Vào nội dung chính
ĐỨC - XÃ HỘI

Giới khoa học lo ngại về việc lạm dụng thụ thai nhân tạo

Trường hợp một phụ nữ người Đức 65 tuổi, bà Annegret Raunigk, có 13 con, vừa mới sinh tư vào cuối tháng Năm vừa qua, đang khiến các chuyên gia về sinh sản lo ngại. Họ lên tiếng cảnh báo việc lạm dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

Ảnh chụp bà Annegret Raunigk trên trang bìa tờ báo Bild - DR
Ảnh chụp bà Annegret Raunigk trên trang bìa tờ báo Bild - DR
Quảng cáo

Ba bé trai và một bé gái chào đời tại một bệnh viện ở Berlin, sau khi được thụ tinh trong ống nghiệm ở Ukraina từ hai người hiến tinh trùng vô danh. Cả bốn trẻ sơ sinh đều sinh trước thời hạn và chỉ nặng từ 655 g tới 960 g.

Bên lề một cuộc hội thảo của Hiệp Hội Châu Âu về Sinh Sản và Phôi Học (ESHRE) tại Lisbon, bác sĩ Adam Balen cho AFP biết : « Vấn đề chính ở đây không hẳn là tuổi tác của người mẹ, mà là việc cấy nhiều phôi thai vào buồng tử cung ».

Còn chủ tịch Hiệp hội Sinh sản Anh nhấn mạnh : « Việc mang thai nhiều con vừa nguy hại cho người mẹ, nhưng còn nguy hại hơn nhiều cho bào thai ». Đồng thời, ông cũng cho rằng với công nghệ hiện đại và một phôi thai chất lượng, chỉ cần chuyển một phôi thai là đủ.

Có rất nhiều rủi ro khi mang đa thai, như trẻ bị sinh sớm, có trọng lượng nhẹ, hay có nguy cơ bị thiểu năng. Vì vậy, từ vài năm nay, rất nhiều quốc gia đang nỗ lực để giảm số lượng ca mang đa thai, trong đó có Pháp, Anh Quốc và Hoa Kỳ.

Mang thai muộn

Sau ca sinh tư tại Berlin, Hiệp hội Y học Sinh sản Đức lại đưa vấn đề mang thai muộn ra tranh luận. Giới hạn tuổi đối với phụ nữ cần hỗ trợ sinh sản dao động trong độ tuổi 50, gần độ tuổi trung bình của thời kỳ mãn kinh.

Theo bác sĩ Balen, mức độ giới hạn này là cần thiết về phương diện y học, nhưng về mặt đạo đức, một phụ nữ 65 tuổi vẫn còn khoảng 20 năm để chăm sóc con cho tới lúc trưởng thành. Thực vậy, việc phụ nữ lập gia đình ngày càng trễ là một trong các vấn đề mà các phát triển thường xuyên phải đối mặt.

Bác sĩ Balen cáo buộc một số bệnh viện tư chỉ tìm cách kiếm tiền và không ngần ngại quảng cáo bệnh nhân có thể đi sang một quốc gia khác để trả tiền điều trị rẻ hơn. Nhưng kết quả thì lại hoàn toàn ngoài mong muốn, như trường hợp của bà mẹ người Đức. Để hạn chế ngành « kinh doanh » này, vị bác sĩ trên đề xuất bảo hiểm y tế nên hoàn trả các phương pháp điều trị sinh sản cần hỗ trợ của y tế.

« Ngành kinh doanh » sinh sản

Theo Françoise Shenfield, một bác sĩ làm tại bệnh viện tư, không thể quản lý vấn đề sinh sản cần hỗ trợ y tế trên toàn thế giới. Bà chỉ trích vai trò của các văn phòng môi giới giữa người cho và người nhận trứng, cho rằng những văn phòng này kiếm tiền trên lưng người bệnh vì lấy tiền hoa hồng.

Cũng như mọi công nghệ khác, việc sinh sản có sự hỗ trợ của y tế có thể được thực hiện một cách có ý thức nhưng cũng bị lạm dụng. Bà cho biết thêm, số lượng các trường hợp mang đa thai đã giảm trên toàn thế giới. Điều này cho thấy các chuyên gia ngành y đã có ý thức trách nhiệm hơn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.