụ cầu cáp treo bị sập, còn vào năm 2014, nạn nhân là một chiếc cầu cáp treo vừa khánh thành tại Sicilia.

Vụ sụp cầu Genova là một bằng chứng nữa cho thấy đã đến lúc phải xem lại hệ thống cầu được xây dựng trong những năm 60-70 tại Ý và nhiều nơi khác, với cùng một công nghệ. Khoảng 70% trong số 15.000 cây cầu ở Ý được xây dựng trong khoảng thời gian này (5). Theo giới quan sát, trong một thời gian dài, Ý đã không có đủ tiềm lực tài chính để bảo dưỡng hệ thống hạ tầng khổng lồ này.

Thảm họa ở Ý khiến nhiều nước châu Âu sực tỉnh. Chính quyền Bulgari - quốc gia nghèo nhất châu Âu - hôm nay thông báo có kế hoạch trùng tu lại toàn bộ hệ thống cầu tại nước mình.

Ghi chú

1. Le Figaro, ngày 16/08/2018.

2. và 3. RFI, ngày 15/08/2018.

4. Báo mạng Le Point dẫn lại (ngày 15/08/2018)

5. Libération, ngày 16/08/2018

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.