Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Tàu điện ngầm : Không khí ô nhiễm nặng

Đăng ngày:

Từ lâu nay, tàu ngầm được coi là phương tiện giao thông góp phần làm giảm đáng kể lượng xe cơ giới chạy trên mặt đất, giúp giảm ô nhiễm không khí tại các đô thị. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra: Không khí mà hành khách hít thở trong các đường hầm tầu điện ngầm, tại ke tàu và bên trong các toa tàu thì sao?

Hành khách đang chờ tàu tại ga Saint-Lazare, Paris.
Hành khách đang chờ tàu tại ga Saint-Lazare, Paris. MIGUEL MEDINA / AFP
Quảng cáo

Tàu điện ngầm là một phương tiện giao thông đặc biệt quan trọng đối với các đô thị đông dân. Theo một báo cáo mà Liên Hiệp Quốc công bố năm 2014, một nửa dân số thế giới hiện đang sống tại đô thị.

Chỉ tính riêng ở châu Âu, có hơn 60 thành phố có tầu điện ngầm và khoảng 120 triệu người sử dụng phương tiện giao thông này mỗi ngày. Tại Luân Đôn, hệ thống tàu điện ngầm phục vụ mỗi ngày 4,8 triệu khách. Con số này là 5,3 triệu ở Paris, 6,8 triệu đối với Tokyo, 9,7 triệu tại Matxcơva. Còn ở Bắc Kinh, số hành khách đi tàu ngầm là 10 triệu người/ngày.

Chính phủ Ấn Độ mới đây thông báo là sẽ xây dựng các tuyến tàu ngầm ở 4 đô thị lớn. Còn tại Thượng Hải, thành phố có hệ thống tàu ngầm lớn nhất thế giới, tuyến tàu ngầm thứ 14 dài trên 38,5km, với 32 ga, cũng dự kiến được khánh thành vào năm 2020.

Từ lâu nay, tàu ngầm được coi là phương tiện giao thông góp phần làm giảm đáng kể lượng xe cơ giới chạy trên mặt đất, giúp giảm ô nhiễm không khí tại các đô thị. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra: Không khí mà hành khách hít thở trong các đường hầm tầu điện ngầm, tại ke tàu và bên trong các toa tàu thì sao?

Tại Pháp, trong những ngày đỉnh cao ô nhiễm không khí, chính quyền khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng xe hơi, thay vào đó nên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, như xe bus, tàu điện hay tàu điện ngầm…

Tuy nhiên, bà Isabella Annesi-Maesano, giám đốc nghiên cứu của Viện Quốc Gia Pháp Về Sức Khỏe Và Nghiên Cứu Y Khoa, giải thích: "Không khí trong tàu điện ngầm bị ô nhiễm nặng, thậm chí chứa nhiều hạt bụi li ti hơn cả không khí trên mặt đất. Và các hạt bụi siêu nhỏ trong tàu điện ngầm đặc biệt nguy hiểm, vì chúng chứa kim loại. Điều đáng sợ là các hạt bụi kim loại thường lưu lại trong cơ thể con người lâu hơn các loại bụi khác".

Trong thập kỷ qua, đã có rất nhiều nghiên cứu về chất lượng không khí trong hệ thống tàu ngầm ở nhiều thành phố ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Các dữ liệu thu thập được chưa đầy đủ tuyệt đối, nhưng ngày càng nhiều và cũng cấp khá nhiều thông tin.

Tại Barcelona, Tây Ban Nha, các nghiên cứu chỉ ra rằng, trên cùng một lộ trình, không khí trong tàu điện ngầm bị ô nhiễm nhiều hơn so với không khí trong tàu điện hoặc trên đường phố, nhưng đỡ ô nhiễm hơn một chút so với không khí trên xe bus. Còn tại Hồng Kông, Mêhicô, Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ và Santiago của Chilê thì trái lại, mức độ ô nhiễm của không khí trong tàu điện ngầm thấp hơn so với các phương tiện giao thông công cộng khác.

Thực ra, các yếu tố mấu chốt tác động tới chất lượng không khí trong tầu điện ngầm là độ sâu dưới mặt đất của các ga tàu, thời điểm xây dựng tuyến tàu, loại hình hệ thống thông gió và điều hòa không khí, thể loại phanh (phanh điện từ hay phanh đĩa), chất liệu cấu tạo bánh xe (thép hay cao su), tần suất các chuyến tàu và số lượng cửa tàu điện ngầm.

Một lượng lớn các hạt bụi siêu nhỏ, nhất là bụi sắt, phát ra từ hệ thống bánh và phanh tàu, và cả từ đường ray và hệ thống điện. Các hạt bụi sắt siêu nhỏ với số lượng lớn, quện với các loại bụi khác, trong đó có bụi đồng, bụi thép crôme, bụi đá từ đá dằn đường ray (đá ba lát), vi khuẩn và vi rút trong không khí. Chúng bị cuốn đi khắp nơi trong hệ thống đường tầu điện ngầm, nhất là khi các con tàu chạy qua, có luồng gió tự nhiên lùa mạnh hoặc do hệ thống thông gió và điều hòa không khí đẩy đi khắp nơi. Nhưng các hạt bụi siêu nhỏ này tập trung nhiều nhất ở ke tàu.

Hiện chưa có nghiên cứu dịch tễ nào cho phép xác định các ảnh hưởng bất thường của ô nhiễm không khí trong hệ thống tàu điệm ngầm đối với sức khỏe của người lao động trong hầm tàu và đối với hành khách đi tàu. Các nghiên cứu ở Stockholm, Thụy Điển, cũng không chứng minh được liệu những người lái tàu điện ngầm có nguy cơ ung thư phổi cao hơn những người khác hay không. Tuy nhiên, các chuyên gia ở Stockholm lại cho thấy những người làm việc ở ke tàu - nơi có tỉ lệ hạt bụi siêu nhỏ cao nhất - lại dễ mắc bệnh tim mạch hơn những người bán vé tàu hoặc lái tàu.

Một chiến dịch đo lường kỹ càng chưa từng có mới đây đã được thực hiện tại 30 bến tàu điện ngầm tại Barcelona, Tây Ban Nha. Theo kết quả nghiên cứu, tại các bến chỉ có một đường hầm tàu điện ngầm duy nhất và có lớp cửa kính ngăn cách ke tàu với đường hầm tàu, tỉ lệ hạt bụi siêu nhỏ ít hơn một nửa so với trong các bến tàu điện ngầm thông thường khác. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bên trong các con tàu có hệ thống điều hòa không khí, tỉ lệ bụi siêu nhỏ cũng thấp hơn so với các tàu không có điều hòa không khí. Và nếu cửa sổ tàu mở, lượng bụi siêu nhỏ tăng mạnh khi tàu đi qua hầm, đặc biệt là với tốc độ cao.

Còn tại Pháp, theo kết quả một cuộc điều tra của Le Monde đăng ngày 15/09/2017, tỉ lệ bụi siêu nhỏ trong các đường hầm tàu tại vùng Paris cao gấp 10 lần so với không khí bên ngoài. Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất không phải là hành khách, mà là 28.000 nhân viên ngành đường sắt, trong đó có 26.000 nhân viên làm việc trong hệ thống tầu điện ngầm và tàu RER ở vùng Paris - Ile-de-France: lái tàu, nhân viên soát vé trên tàu… và các cảnh sát đảm bảo an ninh, cũng như nhân viên bán hàng trong các ga tàu. Ngoài ra, còn phải kể tới 8.000 nhân viên tu dưỡng và sửa chữa hạ tầng. Họ là những người phải làm việc 7h/ngày trong các ga tàu điện ngầm hoặc trong đường hầm.

Ngày 04/07/2017, đỉnh cao ô nhiễm do hạt bụi siêu nhỏ đo vào khoảng 19h-20h đạt mức 438 µg/m3 không khí, cao gấp 16 lần so với tỉ lệ 27 µg/m3 không khí ngoài trời. Mức độ ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng trong gia đoạn công việc bảo dưỡng, sửa chữa được tiến hành vào ban đêm tại các đường hầm tàu, với nhiều máy phát điện chạy bằng xăng. Chẳng hạn, tỉ lệ bụi siêu nhỏ lên tới hơn 1.000 µg/m3 không khí vào lúc 2h-3h sáng ngày 31/05/2017 ở ga Châtelet, Paris, và vào lúc 3h-4h ngày 26/06/2017 ở ga Auber.

Mặc dù quốc tế hiện vẫn chưa có khung quy định nào về chất lượng không khí trong tàu điện ngầm, nhưng hiện nay các chuyên gia đang nỗ lực nghiên cứu để tìm ra giải pháp hạn chế lượng bụi siêu nhỏ trong hệ thống tàu điện ngầm và hạn chế ảnh hưởng của các hạt bụi tới sức khỏe hành khách, nhất là hành khách đi tàu điện ngầm hàng ngày và nhân viên trong các ga tàu.

Còn tại Pháp, theo một quy định đặc biệt trong Luật Lao Động, trong một số ngành nghề nhất định, tỉ lệ hạt bụi siêu nhỏ cho phép có thể cao tối đa gấp 100 lần so với tỉ lệ bình thường theo luật môi trường dành cho đại đa số dân chúng. Nghiệp đoàn FGTE-CFDT muốn xóa bỏ tỉ lệ cách biệt trên và dự kiến kiến nghị lên Tham Chính Viện và bộ trưởng Môi Trường-Sinh Thái Nicolas Hulot về vấn đề này.

Ngày 15/09, một ngày trước Ngày Quốc gia về Giao thông Công cộng, nghiệp đoàn CFDT đã tổ chức tại các ga tàu ở Paris một chiến dịch để lưu ý người dân về ô nhiễm không khí trong hệ thống tầu điện ngầm.

Về phía RATP - công ty quản lý hệ thống giao thông công cộng của Paris, cơ quan này cho biết từ những năm 1970, RATP đã lên kế hoạch cải tạo hệ thống thông gió trong các nhà ga. Bà Sophie Mazoué, lãnh đạo phòng Môi trường của RATP, cho báo Le Monde biết: "Các chương trình tăng cường và thay mới hệ thống thông gió giai đoạn 2016-2020 đang được tiến hành với ngân sách 45 triệu euro. Hiện nay, chúng tôi cho không khí trong hệ thống tàu điện ngầm lưu thông với không khí bên ngoài 40 lần/giờ". Bà Mazouécũng cho biết RATP đang tiến hành cải tạo hệ thống phanh điện và bỏ thay thế dầu diesel bằng một loại nhiên liệu khác.

Ông Michel Babut, phó chủ tịch Liên đoàn Quốc gia các Hiệp hội người sử dụng phương tiện giao thông công cộng, công nhận là RATP đang cố gắng cải thiện tình hình, nhưng cũng lấy làm tiếc vì "người sử dụng các phương tiện giao thông công cộng vẫn không nắm được chính xác các quy định hiện hành và các biện pháp đang được thực hiện. Ngoài việc cải tạo hệ thống thông gió, họ cần được biết liệu các chất liệu mới có bớt gây ô nhiễm hay không".

Theo Cơ quan Sức khỏe của Pháp, ô nhiễm không khí từ các phần tử siêu nhỏ khiến mỗi năm 48.000 người chết sớm, tương đương với 9% số người tử vong hàng năm tại Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.