Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Giải pháp nào cho ổ khoá tình yêu ?

Đăng ngày:

Các cụ ngày xưa có câu : « Yêu nhau cởi áo cho nhau, về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay ». Thanh niên thanh nữ thời nay không cởi áo cho nhau, mà lại thường rủ nhau móc ổ khóa tình yêu, đến nỗi sập gẫy thành cầu.

Thành cầu Pont des Arts chằng chịt những ổ khóa - Groume /Flick'r
Thành cầu Pont des Arts chằng chịt những ổ khóa - Groume /Flick'r
Quảng cáo

Vào tháng 6/2014, một thanh lan can dài hơn 2 thước trên Chiếc Cầu Nghệ Thuật (Pont des Arts) nổi tiếng ở Paris, đã bị sập do không chịu nổi sức nặng của các ổ khoá mà các đôi tình nhân từ khắp nơi trên thế giới tụ về để ghi dấu ấn tình yêu. Vào lúc đó, cây cầu cổ xưa đã phải đóng cửa để sửa chữa và may mắn thay, không một ai bị thương.

Sau sự cố trên, chính quyền thành phố Paris cho biết sẽ cân nhắc việc hạn chế gắn ổ khóa vào các cây cầu ở thành phố. Cũng cần biết rằng khối lượng ổ khoá tình yêu trên mỗi thành cầu lên đến khoảng nửa tấn. Điều đó buộc Toà Đô Chính Paris phải kiểm tra, tháo dỡ và thay thế thành cầu, cứ hai tuần một lần. 

Không chỉ có cây Cầu Nghệ Thuật mà nhiều chiếc cầu khác của thành phố Paris cũng gặp vấn đề tương tự. Hiện tượng gắn ổ khoá vẫn nhan nhãn tại bất cứ công trình kiến trúc mà người ta có thể móc khoá được. Các ổ khoá tình yêu bắt đầu xuất hiện trên các thành cầu Paris từ năm 2008 : từ chiếc cầu Léopold Sédar Senghor đối diện bảo tàng Orsay cho tới cầu Simone de Beauvoir đối diện với Đại Thư viện quốc gia François Mitterand.

Trong số 36 cây cầu bắt qua sông Seine thơ mộng của thủ đô Paris, Cầu Nghệ Thuật được nhiều cặp tình nhân trên khắp thế giới lựa chọn để gắn móc khóa vì trước hết đây là địa điểm thơ mộng lãng mạn ở Paris, kế đến là vì cầu chỉ dành riêng cho người bộ hành không có xe cộ qua lại. Hơn nữa, thủ đô Pháp còn được mệnh danh là « thành phố tình yêu » nên việc gắn ổ khóa tình yêu ở đây sẽ càng trở nên ý nghĩa hơn.

Duy chỉ có những cây cầu được xây hoàn toàn bằng đá, chẳng hạn như cầu Pont Neuf hay cầu Mirabeau, mới thoát khỏi sức nặng của các ổ khóa tình yêu.

Tuy nhiên, cho tới nay, Toà đô chính Paris vẫn chưa ra lệnh cấm việc gắn các ổ khóa trên các thành cầu. Nhưng làm thế nào để giải quyết vấn đề này, ông Bruno Julliard, phó thị trưởng đặc trách văn hoá tại Toà Đô Chính Paris, cho biết : 

Chúng tôi đang tiến hành theo hai giai đoạn. Trước tiên, chúng tôi vẫn tiếp tục kiểm tra và tháo gỡ thường xuyên các ổ khóa, thay đổi thành lan can cầu vì lý do an toàn. Còn trên phương diện thẩm mỹ, thực sự thì chúng tôi đang đi tìm giải pháp thay thế cho những ổ khoá tình yêu.

Điều này thật không dễ dàng tí nào, vì trào lưu này thu hút rất nhiều cặp tình nhân trẻ Pháp cũng như người ngoại quốc. Hơn nữa nhiều du khách nước ngoài khi đến Paris, cũng muốn ghi khắc tình yêu của họ bằng những ổ khoá. Do đó, để thuyết phục họ làm cách khác thì chúng ta phải tìm ra một giải pháp thích hợp và hấp dẫn. 

Theo tôi nghĩ, sẽ chẳng có lợi lộc gì khi đưa ra một quyết định cấm móc ổ khoá tại Cầu Nghệ Thuật nói riêng và trên các cây cầu nói chung vì có khả năng là các đôi uyên ương trẻ sẽ tìm đến những nơi khác để móc khoá. Đó là trường hợp mà ta đã thấy ngay tại tháp Eiffel và một số nơi khác tại thành phố Paris. Do đó, chúng tôi sẽ làm việc với bà Thị trưởng Anne Hidalgo để tìm ra một giải pháp thích hợp. Hiện giờ, chúng tôi kêu gọi các nghệ sĩ quốc tế tham gia vào dự án.

Đâu là những biện pháp khả thi có thể giúp cho Paris hạn chế bớt các ổ khóa tình yêu, dung hoà được cả hai mặt : một bên là trào lưu của giới trẻ và một bên là bảo tồn các danh lam thắng cảnh thủ đô Paris. Phó thị trưởng Bruno Julliard nhận xét : 

Thực sự thì chúng tôi luôn muốn giữ hình tượng của thủ đô Paris là một thành phố lãng mạn, nơi hẹn hò lý tưởng của các đôi tình nhân. Việc ghi khắc dấu ấn tình yêu của các du khách là một ý kiến hay, không có lý do gì mà phải cấm đoán. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có nhiệm vụ bảo tồn các công trình kiến trúc lịch sử cũng như các danh lam thắng cảnh giúp cho Paris trở thành một trong những thủ đô đẹp nhất thế giới. 

Toà Đô chính Paris đề xướng một dự án, qua đó kêu gọi các nghệ sĩ tìm một giải pháp thay thế, và chúng tôi đã nhận được nhiều đề nghị từ phía các nghệ sĩ Pháp lẫn ngoại quốc. Đó có thể là móc những chiếc nơ bằng vải rực rỡ màu sắc thay vì gắn những ổ khoá bằng sắt quá nặng nếu chúng ta vẫn duy trì ý tưởng về ổ khoá tình yêu. 

Chúng ta cũng có thể dựng lên những bức tượng ở hai đầu chiếc cầu để các cặp tình nhân móc khoá vào đó. Ngoài ra, còn có một ý tưởng hoàn toàn khác hẳn, đó là tại sao không sử dụng những công nghệ thông tin hiện đại để cho các cặp uyên ương ghi lại những thông điệp tình yêu. Và như vậy sau đó, có thể phổ biến hoặc trình chiếu qua các màn ảnh lớn ở bất cứ nơi đâu trong thành phố Paris. 

Hoặc là chúng ta dựng lên một số bức tượng điêu khắc ở những góc phố, ở trong công viên, để các đôi tình nhân có thể viết lên đó những dòng chữ yêu thương. Tóm lại là chúng tôi không thiếu ý tưởng và đề nghị nhưng hiện tại, chúng tôi phải tìm cho ra giải pháp khả thi nhất có thể thực hiện một cách nhanh chóng.

Vào năm 2010, khi phong trào ổ khóa tình yêu bùng phát tại Paris, giới chức thành phố không che giấu nguyện vọng muốn tháo gỡ các ổ khoá tình yêu nhằm mục đích « bảo tồn di sản văn hóa » nhiều hơn là làm hài lòng những cặp tình nhân. Họ đưa ra nhiều biện pháp như xây dựng những cây sắt ở gần hoặc dưới chân cầu để các cặp tình nhân treo những chiếc khóa tình yêu lên đó.

Đêm 11/03/2010, khoảng 2.000 ổ khoá trên Cầu Nghệ Thuật đột ngột biến mất chỉ trong vòng một đêm. Toà Đô Chính cho biết không hề liên quan gì đến chuyện này. Nhiều nghi ngờ, cáo buộc được đưa ra nhưng rồi cuối cùng, dường như thủ phạm là một sinh viên trường Mỹ thuật Paris đã đánh cắp để hoàn thành một dự án nghệ thuật. Sau sự kiện này, nhiều đôi tình nhân đã tìm một địa điểm khác an toàn hơn để ghi khắc tình yêu của mình. Thế là, họ đổ xô đến cầu Pont de l’Archevêché, đối diện nhà thờ Đức Bà Paris.  

Khóa tình yêu làm chùn bước giới chức Paris

Từ ngày đó, các ổ khoá vẫn cứ bình an vô sự, trong khi vào năm 2012, Tòa Đô Chính Paris buộc phải thoái lui do hiện tượng khoá tình yêu đã trở nên toàn cầu hoá. Một quan chức Paris cho biết : « Chúng tôi đang để cho hiện tượng này được diễn ra tự nhiên và nhìn nhận nó theo cách tích cực hơn. Người dân thích như vậy, họ sẽ loan truyền xung quanh và bằng cách đó, họ sẽ quảng cáo cho Paris ».

Chính quyền thành phố không muốn áp dụng biện pháp cứng rắn vì lo sợ rằng điều này sẽ làm ảnh hưởng đến ngành du lịch và danh tiếng của thành phố Paris. Giới chức có liên quan chỉ dừng lại ở việc kiểm tra an toàn các cây cầu và thay các thành cầu đã bị hư hại. 

Tuy nhiên, quyết định trên không thuyết phục công dân Paris cho lắm. Peter, một giáo viên Anh văn nhận xét rằng, Cầu Nghệ Thuật là một huyền thoại, những ổ khoá này làm mất nét thẩm mỹ của khu vực … Ý tưởng móc khoá tình yêu rất hay nhưng không phải gắn tại bất cứ chỗ nào. Theo ông, nên tìm một nơi khác để gắn. 

Kể từ mùa hè năm 2014, để cứu lấy các cây cầu đang oằn mình trước sức nặng của các ổ khoá tình yêu, Toà Đô Chính Paris đã đưa ra một chiến dịch kêu gọi các cặp tình nhân hãy chụp ảnh selfie trên cầu rồi đăng lên mạng Twitter hay Instagram thay vì treo ổ khóa. 

Sau sự cố sập thành cầu và để bảo vệ nơi được xếp vào hàng di tích lịch sử từ năm 1975, vào cuối tháng 9/2014, Tòa Đô Chính Paris đã tìm ra giải pháp cho vấn đề này bằng cách lắp lan can thủy tinh cường lực, mặt phẳng trơn tru không thể gắn ổ khóa. Nếu thử nghiệm thành công, thành phố Paris sẽ tiến hành thay toàn bộ các đoạn lan can của Cầu Nghệ Thuật bằng những tấm thuỷ tinh. Do đó, các đôi uyên ương sẽ hết cơ hội bày tỏ tình yêu bằng ổ khoá. 

Hội đồng thành phố miễn cưỡng thực hiện những biện pháp mạnh tay như cấm bấm ổ khóa ngay trên cầu hay phạt những cặp nào cố tình gắn ổ khoá bất chấp các bảng thông báo. Một thành viên mạng xã hội còn gợi ý bán những ổ khóa nhẹ hơn: “Họ nên làm những ổ khóa bằng nhựa thay vì bằng kim loại để cho bớt nặng”. 

Sự toàn cầu hóa của ổ khóa tình yêu

Mặc dù có nhiều ý kiến phản đối và chỉ trích, nhưng xu hướng này đã lan ra tới những cây cầu khác trên thế giới như tại Mátxcơva, New York, Seoul, Budapest, Roma, Tokyo. Hiện tượng này trở thành một thách thức cho giới cầm quyền sở tại. Không ít nơi sau đó đã buộc phải loại bỏ những dấu tích này vì sợ ảnh hưởng tới mỹ quan cây cầu.

Cầu Ponte Vecchio ở thành phố Florence (Firenze), Ý cũng buộc phải cắt bỏ ổ khóa chi chít trên đó đi. Thủ đô Roma cấm bấm khóa trên cầu Ponte Milvio. Ngay từ năm 2007, Thị trưởng Roma đã quyết định cấm móc ổ khóa lên cầu, sau khi một cột đèn đường đã bị gãy do phải “oằn mình” gánh quá nhiều cặp khóa. Ai vi phạm lệnh cấm phải nộp 50 euro tiền phạt. Tại Chester, Anh, hội đồng thành phố đã đề nghị cắt 330 móc khóa khỏi cầu treo Queen's Park vào tháng trước. Chính quyền nhiều thành phố ở Mỹ đã buộc phải sử dụng kềm sắt để bẻ gẫy những ổ khóa tình yêu vì lo ngại trọng lượng của chúng có thể làm sập cầu. 

Tại thủ đô Paris, ngay cả khi bầu trời xám xịt, thì trên Cầu Nghệ Thuật vẫn đông đảo du khách. Ai nấy tranh nhau chụp ảnh và tìm lấy một chỗ trống trên cầu để ghi dấu ấn tình yêu qua các ổ khoá đủ kiểu, cỡ, màu sắc, hoa văn và đủ mọi thứ tiếng … Nào là những ổ khoá bằng đồng, bằng nhựa, bằng vải, được chính tay các đôi tình nhân vẽ hoạ tiết lên đấy để tạo nét riêng cho mỗi cặp, như một cuộc chạy đua xem đôi nào sẽ có biểu tượng tình yêu đẹp nhất, ấn tượng nhất.

Giá trị lên đến 80 euro cho một chiếc ổ khoá mạ vàng. Có đôi còn gắn cả khoá chống trộm xe đạp lên cầu. Nhìn từ xa, cầu Nghệ Thuật trông như được mạ vàng, với hai bên cầu điểm xuyết những ổ khóa mà các cặp đôi móc lên để thề non hẹn biển. Bất kỳ đôi tình nhân nào đến cây cầu này cũng đều mong muốn sự may mắn, đặc biệt là một tình yêu mãnh liệt, bất diệt.

Thế nhưng các biện pháp hạn chế, qua hình thức phạt vạ hay treo bảng cấm, dường như vẫn chưa kềm hãm được trào lưu gắn ổ khóa tình yêu. Tuy mới rộ lên trong những năm gần đây nhưng phong trào này lại lan truyền rộng rãi đặc biệt vào mùa hè du lịch.

Tại Mátxcơva, Berlin, Bruxelles, Kiev, Vilnius, Verona (xứ sở của Roméo và Juliette), Roma, Venezia, Thượng Hải, Marrakech, Praha, các ổ khoá tình yêu đều đang rất thịnh hành. 

Mất vẻ mỹ quan và thiếu an toàn

Trong khi một số du khách, những người đang yêu cho rằng cách biểu đạt tình yêu của họ là vô hại thì một số khác lại phản đối trào lưu này. Người dân Paris phàn nàn những chiếc khoá và chìa khoá gây ô nhiễm và lên án hành động trên là phá hoại danh lam thắng cảnh.

Hiện nay, có gần 700.000 ổ khoá được móc trên các cây cầu và các công trình kiến trúc tại Paris. Người dân thủ đô Paris đặc biệt lo ngại cho các công trình kiến trúc lịch sử ... Theo ông Jean-Pierre Lecoq, Thị trưởng quận 6 Paris, thì Toà Đô Chính Paris phải chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề. Ông không có ý chống lại các đôi tình nhân hay các ổ khoá của họ, nhưng trào lưu này đang làm hư hại các di sản văn hóa.

Ngoài ra, ông Lecoq cũng quan ngại về vấn đề an toàn cho du khách : « Thử hỏi nếu một thanh cầu rơi xuống song Seine trong khi tàu qua lại thì sẽ nguy hiểm thế nào ? ». Theo ông, biện pháp để tránh cho các cây cầu quá tải trước sức nặng của các ổ khoá là cứ ba đến sáu tháng nên tháo dỡ hết các ổ khoá này. 

Ngoài vấn đề sức nặng, các nhà sinh thái học lo lắng dòng sông Seine sẽ trở nên ô nhiễm bởi hàng nghìn chiếc chìa khóa bị ném xuống đây. Hồi tháng Hai vừa qua, hai người Mỹ là Lisa Anselmo và Lisa Taylor-Huff đã thực hiện một chiến dịch với tên gọi “Not Love Locks” (Bỏ khóa tình yêu) đã thu thập được hàng ngàn chữ ký các công dân tại Paris vì quan ngại về những hậu quả mà những móc khóa tình yêu có thể gây ra đối với các di tích này. Hai người sáng lập ra bản kiến nghị cho rằng, khi những chiếc ổ khoá này bắt đầu hoen rỉ sẽ lan sang các cây cầu, từ đó làm ảnh hưởng đến vẻ mỹ quan của thành phố. Do đó, họ mong muốn du khách đến Paris không tiếp tục tạo nên những hình ảnh phản cảm như vậy nữa. 

Một nguồn gốc xa xưa, mơ hồ

Chẳng ai biết phong tục gắn ổ khóa tình yêu xuất phát chính xác từ đâu nhưng chỉ biết là có nhiều nguồn giải thích khác biệt, đến từ khắp nơi trên thế giới. Ổ khoá như bằng chứng của tình yêu có nguồn gốc rất xa xưa : tương truyền rằng dưới thời Trung Cổ, khi người đàn ông tham gia Thập Tự Chinh, người phụ nữ ở nhà phải mặc một cái đai quần có ổ khoá và chỉ có người chồng mới có chìa khoá để mở, để tránh cho các bà ngoại tình trong lúc các ông vắng nhà. 

Một số giả thuyết cho rằng, tập tục trên bắt nguồn tại thành phố Pécs, Hungary, vào đầu những năm 1980 khi sinh viên đổ xô đến móc những chiếc ổ khóa lên một hàng rào sắt nối liền một đền thờ Hồi giáo với ngôi nhà thờ chánh tòa của thành phố. Khoảng cùng thời điểm ấy tại Cologne (Đức), những chiếc ổ khóa cũng được gắn trên thành cầu Hohenzollern, gần nhà ga mà cho đến lúc này người ta vẫn không biết trào lưu trên xuất hiện lần đầu tiên tại đâu. Người Ý cho rằng tại thành phố Firenze (Florence), những sinh viên tốt nghiệp Học viện Y tế San Giorgio đã từng có thói quen móc những ổ khóa của những chiếc tủ kim loại của họ tại cầu Ponte Vecchio. Có lẽ tập tục đó lại tiếp tục được lưu truyền tại Roma. 

Tuy nhiên, trong bộ phim truyện của đạo diễn Ý Federico Moccia, mang tên : « Ho voglia di te » tạm dịch là « Khao khát tình em » – phát hành vào năm 2007, có một tình tiết vô cùng “đắt giá” khiến nhiều người tin rằng Ý là đất nước đã khai sinh ra “ổ khóa tình yêu”. Hai nhân vật chính trong phim cùng nhau gắn ổ khóa vào một cột đèn trên cầu Ponte Milvio ở Roma, họ ôm hôn nhau, rồi vứt chìa xuống sông. 

Trong khi hầu hết các cặp đôi đều ném chìa khóa xuống sông, một số khác mang theo bên mình như kỷ vật cho con cháu sau này. Nguồn gốc của tập quán khóa chặt tình yêu cho đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn và gây nhiều tranh cãi. Một số khác đã cho rằng truyền thống này có nguồn gốc xa xưa hơn, xuất phát từ Hungary đầu thế kỷ 20, dựa trên một câu chuyện về một người phụ nữ bị mất người yêu là một quân nhân, trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Người phụ nữ trẻ đã sử dụng một ổ khóa móc để gắn lên cây cầu, nơi cô và người yêu gặp nhau lần đầu tiên, như một cách để tượng trưng cho mối tình bất diệt của họ. 

Năm 2013, bộ phim hình sự Pháp-Mỹ mang tựa : « Insaisissables » (Phi vụ thế kỷ) được kết thúc bằng một cảnh trên Cầu Nghệ Thuật. Đó là hai diễn viên Mark Ruffalo và Mélanie Laurent, thủ vai hai nhân viên FBI đã cùng nhau móc chiếc ổ khoá tình yêu vào thành cầu làm cho trào lưu này thịnh hành hơn.

Đối với những người yêu nhau nhưng không đến được những cây cầu nổi tiếng để ghi dấu tình yêu thì giờ đây, một số trang trên mạng cho phép các đôi có thể tạo một ổ khoá ảo và gắn nó trên Cầu Milvio (Ponte Milvio) ở Roma. 

Những ổ khóa giữ chặt tình yêu vẫn trường tồn qua bao năm tháng và người ta có thể đếm được, song đã có bao nhiêu mối tình tan vỡ, thì không ai biết được. Có người nhìn vấn đề với cái nhìn thực tế : tình mất là chuyện bình thường nhưng ít ra những ổ khoá này giúp cho ta nhớ mình đã từng được yêu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.