Vào nội dung chính
Y TẾ

Các dịch bệnh mới nổi : Dân cư đông đúc và môi trường bị hủy hoại

Nhân bệnh dịch Ebola với hơn 1.000 người thiệt mạng đang trở thành mối lo ngại toàn cầu, các chuyên gia dịch tễ học nhắc lại các nguyên nhân và các con đường chính khiến nhiều bệnh dịch mới xuất hiện và gieo rắc kinh hoàng trong nửa thế kỷ qua.

Một mẫu xét nghiệm virus Ebola - Reuters
Một mẫu xét nghiệm virus Ebola - Reuters REUTERS/Frederick Murphy
Quảng cáo

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, từ 1940 đến 2004, đã có 154 bệnh do virus mới xuất hiện, trong đó 3/4 là các bệnh lây từ động vật sang người. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu là một nguyên nhân chủ yếu khác. 

Tiêu biểu của trường hợp từ thú truyền sang người là virus HIV/AIDS, có nguồn gốc từ loài vượn hắc tinh tinh ở Châu Phi. Đây là gốc tích của một trong những bệnh dịch gây thiệt hại sinh mạng nhiều nhất, với gần 40 triệu người chết. 

« Các bệnh do virus mới nổi lên gia tăng về số lượng, cơ bản do mật độ dân cư và tốc độ di dân tăng », trưởng ban Dịch tễ học về các bệnh mới xuất hiện của Viện Pasteur (Paris), Arnaud Fontanet, nhận xét.

Đây cũng là nhận xét của Giáo sư Jean-François Delfrayssy, giám đốc Cơ quan nghiên cứu quốc gia về Sida, các virus mới xuất hiện « chủ yếu đến từ các nước phía nam, hoặc từ Châu Á, hoặc từ Châu Phi » và việc chúng phát tán ra phần còn lại của thế giới chủ yếu thông qua những luồng người di chuyển bằng con đường hàng không. 

Mặt khác, các bệnh dịch mới nổi cũng có thể do các « biến đổi về gen của các virus », đây là điều được quan sát thấy ở các virus cúm. 

Virus truyền sang người qua các vật trung gian  

Một virus có thể « nổi lên » tại một khu vực cho đến lúc đó nó hoàn toàn vắng mặt, khi người bệnh hay động vật di chuyển qua đường biên giới, và nhờ thế virus có cơ hội tấn công vào các nhóm dân cư không được miễn dịch. Tác hại có thể là hết sức khốc liệt.

Tiêu biểu là trường hợp của virus phía tây sông Nil, lan truyền thông qua muỗi. Virus này được xác nhận vào năm 1937 tại Ouganda, rồi « tái xuất » tại Trung Đông trong những năm 1950, trước khi xâm nhập vào Mỹ năm 1999, nơi nó phát tán rất nhanh, khiến hàng trăm người chết, phần lớn do chứng viêm màng não. 

Tiến sĩ Arnaud Fontanet, Viện Pasteur, lưu ý trước khi tấn công vào người, virus có thể ở rất lâu tại một loài động vật, đa số là các loài chim hoang hay dơi. Để truyền đến người, các virus này phải cần một « vật chủ trung gian », sống gần với người hơn, như lợn, gà hay muỗi, trong những điều kiện thuận lợi nhất định. 

Virus H5N1 phổ biến tại miền nam Trung Quốc theo con đường này, tại những nơi dân cư rất đông đúc và nơi gà được nuôi với mật độ lớn. Loại virus là nguồn gốc của dịch SRAS (hay hội chứng suy hô hấp cấp), trở thành một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng toàn thế giới năm 2003, khiến gần 800 người chết, chủ yếu tại Châu Á, truyền sang người từ loài dơi thông qua trung gian là các con chồn hương rừng được nuôi làm thực phẩm cho các nhà hàng Quảng Châu. 

Nạn phá rừng và biến đổi khí hậu 

Nạn phá rừng khiến các động vật hoang có mặt tại sát những nơi con người ở, trong khi đó việc trái đất bị hâm nóng khiến muỗi phát triển nhanh tại nhiều nơi chưa từng biết đến chúng.

Đây là trường hợp của virus xuất huyết Dengue và virus Chikungunya, cả hai đều do muỗi truyền đi, trong đó có loài muỗi vằn (Aedus albopictus). Từ lâu loài muỗi này chỉ sống tại vùng Đông Nam Á, nhưng giờ đây đã có mặt tại Châu Mỹ và một phần Châu Âu, như miền nam nước Pháp. 

Theo Tiến sĩ Fontanet, hiện tại các điều kiện đã hội đủ để virus Chikungunya, gây các triệu chứng rất giống với bệnh Dengue, có thể gây tử vong ở trẻ em, từ vùng Đông Phi và Ấn Độ, lan truyền sang toàn bộ Châu Mỹ. 

Về phần virus Ebola, được phát hiện năm 1976, trước trận dịch năm nay, vốn không gây lo ngại nhiều cho giới chuyên môn. Giáo sư Jean-François Delfrayssy, giám đốc Cơ quan nghiên cứu quốc gia về Sida, nhắc lại trước đây dịch này chỉ giới hạn trong phạm vi một số làng. 

Hiện tại, dịch Ebola truyền tới nhiều thành phố miền tây Châu Phi, đe dọa cư dân tại một khu vực vốn có hệ thống y tế rất yếu. So với dịch SRAS, lây qua đường hô hấp, thì virus Ebola chỉ lây truyền qua các tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.

Với cách phát tán này, theo các chuyên gia, dịch Ebola ít có cơ hội lan sang các châu lục khác. Vẫn theo Tiến sĩ Fontanet, « nếu huy động đủ phương tiện, đặc biệt là cách ly người bệnh, bệnh dịch có thể được khống chế trong vòng 3 đến 6 tháng ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.